Cụ thể, tỷ lệ mắc bệnh tăng lên lần đầu tiên vào tuần trước kể từ cuối tháng 1, trước đó đã giảm nhanh chóng.
Hầu hết các trường hợp mắc mới vẫn được phát hiện ở Hàn Quốc, vào ngày 17/3, hơn 600 nghìn trường hợp mắc mới Covid-19 được phát hiện tại đây, trung bình khoảng 400 nghìn trường hợp được ghi nhận mỗi ngày ở nước này.
Ngoài ra, sự khởi đầu của một làn sóng khác ở châu Âu cũng được phát hiện. Theo đó, tỷ lệ mắc cao nhất hiện nay là ở Đức, nơi có khoảng 300 nghìn trường hợp mới được đăng ký mỗi ngày. Tại Pháp, nơi có tỷ lệ lây nhiễm đã giảm mạnh được ghi nhận kể từ tháng Giêng, tuy nhiên chúng đã tăng gấp đôi trong tuần qua. Khoảng 100 nghìn người mắc mới Covid-19 tại đây. Trong khi đó, ở Italy, Áo và Thụy Sĩ, con số này đã tăng gấp rưỡi trong bảy ngày qua, ở Anh mức tăng là 20%.
Tỷ lệ mắc Covid-19 trên thế giới tăng 20% kể từ đầu tháng 3. (Ảnh: AP) |
Ngược lại, mặc dù tỷ lệ mắc mới tăng đột biến nhưng tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới đã giảm gần 1/3 trong một tuần. Trong 7 ngày qua, có khoảng 35 nghìn người nhiễm bệnh đã tử vong.
Tỷ lệ tử vong cao nhất vẫn là ở Mỹ, nơi có khoảng 900 trường hợp tử vong mỗi ngày, Nga ở vị trí thứ hai (khoảng 525 trường hợp tử vong). Tỷ lệ tử vong cũng tăng ở các quốc gia có tỷ lệ mắc mới tăng mạnh. Tại Hàn Quốc, hơn 300 ca tử vong mỗi ngày đã được ghi nhận, đây là con số tử vong cao nhất ở nước này từ đầu đại dịch.
Người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris đã trích dẫn dữ liệu về các ca mắc mới Covid-19 tăng trong tuần qua và nhận định rằng sẽ còn rất lâu đại dịch này mới kết thúc. Bà nói: “Chúng ta chắc chắn đang ở giữa đại dịch”.
Trước đó, WHO từng đề cập rằng giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc trong năm nay nhưng nó còn phụ thuộc vào việc chúng ta có nhanh chóng đạt được mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho 70% dân số các quốc gia.
Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu mới đây các nhà khoa học Trung Quốc và Nhật Bản đã chỉ ra rằng biến thể Omicron có thể sống lâu hơn trên các bề mặt so với những biến thể khác.
Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố tuần trước, Omicron có thể tồn tại 193 giờ (hơn 8 ngày) trên bề mặt nhựa, lâu gấp 3 lần chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Trung Quốc (56 giờ), hay chủng Beta có nguồn gốc tại Nam Phi và Delta có nguồn gốc tại Ấn Độ.
Ngoài ra, nhóm nhà khoa vẫn tìm thấy biến thể Omicron trên bề mặt thuỷ tinh và thép không gỉ sau 7 ngày. Virus này tồn tại trên da khoảng 21 giờ, trong khi chủng gốc chỉ tồn tại chưa đến 8 giờ.
“Cần có thêm bằng chứng để giải thích về việc Omicron có khả năng lây truyền gia tăng trong cộng đồng. Virus bám trụ lâu trên các bề mặt có thể là một trong những nguyên nhân tiềm tàng và cần giới chức cân nhắc khi đưa ra các biện pháp chống virus lây lan”, các nhà khoa học cho biết.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý người dân không cần quá lo ngại về phát hiện trên. Bởi lẽ, khả năng con người bị lây nhiễm do hít phải virus là cao hơn nhiều lần so với chạm vào các bề mặt bị nhiễm khuẩn.
Thanh Bình (lược dịch)