Tướng Robert E. Lee và Ngài Booker T. Washington – Những nhà giáo dục tận tâm tái thiết Hoa Kỳ sau cuộc Nội Chiến

Jeff Minick| 26/08/2022 14:36

Những nhà giáo dục đã tái thiết đất nước Hoa Kỳ sau cuộc Nội Chiến.

Nếu quay ngược thời gian trở về thời kỳ cuối những năm 1860, chúng ta sẽ chứng kiến một đất nước Hoa Kỳ bị chia cắt bởi chiến tranh và đau thương.

Vào mùa xuân năm 1865, quân đội Miền Bắc đánh bại Liên Minh Miền Nam. Trong vòng chưa đầy một tuần sau khi lực lượng Liên Minh đầu hàng tại Appomattox [một ngôi làng ở tiểu bang Virginia], Ngài Abraham Lincoln – vị tổng thống hoạch định những chính sách có thể thay đổi tiến trình lịch sử của đất nước Hoa Kỳ sau thất bại của quân đội Liên Minh, đã bị ám sát và qua đời. Những thành viên cấp tiến của Đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội kêu gọi các cuộc tấn công và dự định phá hủy tàn tích của chính phủ Miền Nam, thúc đẩy những thành viên Đảng Cộng Hòa cùng những người da màu đạt được quyền kiểm soát các cơ quan lập pháp bang. Trong khi đó, cuộc Nội Chiến đã phá hủy các cơ sở hạ tầng của toàn Miền Nam. Hệ thống đồn điền đã bị xóa bỏ, ít nhất là trong khoảng thời gian đó, toàn bộ các tuyến đường sắt bị phá hủy. Rất nhiều ngành công nghiệp đóng cửa hoặc bị hủy hoại.

Sự sụp đổ về chính trị và kinh tế trong giai đoạn sau chiến tranh đã tác động lớn đến xã hội. Trong nhiều năm, những người miền Nam không đồng tình với các chính sách Tái Thiết do người miền Bắc khởi xướng, sự chiếm đóng của quân đội, làn sóng người miền Bắc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại vùng đất thua cuộc, và những quyền lợi được trao cho người da màu. Một số các nhà lãnh đạo miền Nam đã tổ chức các nhóm như Ku Klux Klan, những tổ chức lỏng lẻo được thành lập để đẩy lùi những “Carpetbaggers”* miền Bắc và đe dọa những người Mỹ gốc Phi. Mặt khác, người miền Bắc xem miền Nam như một vùng đất bảo thủ, hiếm khi được nhìn nhận như một phần của lãnh thổ Hoa Kỳ. Nghiêm trọng nhất là sau giai đoạn tốt đẹp ngắn ngủi khi những người Mỹ gốc Phi được trao các quyền lợi về dân sự và pháp lý, các chính sách Jim Crow* đã tước đoạt tất cả quyền tự do đó trong suốt gần một thế kỷ.

Sự thông tuệ, lòng khoan dung và sự hòa giải đã hoàn toàn biến mất ở cả hai phía trong trận chiến chính trị này. Thật vậy, ngày nay chúng ta vẫn đang sống với những hậu quả của các sai lầm và thù hận của thời kỳ hậu Nội Chiến. Một số nhân vật lịch sử vào thời kỳ đó đã cống hiến cuộc sống của mình để xây dựng lại và thống nhất đất nước.

những nhà giáo dục sau Nội chiến

Bức chân dung năm 1864 của Tướng Lee, một nhà lãnh đạo quân đội tài năng và là một cố vấn tận tâm cho giới trẻ Hoa Kỳ. (Ảnh: Tài sản công)

Tướng lĩnh quân đội trở thành người vun bồi cho hòa bình

Sau khi lãnh đạo quân đội Miền Bắc tiểu bang Virginia, Tướng Robert E. Lee đã trở thành một vị anh hùng của người dân miền Nam và được người dân miền Bắc đánh giá cao bởi tài năng quân sự của ông. Vị chiến tướng của phe bại trận này có thể dễ dàng tìm được công việc mang lại thu nhập cao bằng năng lực của mình.

Tuy nhiên, tướng Lee đã chuyển cả gia đình đến sống tại Lexington, tiểu bang Virginia, và trở thành hiệu trưởng của Trường Đại học Washington. Đối mặt với vấn đề thiếu hụt tài chính cũng như tỷ lệ sinh viên đăng ký học thấp, ngôi trường này đã đặt tất cả hy vọng vào sự nổi tiếng cũng như tài năng lãnh đạo của ông. Hơn thế nữa, tướng Lee đã từng là giám đốc Học Viện Quân Sự Hoa Kỳ, nên ông có một số kinh nghiệm trong lĩnh vực học thuật.

Các ủy viên của trường Đại học đã được tưởng thưởng xứng đáng khi lựa chọn tướng Lee giữ chức vụ hiệu trưởng của trường. Trong suốt nhiệm kỳ năm năm của tướng Lee, những nhà tài trợ ở cả hai miền Nam Bắc đã quyên góp tài chính cho trường. Các chuyên khoa của trường phát triển từ 4 lên đến 20 khoa, số lượng sinh viên đăng ký nhập học tăng từ 50 lên đến gần 400 sinh viên. Những thanh niên trẻ tuổi đăng ký học ở trường không phải chỉ bởi vì tướng Lee là một huyền thoại có nhiều chiến công trong thời kỳ chiến tranh, mà còn vì những tương tác cá nhân của ông đối với các sinh viên.

những nhà giáo dục sau Nội chiến

Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt (bên trái) và Ngài Booker T. Washington tại Học Viện Tuskegee vào ngày 24/10/1905. (Ảnh: Tài sản công)

Khi chấp nhận lời mời của trường Đại học cho vị trí hiệu trưởng, tướng Lee đã viết như sau: “Bổn phận của mỗi công dân, trong điều kiện hiện tại của đất nước, là phải cống hiến tất cả sức lực của mình để khôi phục lại nền hòa bình đất nước.” Ông luôn ghi nhớ tư tưởng này trong tâm trí khi tư vấn và định hướng cho sinh viên của mình cũng như những người khác. Ví dụ, khi một góa phụ có chồng phục vụ trong quân đội Liên Minh viết thư cho ông kể về nỗi cay đắng mà bà cảm thấy đối với miền Bắc, Ngài Lee đã hồi đáp, “Hãy vứt bỏ khỏi tâm trí của bà các cảm xúc phân biệt vùng miền đó và nuôi dạy con mình trở thành những công dân Hoa Kỳ.”

Vào ngày 12/10/1870, tướng Lee qua đời sau khi trải qua một cơn đột quỵ nặng, trái tim ông luôn căng thẳng trong suốt cuộc chiến cũng như trong hàng nhiều giờ làm việc cống hiến cho trường Đại học. Vào năm 1955, Arlington House, ngôi nhà mà tướng Lee đã cư ngụ trước chiến tranh, trở thành di tích lịch sử tưởng nhớ ông – một thiên tài quân sự và một nhà giáo dục sau chiến tranh đã “nhiệt thành cống hiến tâm sức cho nền hòa bình, thống nhất đất nước, và cho sự tiến bộ của nền giáo dục thế hệ trẻ cũng như phúc lợi và sự phát triển của nhân loại.”

Đại sứ giáo dục và tình hữu nghị

Hai năm sau khi Ngài Lee qua đời, một thanh niên da màu trẻ tuổi đã từng là một đứa trẻ nô lệ, không một xu dính túi đến Học Viện Hampton ở tiểu bang Virginia – một trường Đại học và dạy nghề mới mở lúc bấy giờ dành cho những người Mỹ gốc Phi. Trong vài năm sau đó, Booker T. Washington tự nhận mình vừa là sinh viên vừa là giáo viên. Cho đến năm 1881, nhà sáng lập của trường – tướng Samuel Armstrong, đã đề nghị người thanh niên 25 tuổi được mình bảo trợ thành lập một học viện tương tự ở Tuskegee, tiểu bang Alabama.

history_class_at_tuskegee.jpeg
Một buổi học lịch sử trong khóa học tại Học Viện Tuskegee, năm 1902. (Ảnh: Tài sản công)

Vào thời điểm ông qua đời, Washington đã để lại di sản là một ngôi trường với 1,500 sinh viên, phân khoa có hơn 80 giảng viên, và hơn 100 phòng học cùng những ký túc xá chủ yếu do sinh viên tự xây dựng. Trên khắp miền Nam Hoa Kỳ có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp từ Học Viện Tuskegee, bao gồm các bác sĩ và giáo viên, cùng những người đã hoàn thành khóa học nghề.

những nhà giáo dục sau Nội chiến

Nơi ở của Ngài Washington tại Học Viện Tuskegee, tiểu bang Alabama, năm 1906. (Ảnh: Tài sản công)

Trong suốt những năm đó, Ngài Washington cũng trở thành một biểu tượng được tôn kính bởi chính sự thông thái, điềm đạm, cũng như những nỗ lực của ông đem đến hòa bình và sự hòa hợp giữa các chủng tộc. Mặc dù có một số người cùng thời đã buộc tội ông một cách cay đắng về việc ông quá dễ dãi và chậm chạp trong việc vận động để đem đến quyền lợi đầy đủ cho người Mỹ gốc Phi, có nhiều người da trắng và da đen hoan nghênh những ý tưởng của Ngài Washington và xem ông như một nhân vật vĩ đại nhất trong nhóm những người Mỹ gốc Phi. Ví dụ, Tổng thống Theodore Roosevelt rất ngưỡng mộ công việc của Washington, thường xuyên gọi cho ông để được tư vấn, và xem ông như một người bạn của mình.

Vào khoảng thời gian về sau trong cuộc đời mình, Ngài Washington, trong một bài phát biểu tại thị trấn Hale’s Ford, tiểu bang Virginia, trước những khán giả cả da trắng lẫn da màu, đã nhấn mạnh rằng “bất kỳ công dân nào của Hoa Kỳ đều có cơ hội, bất kể đó là người da trắng hay da màu, chỉ cần anh ta có một trái tim nhiệt huyết và lòng can đảm làm việc.”

Vào năm 1881, Ngài Washington đã thành lập học viện giáo dục nâng cao đầu tiên dành cho người Mỹ gốc Phi. (Ảnh: Tài sản công)

Khởi đầu bằng tình yêu đất nước

Đối mặt với thời kỳ khó khăn và những người mang trong lòng cảm xúc cay đắng, cả Tướng Lee và Ngài Washington đã cống hiến hết mình để đem mọi người đến gần nhau. Ví dụ như, trong bài diễn văn nổi tiếng của mình tại Atlanta vào năm 1895, phát biểu trước những khán giả da màu và da trắng, Ngài Washington đã nói về vấn đề chủng tộc như sau: “Đối với tất cả những thứ thuần túy mang tính xã hội thì chúng ta có thể tách biệt nhau như các ngón tay, nhưng hãy là một bàn tay trong những vấn đề thiết yếu để cùng nhau tiến bộ.”

Trong đoạn cuối của bộ ba tác phẩm tuyệt vời “Cuộc Nội Chiến”, nhà văn Shelby Foote – một nhân vật quan trọng trong giai đoạn hậu chiến, tường thuật cuộc trò chuyện giữa cựu tổng thống Liên Minh Jefferson Davis trong những ngày cuối cùng của ông và một vị khách mời, “một phóng viên hy vọng sẽ biết được điều gì đó giúp giải thích cho độc giả những động cơ tiềm ẩn của những năm tháng tàn khốc đổ máu và chia rẽ đó.”

Tổng thống Davis nghĩ ngợi rồi nhanh chóng trả lời. “‘Hãy nói với họ -’ ông dừng lại một chút để sắp xếp các từ ngữ và nói – ‘Hãy nói với cả thế giới rằng tôi chỉ yêu đất nước Hoa Kỳ.’”

Bài viết này được đăng lần đầu trên tạp chí American Essence.

Ghi chú của dịch giả:

*Carpetbaggers: Thuật ngữ được người miền Nam sử dụng để mô tả những người miền Bắc cơ hội đến các bang miền Nam sau cuộc Nội Chiến.

*Luật Jim Crow là luật lệ của các tiểu bang và địa phương thi hành sự phân biệt chủng tộc ở miền Nam Hoa Kỳ, sau thời kỳ Tái Thiết.

Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, Bắc Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.

The Epoch Times

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tướng Robert E. Lee và Ngài Booker T. Washington – Những nhà giáo dục tận tâm tái thiết Hoa Kỳ sau cuộc Nội Chiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO