Ẩm thực cho người gan dạ
Xuất hiện trên Reuters năm 2007, trên CNN năm 2019 và liên tục được các trang blog du lịch quốc tế đặt trong "top điểm đến độc lạ nhất Việt Nam", ngôi làng đang được nhắc tới chính là làng Lệ Mật thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội.
Làng Lệ Mật nổi tiếng với nghề nuôi rắn và chế biến đặc sản thịt rắn, được thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu "làng nghề truyền thống" từ năm 2011.
Rắn ở Lệ Mật chủ yếu là hổ mang chúa, hổ ngựa và rắn ráo. Thực khách đến các nhà hàng trong làng sẽ được thưởng thức thịt rắn đủ món và tận mắt chứng kiến công đoạn bắt rắn ly kỳ. Tuy nhiên những thủ thuật bắt rắn để cắt tiết, bẻ răng nanh khá "rùng rợn", có lẽ không dành cho các thực khách yếu tim.
Cảnh bắt rắn, chế biến thịt rắn sẽ khiến nhiều thực khách sợ bò sát phải rùng mình.. Ảnh: CNN/Diana Diroy
Một con rắn nặng khoảng 2 - 3kg sẽ được chế biến thành đủ món lạ như rắn nướng, thịt rắn xào lăn, sườn rắn với bánh đa, nem rắn, chả rắn lá lốt... Mật rắn, tiết rắn, tim rắn cũng được đầu bếp xử lý ngay trước mặt khách rồi bỏ vào rượu cho khách thưởng thức từ đầu bữa ăn.
Hành trình ẩm thực tiếp tục với những món nhậu lạ miệng rồi kết thúc bằng xôi mỡ rắn, xương rắn bằm bánh đa, cháo đậu xanh xương rắn cho "chắc dạ". Nhìn chung thì cả con rắn từ thịt, xương da, nội tạng đều được nhà hàng tận dụng tối đa thành món ăn.
Món thịt rắn xào sả ớt, da rắn chiên giòn, nem rắn tại nhà hàng Nguyễn Văn Dực. Ảnh: CNN/Diana Diroy
"Thịt rắn ăn giòn sần sật, không giống bất cứ loại thịt nào khác. Ví dụ món thịt rắn xào lăn tươi, ngọt thịt. Da rắn chiên giòn lại thơm bùi, giòn tan, giòn hơn cả bánh đa. Mỗi món có hương vị riêng." - Anh Nguyễn Hoàng Long (quản lý nhà hàng Nguyễn Văn Dực, Lệ Mật) giới thiệu trên CNN.
Mỗi kilôgam thịt rắn tại Lệ Mật hiện nay có giá thành khoảng 800.000 đồng. Chúng còn được các nhà hàng giới thiệu với công dụng chữa bệnh xương khớp, tăng cường sinh lực, tiết rắn chữa đau đầu và mật rắn chữa viêm họng.
Người Lệ Mật sống với nghề rắn
Người Lệ Mật vẫn truyền tai nhau rằng cái nghề nuôi rắn, bắt rắn của làng bắt đầu từ một truyền thuyết từ thời Lý.
Tương truyền, vào thời vua Lý Thái Tông, có nàng công cả đẹp người đẹp nết. Một lần công chúa bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) chẳng may bị thủy quái có hình thù con rắn - Giảo Long - bắt giữ.
Quan quân tùy tùng không đủ sức cứu giúp, rất may có chàng trai họ Hoàng (làm nghề đánh cá) lao vào cuộc, trận thủy chiến diễn ra ác liệt rồi cuối cùng quái vật bị chặt đầu bằng lưỡi gươm của chàng trai dũng cảm, cứu được công chúa.
Nghi lễ Múa Giảo Long hầu Thánh hàng năm tại làng Lệ Mật. Ảnh: Lao động thủ đô
Chàng dũng sĩ sau này từ chối mọi công danh, vàng bạc do nhà vua ban thưởng mà chỉ xin khai lập 13 trại làm ăn (Cống Vị, Ngọc Hà, Giảng Võ, Thủ Lệ...) rồi quay về củng cố làng cũ, rất trù phú, nên gọi làng là "Trù Mật".
Sau khi chàng trai họ Hoàng mất, dân làng lập đình thờ chàng, suy tôn chàng là Thần hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn.
Không rõ truyền thuyết này chân thật tới đâu, nhưng làng Lệ Mật nuôi rắn làm dược liệu, làm thuốc ngâm rượu cũng vài trăm năm nay. Tới khoảng 20 - 30 năm nay thì làng Lệ Mật bắt đầu sử dụng rắn làm món ăn và được biết tới như một làng ẩm thực.
Trình diễn bắt cá, chém rắn ở Lệ Mật. Ảnh: Zing News
Hiện nay ở Lệ Mật có 35 hộ gia đình vẫn đang nuôi rắn tại làng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX làng nghề Lệ Mật, làng nghề hiện đang xây dựng đề án phát triển trong thời gian tới.
Cụ thể sẽ quy hoạch một khu chăn nuôi riêng biệt cho các hội viên, khu trưng bày sản phẩm, giới thiệu về các mặt hàng (thuốc, rượu và thủ công mỹ nghệ từ rắn), khu ẩm thực, chế biến và biểu diễn...
(Theo Tổ Quốc)