Dẫn lại Nghị quyết số 02-NQ/HNTW ngày 24/12/1996 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII yêu cầu: "Không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và THCS", đồng thời Luật Giáo dục 2019 cũng chỉ cho phép có trường chuyên ở duy nhất cấp THPT, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ ra khối THCS nằm trong trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vẫn tồn tại qua hàng chục năm, phụ huynh cũng mặc định đó là "trường chuyên", năm nào việc tuyển sinh cũng căng thẳng.
Kỳ thi vào lớp 6 trường này hằng năm như "một cuộc chiến", áp lực cao khi cạnh tranh xuất học với tỷ lệ 1 chọi 10, 1 chọi 20. Việc thi cử gây không ít tranh cãi, phản đối từ phía chuyên gia, phụ huynh trong những năm gần đây.
Ông ủng hộ việc dừng tuyển sinh lớp không chuyên trong trường THPT chuyên, nhất là bậc THCS, "việc này nên làm từ lâu, không phải đến bây giờ mới bàn".
Trường chuyên ra đời với mục tiêu đào tạo học sinh có năng khiếu đặc biệt ở các môn văn hóa, việc tồn tại những lớp không chuyên trong trường chuyên là không đúng chức năng, nhiệm vụ. Chưa kể, việc có lớp không chuyên trong trường chuyên cũng rất dễ dẫn đến thương mại hóa giáo dục.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, cấp tiểu học và THCS đang được phổ cập, không nên có những sự cạnh tranh không cần thiết, áp lực quá lớn trong công tác chuyển cấp cho học sinh.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Cao Hằng, Đại học Quốc gia Hà Nội băn khoăn, tại sao trong 15 năm qua kể từ khi Hà Nội tổ chức tuyển sinh, đào tạo hệ THCS trong trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam mà chưa có đơn vị chức năng nào tuýt còi hay yêu cầu thực hiện theo quy định.
Những mô hình giáo dục ngược với quy định, luật thì cần đánh giá tác động xã hội và xem xét trách nhiệm quản lý của từng cấp. Giáo dục tiểu học, THCS đang được phổ cập, cần sự công bằng, không nên có sự khác biệt hay cơ chế đặc thù.
"Nếu Hà Nội có cơ chế đặc thù mở lớp 6 trong trường THPT chuyên thì các địa phương khác như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ cũng sẽ xin cơ chế riêng, khi đó rất khó quản lý", vị chuyên gia nói.
Cuộc chạy đua vào lớp 6 trường THPT chuyên Amsterdam những năm qua tạo nên nhiều hệ luỵ như dạy thêm học thêm, gây lãng phí, áp lực không đáng có cho con trẻ, tạo nên sự tranh luận trong xã hội. Chúng ta nên để những đứa trẻ phát triển đúng lứa tuổi, đừng ép các con nhốt mình hơn 12 tiếng/ngày cho những lớp học thêm, luyện thi, nữ chuyên gia nói thêm.
Hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (thường được nhắc đến với tên gọi "Ams2") được thành lập năm 2009 theo quyết định của UBND TP. Từ đó đến nay, việc tuyển sinh (xây dựng kế hoạch, sơ tuyển, tổ chức thi, ra đề, chấm thi….) vào lớp 6 trường Amsterdam đều do Sở GD&ĐT Hà Nội chủ trì tổ chức.
Mỗi năm, kỳ thi lớp 6 trường Amsterdam tuyển khoảng 200 chỉ tiêu. Đây là kỳ thi có tiếng khó nhằn với yêu cầu cực khắt khe ngay từ vòng hồ sơ. Sau khi vượt qua vòng 1, thí sinh tiếp tục tham dự kỳ kiểm tra đánh giá năng lực (vòng 2) với đề ra ở mức độ vận dụng cao.
Cô Trần Thị Phương Oanh (36 tuổi, giáo viên một trường tiểu học quận Đống Đa, Hà Nội) nhận xét, các câu hỏi trong đề thi vào lớp 6 trường THPT chuyên Amsterdam khó hơn cả thi học sinh giỏi, đòi hỏi thí sinh phải có nền tảng kiến thức cực kỳ cao siêu, hoàn thành trong thời gian cấp tốc, trung bình các em chỉ có 30 - 40 giây hoàn thành câu hỏi trắc nghiệm.
"10 năm đi dạy, mới có 5 học sinh của tôi đỗ vào lớp 6 trường chuyên Amsterdam. Để đỗ được vào trường này các em được gia đình đầu tư bài bản, chạy tốc lực từ lớp 3, 4, ôn thi thời gian dài mới đủ khả năng để giải quyết các câu hỏi trong đề thi", cô Oanh nói và ủng hộ việc nên xoá bỏ hệ THCS trong trường THPT chuyên để các em không phải chịu những áp lực thi cử quá sớm.
Căn cứ nào trường Amsterdam tuyển lớp 6?
Cuối tháng 1/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội gửi văn bản báo cáo Bộ GD&ĐT việc tuyển sinh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam từ năm học 2024-2025, trong đó có nội dung đánh giá quá trình đào tạo hệ THCS của trường này. Sở đề xuất Bộ cho phép tiếp tục mô hình thí điểm thực hiện hệ THCS theo hướng đào tạo trình độ cao, đào tạo nguồn học sinh chuyên.
Trả lời ý kiến đề xuất, Bộ đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo việc tuyển sinh vào trường THPT chuyên đúng quy định của Luật Giáo dục 2019 "trường chuyên được thành lập ở cấp THPT, không có cấp THCS trong trường chuyên".
Bộ GD&ĐT nêu rõ mô hình tuyển sinh cấp THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amtesdam không còn phù hợp với quy định. Do đó, Bộ yêu cầu từ năm nay trường này không được tuyển sinh lớp 6.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng rằng việc thực hiện khối THCS trong trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã duy trì 15 năm nay và đạt kết quả tốt trong tạo nguồn học sinh có chất lượng.
Căn cứ pháp lý của việc tổ chức hệ THCS chất lượng cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam là Luật Thủ đô. Điều 12 Luật Thủ đô nêu: “Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện”.
Một căn cứ khác là Quyết định số 5029/QĐ-UBND năm 2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc thí điểm hệ THCS đào tạo trình độ cao và đào tạo nguồn học sinh chuyên tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Về căn cứ thực tiễn, theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, trong những năm vừa qua, hệ THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hệ tạo nguồn chủ yếu cho các lớp chuyên THPT đạt thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Từ những lý do trên, đại diện Sở cũng cho biết sẽ tiếp tục tham mưu với thành phố đề xuất tiếp tục phương án đề xuất giữ ổn định cho học sinh dự tuyển lớp 6 trường chuyên Hà Nội - Amsterdam. Về lâu dài, Sở GD&ĐT sẽ nghiên cứu, tham mưu cho thành phố phương án xin cơ chế đặc thù cho Hà Nội trong việc duy trì hệ THCS ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.