Tý hon vượt cửa tử

Lệ Hà| 16/10/2022 17:58

Đứa nhỏ xíu như bắp ngô non vài lạng, đứa ước chừng bằng bọng chân người lớn, đứa chỉ dài hơn cái bút bi. Những gương mặt sơ sinh nhăn nheo bởi da bay hơi nước gây ấn tượng với những người lần đầu bước chân vào Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương).

Tý hon vượt cửa tử
PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương hướng dẫn mẹ bé nặng 400 gram chăm sóc con. Ảnh: BVCC

Ở nơi những đứa trẻ sinh ra tính bằng gam, bằng lạng

Ở Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) hình ảnh quen thuộc là y bác sĩ thận trọng, tỉ mỉ nhưng khẩn trương, hối hả làm việc. Khác hẳn ở khu trẻ sinh thường, không khí làm việc tại đây dù bận rộn nhưng cũng rất chuẩn chỉ, lặng lẽ. Mỗi y bác sĩ có một công việc chuyên môn riêng, nơi thì các bác sĩ tập trung hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị kịp thời với diễn biến từng giờ, từng phút theo bệnh tình của các bé, chỗ khác, các điều dưỡng mỗi người một việc đang cần mẫn chăm sóc cho các bệnh nhi. Điều đặc biệt ở đây là dù vội đến đâu thì công tác vô trùng luôn được đặt lên hàng đầu. Chỉ cần một chút bất cẩn, một chút sơ suất, tính mạng của các bé sẽ bị đe dọa. Tới đây, mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến những đứa trẻ sinh non bé nhỏ đang gồng mình chiến đấu với tử thần. Chúng chào đời khi còn quá nhỏ, có bé chỉ được ở trong bụng mẹ 6 tháng, có bé ra đời nặng 400- 500 gram nhưng tất cả đều đang cố gắng sống sót một cách kỳ diệu. Không có tiếng bước chân, không tiếng nói cười rôm rả, nơi này chỉ có âm thanh của máy móc và tiếng trẻ ré lên từng chặp. Những gương mặt sơ sinh nhăn nheo vì da bị bay hơi nước ám ảnh người lần đầu bước chân vào đây...

TS.BS Lê Minh Trác - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) chia sẻ: Những em bé nằm ở khu điều trị tích cực hầu hết đều là sinh non, có bé thân mình chỉ nhỏ như bàn tay người lớn. Để chăm sóc các cháu, y bác sĩ không chỉ cần kỹ thuật và kinh nghiệm, mà còn cần sự khéo léo và một trái tim can đảm. Bởi lẽ những cơ thể non nớt mới chỉ 24-25 tuần tuổi của các bé thật sự mong manh và nhỏ đến khó tin, nếu không có can đảm, chắc không ai có thể cho các bé ăn, dùng thuốc massage hay điều trị phổi, mắt...

Bác sĩ Trác kể: Thành công mới nhất của chúng tôi là lần đầu tiên nuôi sống thành công cặp song sinh nặng 500 gram, chào đời ở tuần thai thứ 25. Thử tưởng tượng một trẻ sơ sinh chỉ nặng 500 gram, nằm gọn trong lòng bàn tay người lớn, các bộ phận trên cơ thể đều nhỏ bé. Máy móc sử dụng cho các bé vô cùng khó khăn. Bác sĩ Trác vẫn nhớ như in ngày giữa tháng 5.2022 vừa qua, sản phụ L.T.V, sinh năm 1996 ở Ứng Hoà (Hà Nội) đang theo dõi COVID-19 mang thai ở tuần thứ 25 trở dạ. 2 bé song sinh (1 trai, 1 gái) chào đời với cân nặng 500 gram. Thời điểm đó, gia đình không hy vọng nhiều vào sự sống của các con. Tuy nhiên, các bác sĩ Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nỗ lực tìm sự sống cho 2 bé sơ sinh non tháng.

Trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc 2 bé sơ sinh, 2 bé được hỗ trợ hô hấp bơm surfactant thở máy 43 ngày, thở oxy 30 ngày; nuôi dưỡng tĩnh mạch kết hợp tiêu hoá phòng viêm ruột hoại tử. Nuôi tĩnh mạch, lấy ven là vô cùng khó khăn khi toàn bộ tay, chân trẻ không bằng tay út của người lớn. Trong 6 ngày đầu 2 bé ăn được 1ml/bữa, sau 2 tuần ăn được 6ml/bữa, sau 23 ngày ăn được 10ml/bữa bằng cách nhỏ sữa từng giọt. Một khó khăn nữa các bác sĩ phải thận trọng trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng 2 bé sơ sinh là chống nhiễm khuẩn; ổn định thân nhiệt. Mọi thao tác, hành động phải thật chuẩn xác, nhanh gọn để có thể giành lại các em từ tay tử thần. Mọi nỗ lực của y bác sĩ đã được đền đáp, sau gần 5 tháng chăm sóc, điều trị 2 bé được đã tự thở khí trời, ăn sữa 600ml-700ml/ngày. Quá trình tăng trưởng của trẻ tiến bộ từng ngày. Cụ thể sau đẻ 3 tuần trẻ hồi phục cân nặng 500 gram  lúc đầu, từ đó trẻ tăng 15%/cân nặng/tuần. Hiện trẻ đã biết mỉm cười tự phát, massage thể hiện sự dễ chịu. Vui mừng nhất là 2 bé khoẻ mạnh và được xuất viện về bên gia đình.

Một năm trước, ở nơi đây, các y bác sĩ cũng cứu sống một trẻ sinh non "siêu nhẹ cân". Bé sơ sinh là con của sản phụ (sinh năm 1997 ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Khi mang thai ở tuần thai 27 tuần, 2 ngày, người mẹ bị tiền sản giật, suy thai phải mổ đẻ. Ngay sau sinh, em bé rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nặng, bụng chướng, thở nấc và phải thở máy. Khi chào đời bé chỉ nặng có 400gram, nằm lọt thỏm trong lòng bàn tay của nhân viên y tế. Việc cứu sống bé sơ sinh "tý hon" này được coi là một kỳ tích. Đây là trường hợp nhỏ nhất được nuôi dưỡng thành công tại Việt Nam. “Với cân nặng 400gram, chân bé nhỏ chưa bằng ngón tay út của người lớn, việc nuôi tĩnh mạch, lấy ven vô cùng khó khăn. Khi mới sinh, bé được nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, đến ngày thứ 15, bữa ăn đầu tiên qua đường miệng, bé chỉ ăn 1,5-2ml sữa/bữa. Sau 23 ngày, bé ăn 5ml sữa/bữa, với tần suất ăn 16 bữa một ngày, phải nhỏ sữa từng giọt cho em bé. Sau 3 tháng 9 ngày, bé nặng 1.800 gram, tự thở khí trời, ăn sữa đạt 200ml/ngày. "Đây là sự tăng trưởng kỳ tích của bé, với mức tăng trưởng 15% cân nặng/tuần", bác sĩ Trác nhớ lại.

Đừng bỏ cuộc

Bác sĩ Trác cho hay, do sự phát triển chưa hoàn thiện của cơ thể nên trẻ sinh non phải đối mặt với rất nhiều các nguy cơ. Trong đó, có 8 vấn đề cơ bản: Trẻ dễ bị ngạt, hạ thân nhiệt, đường máu, suy hô hấp, xuất huyết, nhiễm trùng sơ sinh, khó khăn về dinh dưỡng và dễ bị viêm ruột hoại tử, vàng da.

"Tất cả các cháu sinh không đủ tháng đều được phòng chống và điều trị 8 nguy cơ này ngay trước mắt. Tùy từng cháu, thông thường phải điều trị từ 2,5-3 tháng. Khi đạt cân nặng 1,6-1,7kg và có thể tự ăn đường miệng, không cần hỗ trợ đường thở, bé sẽ được xuất viện", bác sĩ Trác thông tin.

Biến chứng nguy hiểm nhất đối với trẻ sinh non là xuất huyết não. Do đó cần phải ngăn ngừa biến chứng này. Trong 7 ngày đầu, tỉ lệ tử vong là rất cao, do đó cần có sự theo dõi sát sao với các máy đo nhịp tim, nhịp thở... Biến chứng thứ hai là mù mắt. Trẻ đẻ quá non mắt dễ bị bệnh võng mạc ROP. Biến chứng thứ ba cần đề phòng là bệnh phổi mãn tính. Cần phải chữa trị triệt để để khi ra viện trẻ không phải có bình oxy bên người. Khi em bé sinh không đủ tháng, điều đầu tiên cần làm là hỗ trợ hô hấp, sau đó là các biện pháp nghiêm ngặt về vệ sinh để chống nhiễm trùng phối hợp với kháng sinh. Thiết bị đầu tiên phải kể đến là một lồng ấp hiện đại. Lồng ấp này được thiết kế giống như môi trường trong dạ con bà mẹ, phải điều khiển được nhiệt độ và độ ẩm theo tuổi thai, được tính bằng ngày của em bé. Môi trường đó phải để em bé không nóng không lạnh. Ở tuần tuổi này, da em bé mỏng như tờ giấy, nhiều em thấy cả ruột phía trong, mạch máu chạy dưới da loằng ngoằng. Nếu độ ẩm không làm tốt, để da bay hơi sẽ khiến bé gặp nguy hiểm. Đặc biệt, môi trường nuôi trẻ sinh non phải vô trùng.

Những y bác sĩ trực tiếp chăm sóc, điều trị phải thường xuyên rửa tay xà phòng, dùng dung dịch sát khuẩn tay, không mặc quần áo bình thường, phải có máy lọc khí để đảm bảo không khí trong phòng nuôi trẻ được thông thoáng và sạch nhất.

Riêng về dinh dưỡng, các cháu cần được bổ sung bằng cách phối hợp giữa đường tĩnh mạch và đường ăn, đặc biệt phòng viêm ruột hoại tử. Ngoài ra, các bé cần phải chiếu đèn vàng da, điều trị chống xuất huyết.

Theo các bác sĩ, y học Việt Nam hoàn toàn có thể cứu sống những em bé sinh từ tuần thứ 24 trở đi. Tuy nhiên, về lâu dài, các bé vẫn có thể gặp những biến chứng thường thấy ở những trẻ non tháng như bệnh phổi mãn tính, mắt võng mạc, thính lực, thần kinh chậm phát triển.

Những kỹ thuật ứng dụng chăm sóc cho trẻ để hạn chế nguy cơ đã được các thầy thuốc của Bệnh viện Phụ sản Trung ương triển khai như hồi sức sơ sinh ngay từ phòng đẻ; chống suy hô hấp cho trẻ bằng thở máy, bơm surfantan, thở CPAP, oxy, chống tắc nghẽn đường thở; Lồng ấp để giữ ấm cho trẻ cách ly môi trường...

Từ 2010, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nuôi dưỡng thành công bé sơ sinh sinh non nặng 500 gram, năm 2021 đã có một bé chỉ nặng 400 gram khi chào đời cũng được chăm sóc tốt và không gặp bất kỳ biến chứng nào.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương Trần Danh Cường cho biết, 10 năm trước, một em bé sinh non nặng 550 gram đã được cứu sống. Đến nay, việc nuôi dưỡng thành công em bé nặng chỉ 400 gram, mới được 27 tuần, 2 ngày thực sự là một kỳ tích. Điều này cũng khẳng định sự phát triển của y học nước nhà, đặc biệt trong chuyên ngành sơ sinh.

"Những người mẹ nếu không may có nguy cơ sinh non, em bé được 27-28 tuần thai, nặng dưới 1.000 gram, đừng từ bỏ, đừng vội buông xuôi, hãy quyết tâm và cùng bệnh viện chăm sóc để tìm cơ hội sống cho trẻ", ông Trần Danh Cường nhắn nhủ.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Tý hon vượt cửa tử
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO