Tuần từ 12-16/7: Thị trường chứng khoán tiếp tục điều chỉnh giảm?

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)| 10/07/2021 17:18

Tuần giao dịch tới (ngày 12/7-16/7), thị trường chứng khoán có khả năng tiếp tục điều chỉnh giảm về các vùng giá thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu giá thấp.

Tuan tu 12-16/7: Thi truong chung khoan tiep tuc dieu chinh giam? hinh anh 1(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Trước diễn biến của tuần giao dịch với nhiều “cung bậc” cảm xúc của giới đầu tư, nhìn chung các nhóm phân tích trên thị trường đã đưa ra những nhận định khá thận trọng. Với dự báo về tuần giao dịch tới (ngày 12/7-16/7), thị trường có khả năng tiếp tục điều chỉnh giảm về các vùng giá thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu giá thấp.

Nhìn lại tuần qua, thị trường chứng khoán bất ngờ chìm trong sắc đỏ ngay trong phiên giao dịch đầu tuần, khi mà hệ thống giao dịch mới lần đầu được vận hành trên HoSE. Những dấu hiệu suy yếu của lực cầu báo trước một tuần giao dịch đầy “sóng gió.”

Có thể nói “ác mộng” đối với nhà đầu tư đã xảy ra trong phiên giao dịch kế tiếp (thứ Ba), chỉ số VN-Index “bốc hơi” 56 điểm trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch.

Để trợ lực cho thị trường, dòng tiền cũng lựa chọn thời điểm cuối của phiên sau đó (thứ Tư) và kéo VN-Index hồi phục được 33 điểm. Tuy nhiên, những thành quả này đã mất trắng trong hai phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ đầu tháng Hai đến nay.

Khối ngoại ra tay “bắt đáy”

Cụ thể, VN-Index đã điều chỉnh giảm 73,13 điểm (-5,1%), xuống mức 1.347,14 điểm, đạt mức cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 1.421,52 điểm và 1.334,58 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng để tuột 21,28 điểm (-6,5%), về mức 306,73 điểm, mức cao nhất và thấp lần lượt tại 330,965 điểm và 306,54 điểm.

Trước diễn biến điều chỉnh, thanh khoản thị trường có sự gia tăng và đạt trung bình 28.900 tỷ đồng/phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HoSE tăng 8,5%, đạt 127.223 tỷ đồng và tại HNX tăng 8,4% với 17.392 tỷ đồng.

Trên thị trường, gần như toàn bộ các ngành đều giảm giá và chỉ có ngành dịch vụ tiêu dùng là tăng (+2,6%) với các đại diện, như DGW (+9,9%), FRT (+5,8%), MWG (+12,6%)...

Top 5 mã cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE:

Tuan tu 12-16/7: Thi truong chung khoan tiep tuc dieu chinh giam? hinh anh 2(*) Giá tham chiếu-Đơn vị: Nghìn đồng.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí giảm mạnh nhất 10,5% về giá trị vốn hóa với các cổ phiếu như BSR (-17,2%), OIL (-17,8%), PLX (-8,3%), PVD (-16,9%), PVS (-16,75%), PVB (-16,6%), PVC (-16,1%)... Tiếp theo là nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm 10% với các mã tiêu biểu trong ngành thép, như HPG (-9,6%), HSG (-16,4%), NKG (-10,5%)... và ngành con hóa chất, như DPM (-11,1%), DCM (-11,4%)... Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu tài chính cũng giảm 7,1% giá trị vốn hóa.

Trong bối cảnh thị trường hoảng loạn, các nhà đầu tư nước ngoài lại bất ngờ có động thái “bắt đáy” với giá trị rất lớn. Họ mua ròng 2.628,8 tỷ đồng trên sàn HoSE và bán ròng với giá trị ròng 88,8 tỷ đồng tại sàn HNX.

VN-Index quanh 1.330 điểm

Phân tích xu hướng thị trường, ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội cho rằng VN-Index giảm 5,1% trong tuần qua (sau khi không thể vượt qua được ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1.420 điểm) là khá mạnh.

Bên cạnh đó, ông Thắng nhìn nhận thanh khoản trong tuần đã gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần, điều này cho thấy áp lực bán ra là khá mạnh. Trên góc độ kỹ thuật, sóng tăng 5 của VN-Index dường như đã kết thúc để bước thị trường vào sóng điều chỉnh với mục tiêu quanh 1.210 điểm.

“Do đó, sang tuần giao dịch mới (ngày 12/7-16/7), thị trường có khả năng tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn nhằm tìm kiếm lực cầu giá thấp và các ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của VN-Index quanh khu vực 1.330 điểm. Bên cạnh đó, ngưỡng tâm lý là 1.300 điểm có thể được thử thách trong tuần giao dịch tới,” ông Thắng trao đổi.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Trưởng phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán MB (MBS), thị trường chứng khoán có tuần giảm điểm sau 3 tuần tăng liên tiếp trước đó với áp lực từ thị trường chứng khoán thế giới cùng hoạt động “bắt đáy” không thành của các nhà đầu tư trong nước.

Ông Sơn cho rằng tín hiệu tích cực lúc này là khối ngoại mua ròng trong đó có hoạt động giải ngân của các quỹ ETF. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao và chỉ số đang có ngưỡng hỗ trợ ở khu vực 1.320-1.325 điểm (trung bình giao động 50 ngày-MA50).

“Tuy vậy, nhà đầu tư cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá và đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp,” ông Sơn chia sẻ.

Về điều này, ông Thắng khuyến nghị “các nhà đầu tư đã chốt lãi danh mục trong các tuần trước đó có thể tham gia giải ngân thăm dò một phần tỷ trọng khi VN-Index điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.300 điểm. Bên cạnh đó, những nhà đầu tư đã hạ tỷ trọng có thể nắm giữ danh mục cổ phiếu ở mức thấp và chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để mua vào.”

Nhìn xa hơn, nhóm phân tích tại Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng mặc dù các diễn biến trong ngắn hạn tương đối tiêu cực nhưng xu hướng trung hạn của VN-Index vẫn đang là tăng giá.

“Trong trường hợp thất bại tại đường MA50, chúng tôi cho rằng chỉ số sẽ trụ được trước mốc hỗ trợ ‘cứng’ 1.200 điểm,” ông Lê Văn Thành, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam chia sẻ./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tuần từ 12-16/7: Thị trường chứng khoán tiếp tục điều chỉnh giảm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO