Việc lựa chọn nghề nghiệp rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Lựa chọn đúng ngành nghề giúp mỗi người cảm thấy có ích, có thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Chọn nghề sai lầm là đặt cho mình một tương lai không thật sự vững chắc và gây ra những hậu quả tiêu cực như thất nghiệp, không phát triển được nghề nghiệp, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức.
Hiện nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống xã hội, thị trường lao động trong mọi lĩnh vực cũng không nằm ngoài tác động đó. Việc chọn lựa ngành học để sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay là điều mà phụ huynh và thí sinh luôn hướng tới.
Nhiều người nhận thấy, hiện nay dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các ngành quản trị khách sạn, du lịch... Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong lĩnh vực này ở một số quốc gia cũng rất khó khăn. Thế nên nhiều thí sinh thắc mắc, mùa tuyển sinh năm nay có nên đăng ký học các ngành này?
Nhiều chuyên gia cho rằng, các em học sinh hãy nhìn nhận lạc quan hơn vì Covid-19 có thể khiến một số ngành nghề gặp khó khăn nhưng lại là yếu tố tác động đến việc thay đổi cấu trúc nền kinh tế, phương thức kinh doanh. Hoạt động kinh tế và kinh doanh luôn luôn là lĩnh vực thiết yếu và nhất là ngành du lịch sẽ sớm lấy lại “phong độ”.
Bởi lẽ, chuyển dịch về cấu trúc ngành nghề thay đổi như thế nào lệ thuộc vào cách ta thích ứng với khó khăn trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Khi học một ngành nào đó, ngoài kiến thức, điều cần thiết hiện nay là sinh viên cần bổ sung kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng thích ứng với các tình huống tác động khách quan để có thể nhanh chóng chuyển đổi phương thức làm việc.
Nhóm ngành du lịch, bất động sản, chăm sóc sức khỏe vẫn cần nhiều nhân lực. (ảnh minh họa) |
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, thời gian gần đây các đơn vị sử dụng lao động có nhu cầu nhân lực về ngành truyền thông, tiếp thị để kết nối với khách hàng nhiều hơn.
Đặc biệt từ cuối năm 2021 đến nay có lĩnh vực các doanh nghiệp đòi hỏi nhu cầu nhân lực rất lớn, nổi lên đó là ngành bất động sản, nhóm ngành chăm sóc sức khỏe...
Thực tế, hằng năm các doanh nghiệp đều đến trường đại học tìm nguồn nhân lực, không ít sinh viên đã nhận lương ngay khi thực tập, nhưng nhiều trường vẫn không đào tạo đáp ứng đủ nhu cầu.
Trước tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu, giữa đào tạo nhân lực và đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, thạc sĩ Trần Văn Trắng - Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho rằng khi sinh viên ra trường hàng loạt, không phải sinh viên nào cũng đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng như ngoài tiêu chí chuyên môn cao thì còn kỹ năng về ngoại ngữ, tin học và thái độ làm việc.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng đưa ra khuyên: “Trong quá trình đào tạo, sinh viên hãy rèn luyện kỹ năng, xây dựng hình ảnh, thái độ tích cực trong mắt của doanh nghiệp thì không sợ thất nghiệp, tìm không ra việc hay không tìm được việc lương cao”.
Năm nay từ ngày 26/4 đến hết ngày 28/4, các sở giáo dục đào tạo có trách nhiệm lập và cấp cho học sinh lớp 12 năm học 2021 - 2022 tài khoản và mật khẩu để các em học sinh truy cập hệ thống quản lý thi, phục vụ việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Thí sinh được thử đăng ký trực tuyến trên hệ thống quản lý thi từ ngày 26/4 đến hết ngày 3/5. Từ ngày 4/5 đến 17 giờ ngày 13/5, thí sinh thực hiện đăng ký trực tuyến chính thức trên hệ thống quản lý thi tại trường phổ thông.
Tài khoản là số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân của học sinh. Trường hợp không có căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân thì sử dụng mã số định danh được cơ quan công an cấp để thay thế.
Với các thí sinh tự do, sau khi nộp phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT thí sinh sẽ được đơn vị đăng ký dự thi cấp tài khoản (là số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân của thí sinh) và mật khẩu để đăng nhập hệ thống quản lý thi.
Bộ GD&ĐT lưu ý, học sinh phải bảo mật thông tin tài khoản và mật khẩu. Trong trường hợp quên tài khoản và mật khẩu, học sinh có thể liên hệ với nhà trường - nơi đăng ký dự thi để được cấp lại.
Hoàng Thanh