Tương lai của bệ phóng vũ khí siêu vượt âm B-1B Lancer của Mỹ

04/04/2023 21:08

Cùng với các siêu cường khác trên thế giới, Mỹ cũng đang tích cực tham gia vào cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm tương lai. Và không chỉ có các loại vũ khí được phát triển, mà phương tiện mang phóng chúng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Nếu như Nga đang sử dụng phiên bản hoán cải Mig-31K và tương lai là máy bay ném bom Tu-22M4 cho nhiệm vụ phóng tên lửa siêu vượt âm hàng không, thì Mỹ cùng với máy bay B-52H, cũng đang từng bước thử nghiệm để đưa dòng máy bay ném bom siêu âm “biểu tượng của Chiến tranh Lạnh” B-1B Lancer đảm nhiệm vai trò bệ phóng của loại vũ khí tương lai này.

“Di sản” của Chiến tranh Lạnh

Sau gần 30 năm phục vụ, Không quân Mỹ đang tính toán về số phận tương lai của các dòng máy bay ném bom từng là biểu tượng của kỷ nguyên siêu âm và tàng hình là B-1B Lancer và B-2 Spirit. Trong khi Không quân Mỹ dự định duy trì hoạt động của “pháo đài bay” 8 động cơ phản lực B-52H đã hoạt động từ những năm 1950 tới giữa thế kỷ 21, thì B-1B và B-2 có thể bị loại biên sớm để mở đường cho việc trang bị máy bay ném bom tương lai B-21 Raider.

Mỹ bắt đầu phát triển máy bay ném bom siêu âm hạng nặng B-1 từ giữa những năm 1960. Các nhà thiết kế Mỹ đã cố gắng tích hợp nhiều nhất có thể những công nghệ hàng không tiên tiến ở thời điểm đó lên chiếc máy bay chiến lược này. Washington rất kỳ vọng vào việc máy bay ném bom B-1 sẽ có được khả năng tàng hình để tạo ra ưu thế chiến lược với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Máy bay ném bom siêu âm cánh cụp, cánh xòe B-1B Lancer là biểu tượng của sức mạnh Không quân Mỹ trong Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, những giới hạn về công nghệ và sự ưu thế tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đã khiến máy bay ném bom B-1 không còn nằm trong danh sách ưu tiên của Lầu Năm Góc. Dòng máy bay này sau đó được xác định đơn giản là điểm tiếp nối công nghệ giữa pháo đài bay B-52 Stratofortress và máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit.

Cũng chính vì lý do này, vai trò chiến lược của máy bay B-1 đã nhanh chóng bị hạ cấp khi máy bay B-2 đưa vào trang bị. Từ phiên bản B-1A có khả năng bay siêu thanh và mang vũ khí hạt nhân chiến lược, dòng máy bay ném bom hạng nặng này được giới hạn ở tốc độ cận âm ở phiên bản B-1B và được sử dụng như dòng máy bay ném bom chiến thuật với dải nhiệm vụ hạn chế.

Ở vai trò mới, B-1B vẫn hoàn thành tốt vai trò của mình, nhưng nó vẫn không nằm trong danh sách phương tiện chiến đấu ưu tiên của Không quân Mỹ. Nguyên nhân nằm ở việc B-1 là dòng máy bay phức tạp, chi phí bảo dưỡng tốn kém, cần nhiều nguồn lực để duy trì trạng thái chiến đấu. Theo con số thống kê của Không quân Mỹ, tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của máy bay B-1B trong năm 2018 chỉ đạt 51,75%, trong khi đó con số này của máy bay B-52H là 69,3%, và con số này còn giảm hơn nữa tới thời điểm hiện tại.

Cuối năm 2019, Không quân Mỹ đã công bố kế hoạch loại bỏ hoàn toàn các đơn vị máy bay B-1B để tập trung nguồn lực phát triển máy bay B-21 Raider. Thông tin trên càng trở nên rõ ràng khi Tạp chí Air Forces Times dẫn lời Trung tướng không quân Mỹ David S. Naom đăng tải, định hướng tương lai của không quân chiến lược Mỹ là đội bay hỗn hợp giữa B-21 và B-52H.

Vai trò mới của B-1B sẽ là bệ phóng của vũ khí siêu vượt âm tương lai. 

“Cánh cửa cuối đường hầm”

Các đơn vị máy bay ném bom B-1B sẽ bị loại biên nếu không có chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm tương lai của Quân đội Mỹ. Với khả năng bay siêu âm, khối lượng vũ khí mang theo lớn, B-1B đáp ứng được vai trò trở thành bệ phóng trên không dành cho các dòng vũ khí mới. Hướng phát triển này tương tự như cách làm của người Nga với máy bay ném bom siêu âm Tu-22M4.

Không quân Mỹ từng theo đuổi 2 chương trình vũ khí siêu vượt âm là vũ khí phóng trên không phản ứng nhanh với nguyên mẫu tên lửa AGM-183A và vũ khí tấn công siêu vượt âm chuyển đổi với mẫu X-51 Wideraider. Với chiến lược tăng tốc để bắt kịp Nga và các quốc gia đối thủ trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm tương lai, trong tháng 2-2020, Không quân Mỹ đã quyết định loại bỏ chương trình phát triển tên lửa X-51 Wideraider để tập trung nguồn lực cho chương trình còn lại. Cùng với đó, B-1B được lựa chọn là phương tiện chuyên chở; là bệ phóng của vũ khí siêu vượt âm mới.

Cụ thể, Không quân Mỹ sẽ loại bỏ 17 máy bay B-1B cũ và nâng cấp 44 máy bay còn lại với 8 giá treo vũ khí bổ sung trên thân và cánh máy bay để mang vác được tên lửa AGM-183A và tên lửa hành trình chiến lược LRSO.

AGM-183A chính là 1 loại vũ khí siêu vượt âm tương lai của Không quân Mỹ.

“Mục tiêu của chúng tôi là sở hữu ít nhất một không đoàn máy bay ném bom B-1B (16 máy bay) có đầy đủ khả năng mang vác vũ khí siêu vượt âm mới trong tương lai gần”, lãnh đạo Bộ tư lệnh Không quân chiến lược Mỹ, tướng Timothy Ray cho biết.

Sau khi nâng cấp, mỗi máy bay B-1B có thể mang theo tới 31 tên lửa siêu vượt âm chiến lược mới và lại được thực hiện nhiệm vụ theo đúng thiết kế nguyên bản là tiếp cận ngoài ô phòng không và tung các đòn tấn công hạt nhân chính xác cao vào các mục tiêu chiến lược của đối phương. Kết hợp với các loại vũ khí siêu vượt âm mới của lục quân và hải quân với thiết bị lượn siêu thanh C-HGB, B-1B sẽ là một trong những thành phần cốt yếu trong khả năng răn đe cấp chiến lược toàn cầu của Quân đội Mỹ bằng vũ khí siêu vượt âm trong tương lai.

VŨ PHƯƠNG THẢO (tổng hợp theo DefenseTalk, Topwar…)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tương lai của bệ phóng vũ khí siêu vượt âm B-1B Lancer của Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO