Ngày hôm nay, mạng xã hội bùng nổ tranh cãi về ca khúcCô Gái Gen Z được lấy cảm hứng từ bài hát Cô Gái Mở Đường (cố nhạc sĩ Xuân Giao) do Han Sara trình diễn trong chương trình The Heroes.
Màn trình diễn đầy đủ sau khi được đăng tải lên mạng đã gây nên làn sóng tranh cãi lớn. Nhiều ý kiến cho rằng cách biến tấucủa Han Sara và đội ngũ làm nhạc khiến một ca khúc nhạc cách mạng nổi tiếng mất đi tính hào hùng, trang nghiêm vốn có. Một số khác thì hướng chỉ trích về trang phục của nữ ca sĩ 10x.
Giữa làn sóng chỉ trích gay gắt đến từ cộng đồng mạng, vẫn có những quan điểm trái ngược. Nhiều người cho rằng ý tưởng truyền tải thông điệp ủng hộ nữ giới qua ca khúc bất hủ không tệ, chỉ là cách làm chưa đủ khéo léo. Dư luận có thể chỉ ra điểm Han Sara cần khắc phục và cải thiện, không nhất thiết phải "ném đá", chỉ trích quá gay gắt.
Trước dư luận trái chiều, chúng tôi đã liên hệ để tham khảo ý kiến từ ca sĩ Thái Thùy Linh - một trong những nghệ sĩ Việt tiên phong trong việc làm mới nhạc cách mạng. Cô đã có những chia sẻ rất tâm huyết, cũng như dành đôi lời cho đàn em.
Thái Thùy Linh cho hay, lẽ ra cô sẽ không lên tiếng về những vấn đề ồn ào liên quan tới các cuộc thi hay gameshow giải trí vào thời điểm này, bởi nhiều tháng qua, cô đang tập trung cho những dự án thiện nguyện vì cộng đồng.
Tuy nhiên, vì thấy tiết mục đang gây tranh cãi của Han Sara có nét tương đồng với trường hợp của mình, nên cô muốn dành tặng cho Han Sara nói riêng và thế hệ ca sĩ Gen Z nói chung những lời khuyên tự mình đúc rút được sau nhiều năm theo đuổi âm nhạc.
Ca sĩ Thái Thùy Linh khi ra mắt album Bộ Đội.
"Tôi là một trong số những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên làm mới các ca khúc Cách mạng khi phát hành album 'Bộ Đội' từ hơn 10 năm trước. Và bài 'Cô Gái Mở Đường', năm ngoái tôi cũng vừa hát trong chương trình 'Giai Điệu Tự Hào'.
Tôi rất thông cảm với Han Sara vì năm 2010 khi ra mắt album 'Bộ Đội', bên cạnh 'cơn mưa' lời khen từ giới chuyên môn và truyền thông, cũng có một bộ phận khán giả cho rằng cách tôi làm mới một số ca khúc như vậy là phản cảm.
Người lớn đôi khi hơi áp đặt cho giới trẻ: Nếu sáng tạo mà không theo đúng ý thì dễ cho rằng các bạn trẻ phá nhạc truyền thống, nhưng khi các bạn trẻ không hát theo ý của những người đi trước thì nhiều người lại cho rằng, bọn trẻ thờ ơ với âm nhạc truyền thống, với lịch sử.
Tuy nhiên, nếu những bài hát ra đời cách đây 40 - 50 năm mà đến nửa thế kỷ sau vẫn nguyên si như vậy, không có gì thay đổi thì tôi cho là rất đáng tiếc. Bởi vậy, các bạn trẻ quan tâm tìm hiểu và có sáng tạo như vậy với các ca khúc 'vang bóng một thời', tôi cho là điều cần khuyến khích, khen ngợi và động viên.
Bởi những ca khúc đó có yếu tố lịch sử và cả những ký ức của thế hệ cha ông. Chúng ta không thể cứ bắt giới trẻ phải yêu như cách các thế hệ trước đã yêu, bởi cảm nhận, cảm xúc của mỗi lứa tuổi về những ca khúc này là khác nhau.
Khi người trẻ có sự sáng tạo dựa trên những chất liệu cũ, chúng ta nên động viên, khuyến khích và tôn trọng cái tôi của họ. Với người nghệ sĩ, nếu không có bản sắc riêng, sáng tạo thì nghệ thuật sẽ chết.
Tuy nhiên, một số khán giả, nhất là người lớn tuổi khi xem tiết mục này thấy phản cảm cũng là điều dễ hiểu. Có một vài lý do mà tôi nghĩ vấn đề lớn nhất trong tiết mục này là Han Sara chưa thực sự tìm hiểu một cách nghiêm túc xem tác giả viết gì, trong hoàn cảnh nào, đặc biệt là để làm gì?
Tìm hiểu ý đồ của tác giả là sự tôn trọng tối thiểu cần phải có với bất kì một ca khúc nào trước khi mình hát lại. Quan điểm của tôi từ xưa đến nay luôn như vậy, chứ mình không thể chỉ thuộc lời, nhớ nhạc và cứ thế hát đâu.
Tôi thuộc tuýp ca sĩ, khi tập một bài hát thì thời gian để tìm hiểu, suy nghĩ, cảm nhận về bài hát nhiều hơn là thời gian phát âm thanh ra khỏi miệng.
Han Sara đúng là chỉ lấy một chút cảm hứng về giai điệu, về nữ quyền, sự mạnh mẽ của phái nữ, sau đó làm lại theo một cách khác hẳn.
Tại sao tiết mục của Han Sara bị chỉ trích dữ dội? Tôi nghĩ có hai yếu tố.
Đầu tiên, cách xử lý, biến tấu bài hát có yếu tố 'sexy' khá nhiều, thậm chí có những đoạn xử lý bài khiến người ta dễ liên tưởng đến những chuyện nhạy cảm.
Tiếp theo là cách ăn mặc. Tôi hiểu là cô bé muốn tạo hình tượng khỏe mạnh nhưng gợi cảm, thậm chí ngầu và cá tính. Nhiều năm trước, khi hát những ca khúc Rock hóa nhạc cách mạng, tôi cũng có những bộ đồ khá ngầu, thậm chí sexy gây tranh cãi.
Nhưng đó là làm hình tượng cho album và chụp ảnh khi đứng yên thôi, còn khi trình diễn trên khấu thì khác, rất cần để ý đến trang phục khi vận động nhiều. Chiếc quần của Han Sara chỉ cần dài hơn một chút thôi, có khi đã khác rồi.
Thực ra khó có sự đồng thuận về quan điểm về thời trang giữa các thế hệ. Trước đây, tôi mặc đồ ngắn một chút có khi các phụ huynh đã không vừa mắt, mà các cháu bây giờ thì lại càng ngắn hơn. Tôi nghĩ chúng ta nên tìm hiểu, nhìn nhận sự khác biệt thế hệ này và tôi mong người lớn cần có sự bao dung hơn.
Làm sao để các bạn trẻ vẫn hiểu ra vấn đề và có được kinh nghiệm khi xử lý một tác phẩm tốt hơn chứ không phải là ném đá, vùi dập hay đưa ra những nhận xét mang tính cực đoan, phủ nhận hoàn toàn.
Nếu chúng ta quá hà khắc thì các bạn trẻ sẽ tránh né, không đụng đến các ca khúc cách mạng nữa. Như vậy thì những lời kêu gọi người trẻ hãy nhớ, yêu, tự hào đi sẽ biến thành khẩu hiệu, sáo rỗng. Lớp trước sẽ yêu với nhau thôi chứ người trẻ họ sẽ từ chối."
Theo Đất Việt