Xem thêm: Tước giấy phép thêm 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu
Ngày 5/9, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) có văn bản khẩn báo cáo tình hình kinh doanh xăng dầu gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Theo đó, DN cho biết, Nghị định 83/2014 của Chính phủ quy định thương nhân kinh doanh xăng dầu phải có hệ thống phân phối tối thiểu "10 cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu hoặc sở hữu và đồng sở hữu của DN, tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân".
Trong khi đó, năm 2021 Saigon Petro có tổng số hơn 10 cửa hàng sở hữu, đồng sở hữu; 1 Công ty Cổ phần do Saigon Petro sở hữu trên 40% vốn điều lệ; có 32 cửa hàng trực thuộc (Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu); 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ và không có tổng đại lý, đại lý xăng dầu. Vì đơn vị này không có tổng đại lý và đại lý bán lẻ mà chỉ có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ, do đó, thanh tra Bộ Công Thương cho rằng DN có hành vi vi phạm hành chính khi không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Dẫu vậy, theo Saigon Petro, hai hình thức đại lý bán lẻ và nhượng quyền bán lẻ là tương đương nhau, đều nằm trong hệ thống phân phối và chịu sự kiểm soát của thương nhân đầu mối. Do đó, Saigon Petro đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định, vì đơn vị luôn có trên 40 thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.
Nếu bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m3/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể phải đóng cửa,ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung thị trường.
Từ những lý do trên, đại diện Saigon Petro kiến nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương xem xét dừng quyết định tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu để công ty không bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như giữ ổn định thị trường và bảo tồn vốn.
Theo nguồn tin của VietNamNet, sáng 6/9, lãnh đạo DN đã bay ra Hà Nội để tìm giải pháp tháo gỡ. Trên thực tế, các cây xăng thuộc Saigon Petro tại TP.HCM hôm nay vẫn hoạt động bình thường. Nhân viên bán hàng cho hay chưa không nghe thông báo gì về việc cửa hàng sẽ dừng hoặc tạm ngưng hoạt động.
Trước thông tin về thương hiệu xăng dầu Saigon Petro đứng trước nguy cơ bị tước giấy phép, anh Hoài Bảo - quản lý cây xăng trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1) thuộc Công ty CP Xăng dầu và dịch vụ Hàng Hải S.T.S, cho hay, đơn vị này không nhập nguồn hàng và không liên quan gì tới Saigon Petro. Hiện, công ty lấy hàng từ Petrolimex và nguồn hàng vẫn ổn định. Đơn vị cam kết vẫn đảm bảo cung ứng ra thị trường 24/24.
Theo đại diện một công ty gas, Saigon Petro là thương hiệu độc lập trực thuộc quản lý của Thành ủy TP.HCM. Do giá gas bán ra của Saigon Petro cao nên ít khách mua và khó cạnh tranh được với các đơn vị khác trên thị trường. Hiện, lượng gas trên thị trường TP.HCM chủ yếu được cung ứng bởi Tổng công ty Khí Việt Nam thuộc PVN. Do đó, hoạt động kinh doanh gas vẫn diễn ra bình thường.
Lãnh đạo một DN bán lẻ xăng dầu lớn cũng thông tin, nếu Saigon Petro bị tước giấy phép không ảnh hưởng lớn tới thị trường xăng dầu. Lượng cửa hàng của DN này chỉ chiếm con số nhỏ trong khoảng 550 điểm bán xăng dầu trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, nếu lượng hàng tồn trong kho khoảng 10 ngày thì DN có thể xuất hết lượng xăng dầu đó, chưa thể lập tức tác động tới thị trường bán lẻ xăng dầu.
Trước đó, ngoài Saigon Petro, nhiều DN khác cũng bị rút giấy phép kinh doanh xăng dầu, gồm: Công ty CP Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương. Đây là kết quả hoạt động thanh tra với 33 DN đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương thực hiện từ tháng 2/2022.
Trước đó, có 7 DN đầu mối đã bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu. Nguyên nhân do các DN bị tước giấy phép là bởi thiếu điều kiện kinh doanh xăng dầu, như: thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu đại lý hoặc thiếu kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký... Như vậy, đến nay, đã có 12 DN bị rút phép có thời hạn sau đợt thanh tra 33 đầu mối của Bộ Công Thương.
Tại buổi họp báo chiều 30/8, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết, trên địa bàn TP có 2 cửa hàng của Công ty TNHH Dầu khí Tân Hoàng (tại Bình Tân và Quận 7) đăng ký ngưng kinh doanh (từ 24/8 đến ngày 14/9) để sửa chữa trụ bơm, bồn chứa. Với 2 cây xăng ngưng bán, không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh xăng dầu. Nhà chức trách sẽ đảm bảo nguồn cung xăng dầu đầy đủ, không có tình trạng thiếu hụt.
Cơ quan chức năng sẽ tổ chức kiểm tra ngay lập tức nếu phát hiện ra cửa hàng nào ngưng bán hàng. Theo quy định, mỗi cửa hàng xăng dầu bán lẻ muốn ngưng bán hàng phải có văn bản chấp thuận của Sở Công Thương.