TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng Ban đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, những năm trước, với các phương thức như xét học bạ hay xét tuyển kết hợp, thí sinh đều phải đến trường nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện. Năm nay, chỉ phương thức xét tuyển kết hợp (học bạ và chứng chỉ ngoại ngữ), thí sinh mới phải thực hiện thao tác này.
Điểm mới dự kiến của năm nay là lọc ảo chung tất cả các phương thức xét tuyển trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trong lần 1 nên theo bà Thủy, thí sinh chỉ trúng tuyển 1 trường với 1 nguyện vọng cao nhất bằng một phương thức xét tuyển.
Kết quả sẽ được công bố đồng thời giữa các trường, chấm dứt tình trạng một thí sinh đỗ nhiều trường với nhiều phương thức và thời gian xét tuyển khác nhau. Do đó, bà Thủy khuyên thí sinh nếu đã yêu thích một ngành nào đó, nên đặt tất cả các nguyện vọng với tất cả các phương thức xét tuyển vào một trường yêu thích.
“Năm trước, thí sinh có mã định danh trước khi được cấp căn cước công dân. Nhưng khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh lại nộp về Học viện số căn cước công dân. Học viện không thể nhập dữ liệu của thí sinh lên hệ thống của Bộ vì tất cả các kênh liên hệ với thí sinh như email, điện thoại đều không kết nối được. Hoặc có những thí sinh khi đăng ký khai một địa chỉ email, khi nộp hồ sơ khai địa chỉ email khác và cả hai địa chỉ đều không chính xác”, TS Thủy nêu thực tế.
Tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Bí quyết trúng tuyển đại học: Nộp hồ sơ xét tuyển, những sai lầm cần tránh”, ThS Trần Hải Nam, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho biết, năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu thí sinh đăng ký gần như 100% trực tuyến nên các thầy cô giáo không thể hỗ trợ thí sinh như các năm trước khi đăng ký bằng phiếu. Hơn nữa, thời điểm đăng ký, thí sinh đã thi xong tốt nghiệp THPT nên vai trò của các trường đối với thí sinh khác với trước đây khi vào thời điểm đăng ký, thí sinh chưa thi.
Vì thế, ThS Trần Mạnh Thái, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh truyền thông. Trường ĐH Văn Hiến, lưu ý nếu thí sinh tự thao tác ở nhà thì nên tập dượt và hỏi thầy cô từ bây giờ. Nếu thao tác bị nhầm sẽ bị mất quyền lợi.
ThS Thái khẳng định, với những điều chỉnh của năm nay, thí sinh không nên tham khảo cách thức thao tác ở các anh chị khóa trước mà hãy nhờ thầy cô ở trường THPT hoặc các trường ĐH. Một điều lưu ý nữa, năm trước chỉ có chung mã ngành, nhưng năm nay các phương thức xét tuyển sẽ có một mã ngành riêng và tùy theo từng trường sẽ có sự sắp xếp phù hợp.
Đọc kỹ đề án tuyển sinh
TS Bùi Văn Thời, Phó khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nói rằng, thí sinh cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của từng trường để lựa chọn ngành phù hợp vì còn liên quan chính sách học bổng cũng như mức học phí. Với cách thức xét tuyển năm nay, các trường sẽ ưu tiên chốt lại trong đợt xét tuyển đầu tiên để ngay sau đó ổn định công tác học tập. Vì thế, nếu trượt đợt 1, nguy cơ không có trường học là rất cao.
GS.TS Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, cho biết, hầu hết các trường ĐH hiện nay đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển mà không ảnh hưởng nhiều đến sự lựa chọn của thí sinh. Về cơ bản, phương thức xét tuyển chủ đạo của các trường vẫn dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
(Nguồn: Tiền Phong)