Từ những vụ tự tử đau lòng
Những ngày qua, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ nữ sinh Trường THCS Nghi Long (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) tự tử.
Mẹ nữ sinh cho biết thêm, sáng chủ nhật (23/4) là ngày nghỉ nhưng A. có lịch học thêm. “Để kiếm thêm thu nhập, tôi nhận làm thêm tại ruộng dưa của một người trong làng. Tranh thủ thời tiết mát mẻ, tôi dậy sớm sửa soạn, giặt giũ quần áo cho các con”, chị N. tâm sự.
Theo chị N., trong lúc kiểm tra đồ dùng cá nhân, chị phát hiện số tiền tương đối lớn (hơn 400 nghìn đồng) trong cặp của con gái. Quá bất ngờ, chị phải gọi con gái dậy để hỏi rõ số tiền này.
“A. nhất quyết không chịu nói số tiền đó từ đâu mà có. Vì quá tức giận, tôi có đánh con vài cái. Dạy dỗ con là vậy chứ thương con lắm. Tôi có bảo đứa con lớn làm bữa sáng để A. chuẩn bị đi học.
Mang cảm giác bất an, khi vừa ra đồng làm việc được khoảng 40 phút, tôi về nhà và thấy con gái đang quét dọn ngoài sân, bát đũa cũng đã rửa sạch sẽ. Trước lúc đi, tôi trấn an con mình nếu có tội thì phải nhận”, chị N. kể.
Theo mẹ nữ sinh, sau khi trao đổi với con gái, chị tiếp tục ra đồng làm việc. Khoảng hơn 1 tiếng sau, người anh lớn phát hiện em gái tự tử tại khu vực bếp của nhà.
Hơn 1 năm trước, tại Hà Nội một nam sinh đang học lớp 10 tại Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam vì trầm cảm bởi áp lực học hành đã nhảy lầu tự vẫn ngay trước mặt cha vẫn khiến nhiều người ám ảnh.
Xem thêm: Nghệ An: Nữ sinh 16 tuổi nghi tự tử tại nhà riêng
Làm thế nào để hạn chế câu chuyện đau lòng với con trẻ?
Từ câu chuyện đau lòng nói trên, nhiều người cho rằng phải chăng cha mẹ cũng đang chọn sai cách dạy con nên vô tình đẩy những đứa trẻ đến bước đường cùng? Có lẽ nào khi con mắc lỗi ngay lập tức trách mắng hay quy kết mà không chịu lắng nghe cũng như thấu hiểu không còn phù hợp với xã hội hiện đại.
Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, thì chính người lớn chúng ta có những áp lực trong cuộc sống thì con cái cũng vậy. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại, mọi mong muốn, kì vọng của chính mình, hay từ người khác với mình luôn tạo ra sự nhạy cảm nóng vội, dễ trở nên áp lực, bế tắc.
Chỉ cần có suy nghĩ tiêu cực một lần dù nhỏ hay lớn, cũng dễ bị ám thị để từ đó với mỗi tác động xung quanh dù đơn giản cũng trở nên tiêu cực và tự thổi phồng cho là mình không thể chịu đựng nổi.
Xem thêm: Vụ nữ sinh lớp 10 tự tử nghi do bạo lực học đường: Người mẹ trải lòng
“Cha mẹ không thể chỉ nhắc nhở, giáo điều kiểu con phải thế này, con nên thế kia hoặc tại sao con như vậy, như thế là hư, sau đó để đấy mặc con loay hoay trong bế tắc. Đã có nhiều con trẻ nói với tôi rằng: “Con không nói với bố mẹ nữa, vì nói cũng chẳng để làm gì, thậm chí mắng con, cho rằng con nói linh tinh”. Từ đó con chấp nhận sống chung với các vấn đề của mình, nhưng trong sự cao trào hơn của những áp lực không thể thoát.
Hãy luôn nhớ không có con trẻ nào muốn như vậy mà nó là sự tràn ly mất kiểm soát và sự liều lĩnh để giải thoát đôi khi chỉ trong tích tắc của bĩ cực kể cả cái tôi quá lớn hoặc do sự bất lực đã bị nuôi dưỡng quá lâu.
Không có cha mẹ nào không yêu thương con nhưng không thể dạy con bản năng theo những gì mình muốn và nghĩ. Nó là khoảng cách lớn, là hố sâu để tạo ra các nguy cơ mất kiểm soát”, chuyên gia tâm lý Phạm Hiền cho hay.
Trước đó, trên báo chí, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất cũng cho rằng, khi con cái mắc lỗi, cha mẹ chưa lắng nghe nguyên nhân mà vội vàng dùng bạo lực (cả về thể chất lẫn tinh thần) với trẻ là phản giáo dục. Cách dạy con hà khắc của nhiều cha mẹ gieo vào những tâm hồn trẻ thơ nỗi sợ hãi, ám ảnh và đẩy xa khoảng cách giữa bố mẹ và con cái.
Cũng theo chuyên gia tâm lý này, khi con mắc lỗi, đa phần cha mẹ không tự nhìn nhận trách nhiệm của mình. Nhiều gia đình cha mẹ tự cho mình quyền được quát mắng con nhưng lại lơ là việc quản lý, giáo dục.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất đưa ra lời khuyên, khi con mắc lỗi, cha mẹ phải giữ bình tĩnh, không đánh mắng con trong lúc đang nóng giận. Lúc này phụ huynh khó kiểm soát được cảm xúc và chính sự nóng nảy của phụ huynh làm trẻ có những phản ứng tiêu cực.
Cha mẹ hãy đi tìm ngọn nguồn nguyên nhân dẫn đến hành vi của con. Khi ấy, cha mẹ sẽ dễ dàng hơn trong việc phân tích, giải thích để trẻ nhìn nhận đúng sai.
Đúng là đã đến lúc các bậc làm cha làm mẹ nên dành chút thời gian tìm hiểu về tâm sinh lý tuổi mới lớn để chí ít có thể hiểu được phần nào con mình.
Và cũng đừng tự tiện cho rằng cái tuổi như thế này biết gì đâu mà đau khổ, buồn phiền và cũng nên nhớ thế hệ con trẻ bây giờ đã khác xa thế hệ cách đây 10 năm, 20 năm.