Tuần khốc liệt, nỗi sợ hãi bao trùm thế giới, sàn 50 nghìn tỷ USD sụt giảm

25/09/2022 08:33

Thị trường tài chính toàn cầu rúng động. Chứng khoán Mỹ trải qua một tuần khốc liệt với chỉ số công nghiệp Dow Jones xác lập đáy mới sau khi Fed tăng mạnh lãi suất và phát đi tín hiệu cứng rắn chưa từng có.

Nỗi lo bao trùm nền tài chính toàn cầu

Trong phiên giao dịch cuối tuần (kêt thúc rạng sáng 24/9 giờ Việt Nam), thước đo nỗi sợ hãi trên phố Wall (VIX) tăng vọt. Chỉ số công nghiệp Dow Jones xác lập đáy mới kể từ đầu năm và chính thức mất mốc 30 nghìn điểm, khép lại một tuần khốc liệt.

Nguyên nhân chính là do Fed tăng mạnh lãi suất và phát đi tín hiệu sẽ còn tăng mạnh. Tình trạng lãi suất cao có thể kéo dài vài năm nữa, và theo tín hiệu, đến năm 2024 Ngân hàng trung ương Mỹ mới bắt đầu giảm.

Đồng USD tăng đáng sợ. Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt - tới sáng 24/9 (giờ Việt Nam) lên trên ngưỡng 113 điểm, cao hơn đỉnh kỷ lục 20 năm ở mức 110,79 điểm ghi nhận đầu tháng 9/2022.

Các thị trường chứng khoán trển thế giới sụt giảm. Nhiều đồng tiền mất giá kỷ lục. Kể từ đầu năm 2022 cho tới ngày 23/9, đồng yen Nhật mất hơn 25%; đồng bảng Anh mất hơn 20%; đồng won Hàn mất gần 18%; đồng baht Thái mất 12%...

Thị trường tài chính thế giới chao đảo. (Ảnh: CNBC)

Giá vàng trong phiên cuối tuần xuống mức thấp nhất trong 2 năm, bất chấp mặt hàng này cũng là một kênh trú bão trong khủng hoảng. Áp lực từ một đồng USD quá mạnh áp đảo tất cả các loại tài sản, hàng hóa.

So với đỉnh gần nhất, chỉ số Dow Jones đã mất 19,9% và gần như đã rơi vào thị trường giá xuống (bear market - thị trường con gấu). Một thị trường được coi là vào xu hướng giá xuống khi giảm 20% so với đỉnh gần nhất.

Trên thực tế, trong phiên cuối tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ có lúc rớt tới gần 830 điểm, so với mức cuối phiên là gần 490 điểm. Đây là tuần giảm thứ 5 trong 6 tuần qua của chỉ số này. Các chỉ số chứng khoán khác của Mỹ đều giảm. Sàn cổ phiếu có quy mô 50 nghìn tỷ USD của Mỹ chưa có tín hiệu tích cực. Thị trường này đã suy giảm 15-20% so với đỉnh hồi đầu năm.

Kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu về sự rối loại vĩ mô, khi lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ loại 2 và 10 năm chạm những mức cao chưa từng thấy trong một thập kỷ. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm có lúc đạt 3,992%, cao nhất kể từ 2007.

Chứng khoán Mỹ rơi vào xu hướng giá xuống sau khi Fed tăng mạnh lãi suất.

Trong khi đó, giá dầu thế giới cũng giảm 5% khi nhiều nước tiến hành cuộc chiến mạnh mẽ chống lại lạm phát và chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế. Dầu WTI lần đầu xuống dưới ngưỡng 79 USD/thùng.

Điều khiến nhiều nhà đầu tư trên thị trường Mỹ lo ngại là với lạm phát cao dai dẳng, Fed sẽ phải nâng lãi suất kéo dài, thậm chí giữ lãi suất ở đỉnh trong một thời gian của năm 2024 trước khi nới lỏng. Ngay cả khi nới lỏng tốc độ cũng sẽ chậm, thay vì nâng rồi hạ ngay như thị trường đã dự báo trước đó.

Theo khảo sát của CNBC, lãi suất ở mức cao sẽ được giữ trong khoảng 11 tháng.

Chứng khoán châu Âu cũng giảm manh. Chỉ số FTSE của Anh và DAX của Đức giảm 2% trong phiên cuối tuần. Chứng khoán Pháp giảm mạnh hơn. EU ghi nhận chỉ số đo lường sức khỏe kinh tế của ngành sản xuất PMI yếu ớt.

Giới đầu tư lo ngại hơn sau khi NHTƯ Anh cảnh báo nền kinh tế đã rơi vào suy thoái. Trong khi chính quyền mới của Anh gây chấn động thị trường trái phiếu với gói cắt giảm thuế và chính sách khuyến khích đầu tư để thúc đẩy kinh tế. Chính phủ Anh sẽ phải huy động tiền qua việc bán trái phiếu, nhưng không dễ để tìm người mua vào thời điểm này.

Chỉ số VN-Index giảm mạnh, xuống ngưỡng 1.200 điểm.

Một tuần biến động của thị trường nội

Tại Việt Nam, thị trường tài chính cũng trải qua một tuần biến động mạnh. Sau khi Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định tăng 100 điểm cơ bản lãi suất điều hành. Các chỉ số chứng khoán trong nước đồng loạt giảm mạnh. Áp lực bán gia tăng, đặc biệt là các nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản. Dòng tiền đổ vào nhóm ngành bảo hiểm và giúp cổ phiếu này diễn biến tích cực.

Chỉ số VN-Index lùi dần về gần mức 1.200 điểm, chốt tuần giảm 30,7 điểm về mức 1.203,3 điểm, tương đương giảm 2,6% so với cuối tuần trước. HNX-Index và Upcom-Index giảm 3,2% và 1%.

Thanh khoản thị trường cũng giảm 6,5% so với tuần trước, về mức hơn 14 nghìn tỷ đồng/phiên. Điểm tích cực là việc khối ngoại giảm vị thế bán ròng từ 986 tỷ đồng về 353 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Trong tuần tới, theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VNDirect, rủi ro điều chỉnh vẫn hiện hữu và chỉ số VN-Index có thể lùi sâu hơn, xuống dưới mốc 1.200 điểm.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/tuan-khoc-liet-noi-so-hai-bao-trum-the-gioi-san-50-nghin-ty-usd-sut-giam-2063378.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/tuan-khoc-liet-noi-so-hai-bao-trum-the-gioi-san-50-nghin-ty-usd-sut-giam-2063378.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tuần khốc liệt, nỗi sợ hãi bao trùm thế giới, sàn 50 nghìn tỷ USD sụt giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO