"Rõ ràng quy định mới đi ngược những thỏa thuận và thông lệ quốc tế. Nếu những gì tôi đọc được là chính xác, điều này rất đáng lo ngại vì những quy định đó sẽ tạo nền tảng cho bất ổn, xung đột nếu được thực thi", Phó đô đốc Michael McAllister, chỉ huy Lực lượng Tuần duyên Mỹ tại Thái Bình Dương, nói trong cuộc họp báo trực tuyến hôm nay, khi đề cập về quy định hàng hải mới của Trung Quốc.
Trong thông báo về Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi, Cục Hải sự Trung Quốc cho biết có thể yêu cầu tàu nước ngoài đi vào vùng biển mà nước này tự nhận là "lãnh hải" phải báo cáo thông tin về tàu và hàng hóa, đồng thời cảnh báo có thể áp dụng các điều luật, quy định, quy tắc và những điều khoản liên quan để xử lý.
Yêu cầu khai báo của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/9, được áp dụng với tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu, hóa chất, khí đốt, các chất độc hại và những tàu được coi là mối đe dọa với an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc. Giới quan sát nhận định quy định mới này có thể được Trung Quốc áp dụng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Phó đô đốc McAllister cho rằng Biển Đông là "siêu đường cao tốc" trong hoạt động hàng hải toàn cầu và đề cao hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển trong khu vực.
Khu trục hạm USS Kidd (trái) và tàu tuần duyên USCGC Munro của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan hôm 27/8. Ảnh: US Navy |
"Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều sự quan tâm đến hợp tác với Tuần duyên Mỹ nhằm bảo bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải. Điều quan trọng là hỗ trợ những đối tác then chốt, vốn ngày càng lo ngại về các hành động quyết liệt và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc. Các đối tác lo ngại về sự thiếu hụt trang bị và năng lực để đối phó với những hành động đó", ông nói thêm.
Trước đó, John Supple, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, cũng chỉ trích luật hàng hải sửa đổi của Trung Quốc. "Mỹ kiên định với lập trường rằng bất kỳ luật hay quy định hàng hải quốc gia nào cũng không được vi phạm quyền tự do hàng hải, hàng không mà tất cả các nước được hưởng theo luật quốc tế", Supple nói hôm 1/9.
"Các tuyên bố chủ quyền biển phi pháp, trong đó có ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng đến các quyền tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và thương mại hợp pháp không bị cản trở, quyền và lợi ích của các nước ở Biển Đông cũng như các quốc gia ven biển khác", phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh.
Giới chuyên gia nhận định yêu cầu "khai báo khi đi vào lãnh hải" do Trung Quốc đưa ra sẽ không khác tuyên bố về vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà nước này áp đặt tại biển Hoa Đông năm 2013, vốn bị Mỹ và các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản phản ứng dữ dội.
Mỹ và Nhật Bản phớt lờ ADIZ Trung Quốc áp đặt trên biển Hoa Đông, trong khi Bắc Kinh gần đây rất ít triển khai các động thái thực thi tuyên bố này ở khu vực. Giới chuyên gia ngoại giao và pháp lý Trung Quốc cũng nhận định việc thực thi yêu cầu khai báo là điều khó khăn.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, tàu thuyền của tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền đi qua vô hại trong lãnh hải mà không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của quốc gia ven biển. Quốc gia ven biển không được quyền cản trở việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài, không được phép yêu cầu tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình phải xin phép hoặc thông báo trước.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố nhiều khu vực rộng lớn ở Biển Đông là "lãnh hải" của mình, bất chấp quy định của luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" nước này đơn phương vẽ ra trên Biển Đông.
Quốc gia này gần đây cũng thông qua luật hải cảnh mới, cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài để "ngăn chặn mối đe dọa". Luật hải cảnh này được các chuyên gia ví như "bom hẹn giờ", có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực.
Khi được hỏi về Luật An toàn Giao thông Hàng hải sửa đổi của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đề nghị các nước tuân thủ điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là UNCLOS, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển.
"Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS", bà Hằng nói.