Lâu nay, người dân trong khu phố Định Công (Hà Nội) đều quá quen thuộc với hình ảnh một bà lão tầm 70 tuổi, lưng còng, gương mặt khắc khổ với đôi quang gánh trên vai đi khắp các nẻo đường để thu mua ve chai…
Thi thoảng ngồi ăn chè đầu ngõ tôi lại thấy bà mời chào “cô, cô có gì bán ve chai không cô”…mỗi lần như vậy tôi đều lắc đầu ái ngại vì thực sự nhà tôi không có gì để bán cho bà.
Ngày nào cũng thế, giấy bìa hay chai nhựa dùng xong là tôi gói gọn vứt thùng rác hết chứ có bao giờ “để dành” những thứ ấy cho chật nhà.
Thú thật, mỗi lần thấy bà lão chào mời khách để mua ve chai đã thực sự khiến tôi cảm thấy ám ảnh về nỗi bất hạnh, khổ đau của một kiếp người.
Một lần tôi nghe bà kể bà không chồng cũng không con, không họ hàng thân thích, không nơi nương tựa…bà thuê một căn phòng trọ 15m tận sâu trong làng Định Công để ở, ngày ngày đi thu lượm ve chai rồi bán cho đại lý, ngày nào may mắn thì kiếm được đôi ba chục nghìn, cũng có ngày về tay trắng.
Tôi hỏi bà sao không đi bán vé số hay tìm việc gì nhàn hơn chút bà chỉ cười nói ở tuổi của bà còn ai thuê, với lại bán vé số người ta cũng phân chia địa bàn hết đâu phải muốn là bán được đâu…
Sau lần trò chuyện cùng bà lão, nhà có rác thải nhựa hay những tấm bìa carton tôi đều “để dành” và cất gọn sau chiếc máy giặt, chờ có bà lão nhặt ve chai đi qua thì tôi mang xuống cho bà.
Đến độ có lần chồng tôi còn nói rằng người sống với nguyên tắc thứ gì không cần thiết là vứt hết, nói không với việc để rác trong nhà như tôi mà cũng có ngày tích trữ đồ nhựa dùng một lần thì hơi lạ.
Tôi chỉ cười mà không nói gì vì có nói thì một người lớn lên trong nhung lụa như chồng tôi cũng không hiểu được cảm giác cho được bà lão ve chai mấy thứ vụn vặt, nhìn nụ cười của bà lòng tôi bỗng dưng ấm áp lạ thường.
Nói đâu xa, xưa kia tôi cũng từng là một đứa trẻ mồ côi cả bố và mẹ sau một vụ tai nạn. Nếu không có sự nuôi nấng, chăm sóc của cô chú trong quê thì tôi cũng đâu được ăn học, rồi ngẩng cao đầu khi được gả vào một gia đình có điều kiện và sống sung sướng như bây giờ…
Lần nọ, đang đừng ngoài ngõ chờ shipper đến giao hàng tôi thấy bà lão mua ve chai đi qua ngõ. Vẫn bộ quần áo nâu đã bạc đi vì sương gió và chiếc nón rách tả tơi nhọc nhằn ấy không lẫn đi đâu được.
Lần này, tôi nhìn rõ hai hàng nước mắt của bà ròng ròng trên má. Vội chạy sang đường níu lấy tay bà hỏi chuyện. Bà nói mua tấm bìa carton với gia 7.000 đồng/kg và đi bán lại cho đại lý cũng chỉ được 8-9.000 đồng tức là bà lời khoảng 2.000/kg.
Vừa mua được 9kg bìa carton của cô vợ nhà giàu trên đầu phố nhưng đi một đoạn bà mới phát hiện ra lúc cân hàng bà không để ý nên cô ấy cho những viên gạch đá hoa vụn vào trong đống bìa, giờ cân lên đống gạch đó đúng 3kg, vậy là cả ngày nay bà đi mua ve chai mà bị lỗ.
Rồi bà khóc sao người ta lỡ lừa tôi vậy hả cô…Không chịu được bất bình tôi bảo bà mua nhà ai để tôi dẫn bà đến đòi lại công bằng nhưng bà chỉ lắc đầu mà đi tiếp.
Khoảng 10 phút sau tôi thấy bà quay lại vẻ mặt lo lắng, hớt hải gọi tôi. Bà nói đang phân loại đống bìa carton mua được sáng nay để đem bán cho đại lý thì phát hiện trong cùng đó có một bọc tiền.
Bà bảo hai hôm nay chân bà tự dưng lại dở chứng đau nên nhờ tôi đèo đến nhà cô vợ trẻ kia để trả lại. Vừa dừng xe trước ngôi nhà 5 tầng lộng lẫy, đôi vợ chồng trẻ ăn mặc sang trọng đang hốt hoảng đi tìm bà lão để đòi lại tiền mà mình để quên trong đám bìa carton.
Xuống xe, bà lão trả lại họ cọc tiền trong túi nilon, tổng cộng là 100 triệu. Thì ra đó là quỹ đen mà anh chồng giấu dưới nhà kho nhưng chị vợ lại không biết mà mang nó bán cả đi với đám bìa cũ kia.
Ái ngại, anh chồng biếu lại bà lão 3 triệu nhưng bà lão nhất quyết không cầm, bà cũng không quên trả lại chị vợ túi gạch vỡ mà chị ta lén cho vào đám bìa carton bán cho bà.
Bà chỉ mong rằng lần sau chị vợ đừng có làm vậy với những người nghèo khổ như bà …Bà lão dứt lời và rời đi trước sự ngỡ ngàng đến xấu hổ của đôi vợ chồng trẻ.
Đúng là có những con người sống quá vội vàng, sống quá vô tâm lại đi lừa lọc cả những bà già mua ve chai.
Suy cho cùng thì cuộc đời này cứ sống mãi trong tính toán, sống hơn thua mà làm gì?
Tôi thực sự ngưỡng mộ bà lão mua ve chai vì tuy tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn dùng chính sức lao động của mình để kiếm sống. Gánh hàng ve chai bà gánh trên vai mỗi ngày đầy nhọc nhằn nhưng cũng là sự yêu thương với cuộc đời, trách nhiệm và cả lòng tự trọng của bà.
Hôm ấy, bà đã dạy cho đôi vợ chồng trẻ kia, và dạy cho cả tôi nữa một bài học về lòng tự trọng dù nghèo khổ nhưng không tham lam, không lừa lọc…