Tuyển 'vớt' thí sinh 27 điểm trượt đại học: Có nên ngoại lệ?

Minh Khôi| 27/09/2021 11:32

Việc Bộ GD&ĐT "kêu gọi" các đại học top đầu tuyển bổ sung thí sinh đạt 27 điểm trở lên nhưng không đỗ nguyện vọng nào nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Bộ GD&ĐT mới đây trao đổi với một số trường đại học lớn xem xét quyền lợi cho các thí sinh đạt 27 điểm trở lên nhưng không đỗ bất kỳ nguyện vọng nào. Thông tin nhận được nhiều nhiều ý kiến trái chiều của chuyên gia.

Nhân văn hay bất công?

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong kỳ xét tuyển vừa qua, 165 thí sinh đạt 27 điểm thực (tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên không trúng nguyện vọng xét tuyển nào. Ba trong số đó tổng điểm trên 28. TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng nhận định, số lượng thí sinh này rất ít, do đó việc các trường top đầu mở chỉ tiêu để xét tuyển cho các em có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, không nên xem đây là tiền lệ mà cần thay đổi hình thức xét tuyển để tạo nên công bằng cho thí sinh mùa tuyển sinh tiếp theo.

Trong khi đó, cô Lê Ngọc Diễm (Nghệ An) cho rằng, dù Bộ GD&ĐT "kêu gọi" các trường tuyển bổ sung thí sinh 27 điểm trượt đại học là nhân văn, nhưng không tạo công bằng và tiền lệ xấu cho thí sinh cũng như các đợt tuyển sinh năm sau.

"27 điểm thêm cơ hội tuyển bổ sung, vậy thí sinh đạt 26,5, 26,75 điểm thì sao? Các em này cũng cố gắng, nỗ lực học không thua kém, nhưng lại không có cơ hội xét tuyển lại vào những ngành yêu thích. Như vậy rõ ràng là chưa công bằng với các em", cô Diễm nói. "Thí sinh tham gia cuộc chạy đua vào đại học thì phải chấp nhận kết quả, không nên có ngoại lệ".

TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM cũng băn khoăn trước việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học xét trúng tuyển "giải cứu" cho 165 thí sinh. Điều này tưởng như rất nhân văn nhưng lại đưa đến những vấn đề "dắt dây" khác, phá vỡ quy định quy chế tuyển sinh.

"Những thí sinh điểm thi dưới 27 nhưng chưa trúng tuyển nguyện vọng nào thì sao? Vì sao lại phải 'ưu ái' cho thí sinh không thực hiện các quy định có lợi cho chính mình? Và hơn nữa, các thí sinh hoàn toàn có thể tham gia các đợt xét tuyển bổ sung sắp tới của nhiều trường đại học theo quy định mà hoàn toàn không cần đến 'gói giải cứu' của Bộ", ông Nghĩa bày tỏ.

Theo Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng tuyển sinh và truyền thông, Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, từ đầu năm có rất nhiều hoạt động tư vấn truyền thông tuyển sinh nên không thể nói rằng các em không có thông tin. Trước khi thí sinh được thay đổi nguyện vọng, các trường cũng đã công bố số chỉ tiêu còn lại. "Tại sao không trúng tuyển, đơn giản là các em không quan tâm đến mọi lời khuyên nhủ. Nhiều em còn bị chi phối bởi phụ huynh nên đặt nguyện vọng vào những nơi vô vọng", ông Quán nói.

Tuyển 'vớt' thí sinh 27 điểm trượt đại học: Có nên ngoại lệ? - 1

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT.

Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, điểm chuẩn không tự nhiên xuất hiện cũng không phải trường đại học tự đặt ra. Đó kết quả của quá trình xét tuyển dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh, điểm thi của thí sinh và số lượng đăng ký vào ngành học và chỉ tiêu có trước, điểm chuẩn có sau.

Khi đăng ký vào một trường, một ngành nào đó, bản thân thí sinh phải hiểu ngành học đó, tìm hiểu ngành đó còn bao nhiêu chỉ tiêu, phổ điểm tổ hợp đó ra sao, điểm chuẩn năm rồi ra sao để còn biết đặt cơ hội cho mình.

Tuyển bổ sung đúng quy định?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, khi Bộ trao đổi với các trường đều tuân theo quy định của quy chế tuyển sinh. Theo quy chế, thời gian này các trường đại học đang lập kế hoạch xét tuyển bổ sung nếu trường có nhu cầu.

Việc xét tuyển phải theo quy định của quy chế như các trường phải công bố công khai chỉ tiêu các ngành cần bổ sung nhưng không vượt quá năng lực đào tạo. Luật Giáo dục Đại học 2018 cho phép các trường được xác định chỉ tiêu mà không vượt quá năng lực đào tạo.

Theo ông Sơn, tùy từng trường đặt ra mức điểm nhận xét tuyển bổ sung. Có trường xét từ mức điểm 27 nhưng có trường cao hơn hoặc thấp hơn. Thông lệ tuyển sinh hằng năm, các trường đại học lớn sẽ không xét tuyển bổ sung nhất là những ngành điểm chuẩn cao. Như vậy, nhiều thí sinh điểm cao không trúng tuyển đợt 1 sẽ không còn cơ hội theo học các ngành này.

Vì vậy Bộ GD&ĐT trao đổi với một số trường đại học xem xét việc điều chỉnh chỉ tiêu và xét tuyển bổ sung một số ngành có điểm chuẩn cao, tạo cơ hội cho các em đạt điểm cao không trúng tuyển đợt 1.

Tính đến ngày 26/9, hai trường đại học gồm: Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM và Đại học Nguyễn Tất Thành thông báo quyết định xét tuyển bổ sung thí sinh đạt điểm cao. Theo đó, Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ xét tuyển những thí sinh 25 điểm trở lên, chưa đỗ trong đợt 1 vừa qua. Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM xét tuyển các thí sinh từ 26,75 (tổ hợp không có môn tiếng Anh) hoặc 27,25 (tổ hợp có môn tiếng Anh) trở lên.

Bên cạnh đó, Học viện Tài chính cũng đang lên phương án dự kiến sẽ tuyển bổ sung những thí sinh đạt từ 28 điểm trở lên. Phương án cụ thể, trường sẽ thông báo trong tuần tới.

Minh Khôi
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tuyển 'vớt' thí sinh 27 điểm trượt đại học: Có nên ngoại lệ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO