Từ vụ xin việc bị lừa sang Campuchia: Sinh viên cần phòng, tránh gì?

An Thanh (T/H)| 05/01/2024 19:45

Từ câu chuyện được kể lại của một sinh viên về nguy cơ bị 'bắt cóc' qua Campuchia để cưỡng ép lao động và tống tiền trong quá trình tìm việc, sinh viên cần nâng cao cảnh giác khi đi xin việc, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm.

Ma trận bẫy lừa đảo việc làm cận Tết cho sinh viên

Thời gian cuối năm, nhiều sinh viên các trường cao đẳng, đại học bắt đầu tìm việc làm thêm để có thêm kinh phí mua vé về quê nghỉ Tết.

Đây cũng chính là thời điểm các chiêu trò lừa đảo môi giới "việc nhẹ, lương cao" của những đối tượng xấu xuất hiện để thu hút sinh viên tìm việc.

Mới đây, trên fanpage Facebook một số trường ĐH, THPT và trang confession đưa thông tin về sinh viên của một trường ĐH ở TP.HCM vừa trốn thoát ngoạn mục sau khi bị lừa bắt cóc sang Campuchia với mục đích khống chế, ép buộc, cưỡng bức lao động và tống tiền trong quá trình làm việc.

screenshot-3-(1).png
Nhiều fanpage của các trường Đại học đăng bài cảnh báo về hành vi bắt cóc, lừa đảo việc làm tinh vi.

Qua nhiều sự việc đã, đang xảy ra nhiều trường ĐH ra cảnh báo với sinh viên về thủ đoạn lừa đảo "bắt cóc" tinh vi, trắng trợn khi đi xin việc, đặc biệt là trong giai đoạn sắp Tết tới đây.

Làm gì để tránh rơi vào bẫy?

Chia sẻ trên truyền thông, ông Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lưu ý sinh viên cần thận trọng, cảnh giác khi tìm việc làm vào thời điểm cuối năm.

Theo ông Thưởng, sinh viên cần xem ai là người giới thiệu, công việc là gì và khi đi tới nơi làm việc nên đi 2 người trở lên. Qua sự việc này, ông Thưởng nhận xét, việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên rất quan trọng, để có thể ứng với những tình huống bất ngờ.

ThS. Nguyễn Quỳnh Nga - Phó trưởng Phòng Thanh Tra Pháp chế - Sở hữu trí tuệ trường Đại học KHXH và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM cũng cho biết, hiện nay có rất nhiều bẫy lừa đảo, các đối tượng này thường nhắm vào các bạn sinh viên cần có tiền, những người nhẹ dạ cả tin... và nhiều đối tượng khác. Thông thường các đối tượng sẽ chọn hình thức lừa đảo qua mạng xã hội, nhưng thực tế cũng có thể làm trực tiếp.

sinhvien.jpg
Các sinh viên cũng cần chú ý thông tin nhà tuyển dụng. Ảnh minh hoạ

ThS. Quỳnh Nga cũng đưa ra những dấu hiệu nhận diện bẫy lừa đảo qua tin tuyển dụng như: công việc không có mục đích, không tạo ra kinh nghiệm; việc làm từ các sàn thương mại điện tử; công việc được chào mời từ những người không quen biết, hứa hẹn có thu nhập cao, phù hợp với giờ học, làm lúc nào cũng được. Có đặt cọc (tiền đồng phục, tiền training và các loại phí khác không phù hợp),...

Khi xem các thông tin tuyển dụng, các bạn sinh viên cần chú ý thông tin đối với các nhà tuyển dụng như: công ty uy tín (có địa chỉ, có tên gọi rõ ràng...); không giao dịch qua mạng xã hội khi không biết người mình trao đổi là ai; ký hợp đồng làm việc rõ ràng, trong đó cần xác định rõ trách nhiệm của mình, của người sử dụng lao động”, ThS. Nguyễn Quỳnh Nga khuyến cáo.

Để nâng cao nhận thức, tránh rơi vào các bẫy lừa đảo việc làm, ThS. Nguyễn Quỳnh Nga khuyên các bạn sinh viên nên tham gia các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật của nhà trường để tăng cường hiểu biết, nâng cao cảnh giác về các trường hợp lừa đảo. Không tham gia làm việc/giao dịch qua mạng với người mà mình không biết, với những lời hứa hẹn hoa hồng, thu nhập cao.

Tìm việc làm ở nơi nào uy tín cho sinh viên?


Để đảm bảo an toàn cho bản thân và tìm được công việc phù hợp, các bạn sinh viên nên tìm đến các trung tâm hỗ trợ việc làm uy tín như: Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên Tp. Hồ Chí Minh (SAC).

Được biết, SAC có các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên không vì lợi nhuận trên cảng mảng: đời sống vật chất, đời sống tinh thần, học tập, nghiên cứu khoa học và giao lưu quốc tế. Đồng thời, trung tâm cũng phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp triển khai các hoạt động mang tính chất hỗ trợ học sinh, sinh viên với mục tiêu phi lợi nhuận.

3c553746c5120d4c5403-1-20211025102623.jpg
Khi tìm kiếm việc làm, sinh viên nên đến các Trung tâm hỗ trợ uy tín để đảm bảo anh toàn cho bản thân. (Ảnh: sưu tầm).

Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể liên lạc với Phòng Công tác sinh viên của trường đại học hiện đang theo học để được hướng dẫn về các cơ hội việc làm phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình.
Nhờ thường xuyên hợp tác với các doanh nghiệp, Phòng Công tác sinh viên có nhiều khả năng trong việc tư vấn, hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho sinh viên.

Một số trung tâm uy tín của các trường đại học mà sinh viên có thể nhờ giúp đỡ để tìm kiếm việc làm như: Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp trường ĐH Nông Lâm, Trung tâm dịch vụ sinh viên trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật, Giao Thông Vận Tải, ĐH Ngân Hàng TP.HCM...

Ngoài ra, các bạn sinh viên đang muốn tìm kiếm việc làm thời vụ trước, trong Tết cũng có thể tìm đến trụ sở của Đoàn, Hội sinh viên Việt Nam TP.HCM, các trung tâm bảo hiểm hỗ trợ thất nghiệp,...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ xin việc bị lừa sang Campuchia: Sinh viên cần phòng, tránh gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO