Từng quát mắng khiến con sống trong lo sợ, mẹ 'sửa mình' và thành quả ngọt ngào

28/06/2023 15:29

Từ việc luôn khiển trách, so sánh con với những bạn khác, người mẹ hiểu ra và quyết định thay đổi giúp gia đình được hạnh phúc hơn.

Cha mẹ nào cũng mong mỏi những đứa con của mình tương lai sẽ trở thành người giỏi giang, đạt thành tích tốt trong học tập. Để được như vậy, việc rèn luyện và nỗ lực ngay từ khi còn nhỏ cực kỳ quan trọng. Việc phụ huynh kỳ vọng vào con không sai, nhưng đôi khi nó lại biến thành áp lực khiến cả bố mẹ và con cái luôn trong tình trạng mệt mỏi, stress, thậm chí là khó kết nối với nhau.

Con nói với bố là "con rất sợ mẹ"

Chị Quyên (sinh năm 1987, sống tại Bắc Giang) đã từng rơi vào tình trạng như vậy khi con gái bước vào lớp 1. Đó là những chuỗi ngày liên tiếp em bé sợ hãi, khóc lóc mỗi khi ngồi vào bàn học với tâm trạng căng thẳng, lo lắng. Có những buổi ngồi cả tối nhưng không xong một bài, và kết quả là cả mẹ và con cùng rơi nước mắt.

"Cho đến một ngày con nói với bố là con sợ mình. Đó là điều mình chưa từng mong muốn, dường như con đã bị khủng hoàng tinh thần. Mình biết lỗi phần nhiều là do bản thân, sai vì đã quá vội vàng, yêu cầu con quá cao mà không chịu sửa mình để hiểu con hơn. Động một tí là mẹ mắng con dốt, kêu con chậm, không bằng bạn này bạn kia. Con thì thích vẽ giống bố, lúc nào cũng vẽ. Có khi đang học bài mà mẹ không để ý là lại quay ra vẽ. Và mỗi lần vậy con lại bị mắng", chị Quyên tâm sự.

Khoảng thời gian đó không khí gia đình luôn căng thẳng, cả mẹ và con không tìm được tiếng nói chung. Chị Quyên nhận ra mình phải thay đổi trước khi quá muộn.

Mẹ "sửa mình", con hạnh phúc

Vì đang bầu em bé thứ 2 nên chị quyết định để con tự học, chị chỉ là người giao bài tập và động viên con làm xong trong khoảng thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, thay vì mắng nhiếc, chị động viên con bằng những câu như: "Đan của mẹ giỏi lắm, có chút bài tập thế này Đan làm vèo cái xong ấy mà nhỉ. Con cứ cẩn thận viết chữ sẽ đẹp hết...". May mắn thay, lần nào chị Quyên áp dụng phương pháp đó thì con đều ngồi vào học với tâm trạng vui vẻ, hào hứng. Việc học cũng trở lên tự giác, dễ dàng và hiệu quả hơn. Có nhiều khi hai mẹ con còn như hai người bạn.

Từng quát mắng khiến con sống trong lo sợ, mẹ sửa mình và thành quả ngọt ngào-1

Từ đó, chị Quyên nhận ra rằng động viên và nói những lời yêu thương tác dụng hơn quát mắng, đòn ròi rất nhiều. Mỗi lần tức giận, chị sẽ cố gắng điềm tĩnh, tự trấn an, giữ bình tĩnh cho bản thân trước khi nói ra những lời tiêu cực với con. "Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình", dần dần hai mẹ con vui vẻ, cùng cố gắng trong cả học tập lẫn cuộc sống. Kết quả bé Đan kết thúc năm học với thành tích khá tốt.

"Hoá ra con không kém như mẹ nghĩ. Mà chỉ là tại mẹ đã không chịu bình tĩnh nhận ra con của mẹ là cô bé giỏi giang thế nào.Con gái à, mẹ mong rằng với con mỗi ngày đến trường đều sẽ là một ngày vui. Mẹ hứa sẽ "sửa mình" để đồng hành cùng còn một cách cởi mở nhất, nhẹ nhàng nhất trên con đường sắp tới.

Thay vì quát mắng, cáu gắt mỗi khi con chưa làm tốt một việc gì đó thì mẹ sẽ động viên, an ủi con. Cũng như con từng nói: "mẹ ơi! Nếu con không biết thì mẹ hướng dẫn con nhé, chứ mẹ đừng mắng con không con sợ". Nghe con nói vậy mà mẹ vừa đau lòng vừa cảm thấy có lỗi vô cùng.

Thay vì mẹ cứ so sánh con với các bạn khác khiến tâm lý con bị đè nặng thì mẹ sẽ cố gắng chấp nhận khả năng của con và luôn đánh giá khả năng của con một cách tích cực nhất. Để con có thể tự tin vào bản thân mình. Để con cảm thấy bố mẹ thực sự là những người yêu thương con.

Thay vì mua cho con cả tá đồ chơi hay cho con xem tivi, điện thoại, mẹ sẽ dành ra một khoảng thời gian để chơi cùng con. Mẹ cũng sẽ không cấm con vẽ nhiều nữa. Bởi mẹ phát hiện ra đó có lẽ là sở thích, là năng khiếu của con. Nhưng giờ học là phải học nghiêm túc nhé", chị Quyên gửi gắm đến con gái.

Từng quát mắng khiến con sống trong lo sợ, mẹ sửa mình và thành quả ngọt ngào-2

Bố mẹ là chỗ dựa tinh thần cho con, áp lực sẽ khiến con rơi vào bế tắc

Chia sẻ về việc bố mẹ luôn áp đặt kỳ vọng một cách vô lý lên con trẻ, chị Quyên chia sẻ: "Theo mình, việc kỳ vọng vào con là điều hiển nhiên, nhưng nếu quá mức sẽ gây áp lực cho bé, lâu dần dẫn đến nhiều hậu quả không tốt cho trẻ, gây stress, chán nản, thậm chí là sợ việc học, nghiêm trọng hơn là có nhiều trẻ có biểu hiện về bệnh lý trầm cảm, tìm đến cái chết.

Nhiều cha mẹ đề ra mục tiêu và bắt con phải đạt được kết quả thật tốt, khi trẻ không đạt được kỳ vọng như bố mẹ mong muốn thì quát mắng, đay nghiến, nhắc đi nhắc lại lỗi của con nhiều lần, vô hình đã tạo ra gánh nặng, gây ám ảnh hoặc suy nghĩ tiêu cực cho các con.

Những bất đồng như vậy lâu dần cũng gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, khi không tìm được tiéng nói chung thì trẻ sẽ có xu hướng không muốn gần gũi với bố mẹ nữa, hoặc có thể xuất hiện tình trạng nói dối ở trẻ, vì tâm lý sợ bố mẹ mắng.

Khi chỗ dựa tinh thần của con là bố mẹ mà lại khiến con cảm thấy quá áp lực, lại không được lắng nghe, không được bày tỏ nỗi lòng, đó sẽ là nguyên nhân dẫn các con rơi vào bế tắc. Hầu hết các bậc cha mẹ đều nghĩ sự kỳ vọng vào con chính là tình yêu dành cho con, muốn con có tương lai tốt hơn. Nhưng đều không nhận ra là cái gì cũng phải có mức độ. Nếu tất cả mọi thứ đều vượt quá khả năng, vượt quá mức thì đều không tốt. Kể cả là sự kỳ vọng.

Thay vì bắt con phải đạt được cái này cái kia theo ý bố mẹ thì hãy tạo cho con sự lựa chọn, hướng cho con những mục tiêu hợp với sức của con, động viên, đóng góp ý kiến và đưa ra những lời khuyên giúp con tìm ra hướng đi phù hợp với mình. Đặc biệt là không nên so sánh con với con người khác. Tìm ra khả năng tốt nhất của con và giúp con phát triển khả năng tốt nhất của mình".

Theo Phụ nữ Việt Nam

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Từng quát mắng khiến con sống trong lo sợ, mẹ 'sửa mình' và thành quả ngọt ngào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO