Vừa rời buổi hội khóa đại học tại Hà Nội, ông Nguyễn Minh Sơn, gần 80 tuổi, vui vẻ ra ga tàu điện Cát Linh để trở về nhà ở Hà Đông. “Ngày trước, chúng tôi chưa từng nghĩ hơn 50 năm sau khi tốt nghiệp lại có thể gặp lại bạn bè, nhiều người vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, tự chủ như thế này", ông chia sẻ.
Hơn 6 thập kỷ, người Việt Nam tăng 30 năm tuổi thọ
Những năm 1960, thời điểm ông Sơn vừa tốt nghiệp đại học, tuổi thọ trung bình của người Việt chỉ khoảng 45 tuổi. Năm 2023, số liệu sơ bộ do Tổng cục Thống kê công bố mới nhất, con số này đã nâng lên 74,5 tuổi, tăng 0,8 năm so với năm trước đó. Như vậy, sau 63 năm, người Việt Nam tăng khoảng 30 năm tuổi thọ.
Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, cuộc sống đủ dinh dưỡng, thì khả năng tiếp cận y tế, ý thức quan tâm, chăm sóc sức khỏe của người dân tốt hơn cũng là yếu tố tác động khiến người Việt Nam sống lâu hơn.
Tuy nhiên, tuổi thọ lại có sự chênh lệch giữa các vùng địa lý. Nếu Tây Nguyên, Trung du miền núi phía Bắc chỉ từ 72-72,6 tuổi thì khu vực Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng hay Đồng bằng sông Cửu Long, con số này lên tới 75,6-76,3.
Một số địa phương phát triển như TPHCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng tuổi thọ của người dân đều trên 76. Những người như ông Sơn trên đây và bạn bè đồng niên ở Hà Nội, TPHCM... nếu gặp vấn đề về sức khỏe có thể tiếp cận thuận lợi với dịch vụ y tế chất lượng cao, hoặc chủ động khám sức khỏe định kỳ để phát hiện, điều trị bệnh sớm.
Trong khi đó, các tỉnh có tuổi thọ trung bình của người dân ở mức thấp là Lai Châu (69,8 tuổi); Kon Tum (69,7); Điện Biên (69,9)... Đây đều là những tỉnh có mức sống thấp hơn, điều kiện tiếp cận y tế không bằng những vùng miền khác. Chưa kể, một số nơi vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn những phong tục, tập quán tác động xấu đến sức khỏe người lớn và trẻ em, góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong, giảm tuổi thọ như hút thuốc, nghiện rượu, nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết...
Chuẩn bị cho tuổi già "như ý"
Tổng cục Thống kê dự báo đến năm 2030, nước ta sẽ có 17,2 triệu người cao tuổi và năm 2049 số người cao tuổi lên đến gần 27 triệu. Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số Bộ Y tế cho biết đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 14-15 năm nữa, cứ 5 người dân Việt Nam sẽ có một người trên 60 tuổi, tương ứng tỷ lệ người cao tuổi khi đó là 20%.
Theo Giáo sư Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), sức khỏe là một trong 3 khía cạnh để "già hoá thành công".
Ba yếu tố đó được xem là "kiềng ba chân" bởi tính gắn bó, bình đẳng "đi đều song hành". Cụ thể, vấn đề đầu tiên là sức khỏe được đánh giá qua việc giảm bớt các nguy cơ bệnh tật, khuyết tật. Thứ hai là kinh tế cần phải đảm bảo thu nhập thông qua việc làm bền vững, tiết kiệm, bảo hiểm xã hội… Yếu tố thứ 3 là tham gia xã hội, thông qua các hoạt động trong gia đình và cộng đồng.
Giáo sư Long ví dụ không thể coi một người cao tuổi khỏe, giàu nhưng không tham gia hoạt động xã hội, sống tách biệt, không giao lưu với ai là già hóa thành công. Tương tự, một người mới 60 tuổi, có điều kiện kinh tế, mong muốn gặp gỡ giao lưu bè bạn nhưng thể chất suy kiệt, ốm đau liên miên cũng không phải là già hóa thành công.
Cuối năm 2022, Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học với sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Khoa học Lao động và Xã hội và một tổ chức khác công bố kết quả báo cáo về "Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống về già của người Việt Nam".
Khảo sát được tiến hành với hơn 2.000 người đại diện cho nhóm dân số 30-44 tuổi trên cả nước, cho cả khu vực thành thị - nông thôn và giới tính. Họ được coi là nhóm dân số vào giai đoạn ổn định việc làm, có tốc độ tăng thu nhập cao nhất trong dân số Việt Nam. Với mốc 60 tuổi, họ cũng chỉ còn 16-30 năm để tính toán, suy nghĩ cho một "tuổi già thành công".
Kết quả của nghiên cứu này khiến nhiều người suy ngẫm. Giáo sư Giang Thanh Long, Trưởng nhóm khảo sát, cho hay 2/3 số người mong muốn độc lập khi về già, không phụ thuộc vào ai về sức khỏe, tài chính và các quyết định của mình trong cuộc sống, nhưng chỉ 1/4 đã lập kế hoạch. Tỷ lệ lên kế hoạch chuẩn bị cho lúc nghỉ hưu thậm chí còn thấp hơn.
Cũng theo khảo sát trên, khi trả lời câu hỏi về độ tuổi nên bắt đầu chuẩn bị tài chính cho cuộc sống về già, có 22% người tham gia cho rằng “nên từ 50 tuổi trở lên”; gần 20% cho rằng "nên từ 40 tuổi trở lên" và 14,6% trả lời "nên từ 30 tuổi trở lên".
Với kết quả này, Giáo sư Long cho rằng mức độ sẵn sàng cho tuổi già của những người tham gia nghiên cứu là khá muộn, trong khi càng lớn tuổi, nguy cơ phải đối diện rủi ro càng cao.
Lý giải thêm về những con số này, vị chuyên gia cho hay lý do chính là họ không đủ nguồn lực. Những người thu nhập càng thấp, tỷ lệ chuẩn bị tài chính muộn càng cao. "Trong khi càng lớn tuổi, cơ hội nâng cao tốc độ thu nhập giảm đi cùng với sức khỏe giảm sút, rủi ro sức khỏe nhiều hơn”, ông Long nói.
Về mặt sức khỏe, khảo sát nêu trên cho thấy gần 26% người cho rằng độ tuổi nên bắt đầu để lên kế hoạch về sức khỏe cho cuộc sống khi về già là từ tuổi 50; gần 21% chọn tuổi 40 và chỉ 16,4% cho rằng nên chuẩn bị từ tuổi 30.
"Mỗi người dân cần chủ động lên kế hoạch để chuẩn bị cho tuổi già cả về vật chất lẫn tâm lý", Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội của Đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ. Theo ông, 36 tuổi mới bắt đầu lo cho tuổi già thì đã là hơi muộn. Bởi nếu tuổi trẻ không có ý thức giữ gìn sức khỏe, hút thuốc lá, uống bia rượu từ năm 16, 18 tuổi thì đến khi 36 tuổi đã có thâm niên 20 năm duy trì thói xấu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng sức khỏe, nguy cơ bệnh tật.
Nhiều người trung niên, thậm chí trẻ tuổi hiện nay xác định tương lai sẽ vào trung tâm dưỡng lão nếu con cái không có điều kiện chăm sóc hoặc để độc lập, không phiền hà ai. Nhưng muốn vậy, họ cũng phải chuẩn bị tài chính trong nhiều năm, chưa kể số trung tâm dưỡng lão cũng chưa đủ lớn để "gánh" lượng người cao tuổi ngày càng cao.
Báo cáo đánh giá tác động chính sách Dự án Luật Dân số dẫn dữ liệu dân cư quốc gia cho biết cả nước có hơn 16,1 triệu người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), chiếm 16% dân số. Tuy nhiên, nhóm dân số này sử dụng tới trên 50% chi phí điều trị mỗi năm. Theo Bộ Y tế, chi phí điều trị cho người cao tuổi thường cao gấp gần 10 lần người trẻ. Nếu không chuẩn bị tài chính, không có ý thức quan tâm, chăm sóc sức khỏe bản thân từ khi còn trẻ, gánh nặng chăm sóc khi về già sẽ đè lên vai thế hệ kế cận và xã hội.