Từ vụ ngộ độc ở Quảng Nam, độc tố botulinum nguy hiểm như thế nào?

Hồng Phương (tổng hợp)| 20/03/2023 12:20

Theo các chuyên gia, độc tố botulinum là chất độc cực mạnh, chỉ 0.03 mcg tiêm tĩnh mạch có thể gây tử vong một người nặng 70kg, 1kg có thể gây tử vong 1 tỷ người.

Nguồn gốc độc tố botulinum

Độc tố botulinum sinh ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum), người bệnh thường bị nhiễm độc tố botulinum khi ăn các loại đồ hộp đóng kín không bảo đảm điều kiện bảo quản.

vi-khuan-clostridium-botulinum.png
Vi khuẩn Clostridium botulinum

Vi khuẩn C.botulinum phân bố rất rộng rãi trong tự nhiên, có thể tìm thấy trong đất vườn, phân động vật tươi hoặc đã ủ, bụi bẩn, nước ao, nước sông hồ, ruột gia súc, đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, thịt hộp để lâu ngày...

Vi khuẩn C.botulinum có đặc điểm kỵ khí, do đó không thể phát triển ở những nơi thông gió tốt, có đủ oxy. Đồng thời, vi khuẩn cũng không phát triển được ở môi trường chua (pH <4 .6), mặn (nồng độ muối ăn>5%).

Theo Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường do ăn uống các thực phẩm có sẵn độc tố botulinum sinh ra từ các chủng vi khuẩn C.botulinum.

Khi thực phẩm đóng hộp có lẫn một vài bào tử C.botulinum do quy trình sản xuất không đảm bảo, trong môi trường được đóng kín không có oxy, nếu thực phẩm không có đủ độ mặn và chua thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, tiết ra độc tố botulinum.

Đây là nguyên nhân phổ biến gây ngộ độc thực phẩm, trước đây hay gặp ngộ độc thịt hộp, tuy nhiên các thực phẩm khác như rau, củ, quả, thịt, hải sản,... nếu được sản xuất và bảo quản không đúng cách đều có thể gây ngộ độc độc tố botulinum.

Các thực phẩm dễ bị nhiễm độc tố botulinum

Vi khuẩn C.botulinum thường sinh sôi trong thịt hộp hết hạn hoặc thịt hộp bảo quản không đúng quy định.

Ngoài thịt hộp, các loại thực phẩm từ rau, củ, thịt, hải sản... được chế biến, sản xuất không đảm bảo và đóng gói kín (ví dụ đồ hộp, can, lon, chai, lọ, bao, túi, gói) cùng với môi trường bảo quản bên trong không đảm bảo sẽ dẫn tới vi khuẩn sinh nha bào và sinh ngoại độc tố botulinum gây ngộ độc.

nhiem-doc.png
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra tình trạng một bệnh nhân ngộ độc. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mới đây, từ ngày 7.3.2023 đến ngày 18.3.2023, đã có 10 người ở khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa, nguyên nhân là ăn cá chép muối ủ chua, có 3 bệnh nhân nặng phải thở máy (1 nữ, 2 nam người lớn ) đã được các bác sĩ chỉ định tiêm thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum. Đến nay, 2/3 bệnh nhân có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc, tiên lượng khá; 1 bệnh nhân đã tử vong.

10 người bị ngộ độc là đồng bào Giẻ Triêng. Món ăn cá chép làm chua là món ăn truyền thống của người dân, do gia đình tự chế biến từ: Cá chép, muối, cơm hoặc bột bắp, ớt… sau đó ủ trong hủ kín khoảng một tuần.

Trước đó, ở một số địa phương như tỉnh Kon Tum, tỉnh Bình Dương, Hà Nội... đã xảy ra một số trường hợp bệnh nhân ngộ độc do độc tố botulinum.

Triệu chứng và cách đề phòng độc tố botulinum

Các bác sỹ nhận định, trong quá trình chế biến muối chua, cá chép được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín sau 2-3 tuần mới lấy ra ăn, tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn C.botulinum phát triển. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn, tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân khi xuất hiện các triệu chứng nhiễm độc trên (đặc biệt là các triệu chứng như yếu cơ rõ, liệt cơ) sau khi ăn bất kể nguồn thực phẩm nào và thời điểm ăn, uống thì cần phải nhanh chóng nhập viện để được cấp cứu, điều trị; đối với các trường hợp sau ăn lần cuối trong vòng 8 ngày, nếu không có triệu chứng thì người dân không cần nhập viện, tuy nhiên vẫn phải tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám.

Các trường hợp ngộ độc trong vòng 24 giờ ăn xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa làm yếu tứ chi tăng dần, ca suy hô hấp là do liệt cơ. Bệnh nhân ngộ độc nặng thường phải thở máy trung bình hai tháng hoặc hơn, mất nhiều tháng để phục hồi và có thể gặp nhiều biến chứng. Nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong, liệt không hồi phục.

Để giảm thiểu, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, ngành y tế khuyến cáo người dân: Không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua. Không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ, côn trùng… Cần chọn các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng được các cơ quan chức năng công nhận. Thận trọng với các thực phẩm đóng kín có mùi, bị phồng lên, màu thay đổi hoặc có vị khác thường.

Nên ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, nấu chín. Các chuyên gia cho hay, tuy vi khuẩn C. botilinum có thể chịu được nhiệt độ cao trong thời gian dài nhưng độc tố sẽ bị phá hủy nhanh chóng bởi nhiệt. Vì vậy, người sử dụng có thể loại bỏ độc tố botulinum bằng cách hâm nóng thực phẩm ở nhiệt độ hơn 85℃ trong hơn 5 phút.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Từ vụ ngộ độc ở Quảng Nam, độc tố botulinum nguy hiểm như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO