Vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, Hà Nội, khiến chúng ta bàng hoàng và sẽ còn ám ảnh lâu dài với nhiều người.
Trong cơn hoạn nạn, bên cạnh nỗ lực của lực lượng cứu hỏa chuyên nghiệp, chúng ta đã thấy những tấm gương về sự lăn xả vì người khác. Đó là một thanh niên shipper đã tạm dừng việc mưu sinh để lao vào nơi gặp nạn, góp phần cứu được 10 nạn nhân.
Đó là các thành viên của Đội hỗ trợ sơ cứu (FAS Angel) đã không ngại nguy hiểm cho bản thân, sẵn sàng tham gia nhận diện, vận chuyển và cứu nạn. Sẽ không quá khi cho rằng, chỉ có tình người mới có thể khiến những người như vậy có đủ sức mạnh để hành động, lao vào nơi hiểm nguy mà không hề toan tính.
Một phản ứng tự phát đáng trân trọng khác là nhiều người, không ai bảo ai, không cần tổ chức nào kêu gọi, đã gửi tiền ủng hộ gia đình các nạn nhân của vụ cháy. Chỉ có sức mạnh của sự đồng cảm, của nghĩa đồng bào mới có thể tạo lên kỷ lục 26,5 tỷ đồng ủng hộ mà Ủy ban MTTQ phường Khương Đình tiếp nhận được chỉ vài ba ngày sau khi vụ cháy xảy ra.
Bên cạnh đó, nhiều cá nhân đã đăng thông báo trên mạng xã hội, sẵn sàng chia sẻ chỗ ở với thành viên các gia đình gặp nạn. Một số khác tự nguyện nhận đỡ đầu trẻ mồ côi cha mẹ sau vụ cháy.
Hà Nội đã quyết định tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí trong 4 ngày; Công an thành phố khởi tố vụ án, tạm giữ chủ chung cư; Thành ủy tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm với ba tổ chức Đảng của Quận Thanh Xuân… Đây là những phản ứng kịp thời, được dư luận qua mạng xã hội thể hiện sự ủng hộ cao.
Nguyên nhân của vụ tai nạn đau lòng rồi sẽ được điều tra và công bố rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thừa nhận một thực tế dễ thấy từ vụ cháy chung cư mini này là lợi ích tập thể, cụ thể là sự an toàn mang tính tập thể, chưa được coi trọng đúng mức.
Vụ tai nạn đã có thể không xảy ra nếu cấp cơ sở thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý nhà ở, cũng như các quy định về phòng cháy chữa cháy. Hậu quả vụ tai nạn đã có thể được giảm thiểu nếu tất cả cư dân chung cư có thêm lựa chọn dự phòng để cùng nhau thoát hiểm.
Khi thăm hỏi các nạn nhân, Chủ tịch Quốc Hội đã nhận định rất đúng: "Dường như mỗi chúng ta đều có lỗi trong vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này". Quả vậy, vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã nhắc nhở mỗi cá nhân cần phải coi trọng lợi ích tập thể, chính quyền phải luôn hành động nghiêm khắc và nhất quán dựa trên lợi ích tập thể, qua đó có sự chuẩn bị phù hợp hơn, hành động đúng đắn hơn để phòng ngừa không chỉ "giặc lửa" mà cả các mối hiểm nguy khác với cộng đồng.
Nỗi đau nào rồi cũng phải vượt qua và điều quan trọng hơn là chúng ta nhận thức và hành động như thế nào sau mỗi vụ việc. Nói như chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại cuộc họp trực tuyến triển khai Công điện 796 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/9, thì: "Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu những nguy cơ trong tương lai nếu thực sự cùng nhau thay đổi cả nhận thức và hành động từ hôm nay".
Từ vụ cháy chung cư mini với hậu quả đau lòng, chính quyền địa phương cần nhận thức ít nhất hai vấn đề chính sách cấp bách. Thứ nhất, hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn đang tồn tại nhu cầu rất lớn về nhà ở của một số nhóm xã hội có thu nhập trung bình và thấp.
Sự gia tăng nhanh chóng của các chung cư mini bất chấp sự thiếu an toàn là bằng chứng cho thấy nhu cầu chính đáng và thiết yếu đó chưa được đáp ứng. Bởi thế, bổn phận của chính quyền là phải đáp ứng thông qua những chính sách cụ thể.
Vấn đề thứ hai là những lỗ hổng chính sách về PCCC cần sớm được bổ sung, cũng như việc thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về PCCC và quản lý xây dựng nhà ở. Đáng chú ý nhất, trong khi chưa thể thực hiện các dự án nhà ở xã hội để thay thế chung cư mini, hệ thống chính quyền địa phương cần hành động quyết liệt để sớm bổ sung các phương án bảo đảm an toàn cho các chung cư nói chung, đặc biệt là chung cư mini nói riêng.
Hôm nay (18/9), chính quyền thành phố Hà Nội sẽ dành một phút để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini. Đây là hành động cần thiết, phù hợp với đạo đức xã hội. Một phút tưởng niệm không chỉ nhắc nhở mỗi chúng ta về một vụ cháy bi thương. Hơn thế, tưởng niệm là để nhắc nhở về ý thức và hành động đối với mỗi công dân cũng như hệ thống chính quyền.
Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.