Tuyển Việt Nam tiến bộ từ… những trận thua

LÊ VINH| 17/11/2021 11:30

Tiến bộ từ những điều tích cực vốn đã là một khái niệm mang tính trừu tượng, khó định lượng. Vậy thì “tiến bộ từ những trận thua” có thể được hiểu thế nào? Nó có ích gì cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung?

Với những vấn đề liên quan đến bóng đá Việt Nam, người ta dễ đưa câu chuyện vào trạng thái “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng rõ ràng, tư duy đó cần thay đổi.

Về mặt thực tế, thất bại chẳng làm ai vui cả, nhất lại là những trận thua liên tiếp. Thế nên, nghe thầy Park nói về “sự tiến bộ của đội tuyển Việt Nam”, ai đó có thể thấy buồn cười, thậm chí dè bỉu về “cách suy nghĩ kiểu AQ”. Nhưng đi sâu vào vấn đề, nó lại cần hơn là chờ đợi một cú địa chấn mang tới niềm vui ngắn ngủi.

Diễn giải cụ thể thế này, cùng là thua, nhưng đẳng cấp của đối thủ và cách thất bại dẫn đến 2 câu chuyện khác nhau. Lấy ví dụ, cùng là thất bại khiến 2 đội tuyển Thụy Điển và Bồ Đào Nha phải đá play-off tại vòng loại World Cup 2022 khu vực Châu Âu, nhưng việc Thụy Điển thua Tây Ban Nha rõ ràng là khác với Bồ Đào Nha thua Serbia.

Với đội tuyển Việt Nam, trước những Saudi Arabia, Australia, Nhật Bản, mỗi thất bại phải trở thành một bài học quý. Bài học từ cách thích nghi với điều kiện ngoại cảnh (thời tiết, sân bãi) cho đến các vấn đề nhân sự, chiến thuật…

Nhưng đó là các vấn đề chung. Quan trọng hơn cả là những bài học mang tính cá nhân. Cầu thủ cần đặt cho mình câu hỏi rằng, kinh nghiệm nào được rút ra khi chứng kiến cách các đối thủ xử lý tình huống? Cũng như cách nói về sự tiến bộ, kinh nghiệm thu thập được là thứ thẩm thấu dần vào mỗi cầu thủ, trước khi phát tiết ở thời điểm thích hợp.

Bóng đá cũng giống như sự học, không ngừng nghỉ, vì không có khái niệm chạm trần…

Các cổ động viên có thể thất vọng vì kết quả thua, kéo theo việc chỉ trích, chê bai cầu thủ nào đó sa sút, nhưng đôi khi người ta không nhìn thấy, không đánh giá đúng vai trò của mỗi cá nhân khi đứng trên sân. Những con số dễ dàng được đưa ra làm minh chứng, nhưng bên cạnh các yếu tố hữu hình còn có khía cạnh thuộc về sự cảm nhận.

Thầy Park nói “phát triển năng lực cầu thủ rất khó”, điều đó không sai nhưng nên được diễn giải rõ hơn. Khó là khi phát triển hết về thể chất, về kỹ năng. Nhưng sẽ không khó khi thời điểm đó, thứ cần thiết để nâng cao hơn nữa năng lực là kinh nghiệm, bản lĩnh thi đấu.

Đó là lý do vì sao người ta hay nói “chơi bóng bằng cái đầu”. Những thất bại trước các đối thủ mạnh mang lại nhiều giá trị, nhưng tất nhiên chưa phải là nhất vì vẫn còn nhiều cách khác để tiến bộ - như “xuất khẩu cầu thủ” chẳng hạn, là một cách tiến bộ trong sự tích cực.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tuyển Việt Nam tiến bộ từ… những trận thua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO