Từng thu về 44 tỷ USD, ngành hàng thế mạnh lo khách quốc tế quay lưng

Trung Anh | 24/03/2023 10:02

Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đạt 44 tỷ USD trong năm 2022. Dẫu vậy, làn sóng tiêu dùng “xanh” đang đặt ra thách thức lớn cho lĩnh vực này.

z4204379614021_e24784b5e9cfd8138de72f7f7ccb5e14.jpg

Texfuture Việt Nam 2023 có khoảng 2.000 khách tham quan. (Nguồn: BTC)

Ngày 22/3, Triển lãm Quốc tế vải cao cấp-Texfuture Việt Nam 2023 đã khai mạc tại TP.HCM.

Mở đầu sự kiện, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (chi nhánh TP.HCM), cho biết, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2022, thu hút hơn 2,5 triệu lao động. Đây là ngành đóng góp lớn vào kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Dẫu vậy, lĩnh vực này đang đối mặt với vấn đề liên quan tới phát triển bền vững. Các quốc gia nhập khẩu hàng trên thế giới dần yêu cầu sản phẩm Việt Nam đáp ứng trách nhiệm xã hội, sản xuất thân thiện môi trường, sử dụng nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên thấp nhất.

“Không phải yếu tố giá cả, chất lượng, mà quan trọng hơn, sản phẩm sau khi sử dụng, thải ra môi trường vẫn tái chế được. Điều này cần cho phát triển bền vững”, ông Nam nói.

z4204380409914_e00a0a7612b5c4df4d8c770cc2aa9c45.jpg

Bộ sưu tập trang phục dân tộc từ chất liệu vải tự nhiên. (Nguồn: BTC)

Tương tự, bà Nguyễn Thanh Ngân, Phó Trưởng ban Đầu tư và phát triển (Tập đoàn Dệt may Việt Nam), cung cấp số liệu, ngành dệt may toàn cầu đang tiêu thụ tới 79 tỷ m3 nước/năm; sản xuất mỗi chiếc áo T-shirt cần 2.700 lít nước, tương đương sức uống của người bình thường trong 2,5 năm.

Không dừng ở đó, ngành dệt may sử dụng nhiều màu sắc, hóa chất nhuộm; khi giặt đồ, vi nhựa từ xơ sợi tổng hợp cũng theo dòng nước trôi ra ngoài, gây ô nhiễm môi trường. Điều này rất đáng báo động.

Bà Ngân ví dụ thêm, trong trường hợp, 1m vải sản xuất ở Việt Nam thải 2kg khí nhà kính; 1m vải từ nước bạn chỉ thải 1,5kg thì phạm vi khách hàng của chúng ta sẽ hẹp lại. Nếu để các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ, EU quay lưng, sẽ là vấn đề lớn. Lĩnh vực dệt may trong nước đang chịu áp lực lớn từ người tiêu dùng.

Từ những lý do trên, Ban tổ chức Texfuture Việt Nam 2023 mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước,quốc tế; giới chuyên gia, nhà khoa học; cơ quan quản lý Nhà nước; vùng nguyên liệu cùng liên kết, phát triển dệt may theo hướng bền vững.

“Việt Nam đã có sợi cây gai xanh, sợi dứa, tơ sen…, các loại sợi hoàn toàn từ thiên nhiên này xuất hiện cùng hơn 1.500 mẫu vải khác được trưng bày. Các bên liên quan nên cùng ngồi lại, hình thành hệ sinh thái có trách nhiệm, nhằm phát triển dệt may Việt Nam theo hướng tuần hoàn, xanh, chuyển đổi số”, đại diện Công ty CP Giải pháp Dệt may bền vững (STS) chia sẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Từng thu về 44 tỷ USD, ngành hàng thế mạnh lo khách quốc tế quay lưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO