Mới đây, cộng đồng mạng không khỏi xôn xao trước thông tin bé gái 12 tuổi ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, (Hà Nội) mang bầu sắp đến kỳ sinh nở. Trước đó vào ngày 6/1/2024, khi thấy con có những biểu hiện bất thường, bụng to hơn bình thường, cha của em mới đưa con gái đi kiểm tra và bất ngờ được biết con đang mang bầu ở tháng thứ 6.
Ngày 17/4, đại diện Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra. Đồng thời, Công an huyện Thanh Trì đã ra quyết định ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với nghi phạm liên quan.
Vụ việc cháu bé 12 tuổi bị xâm hại tình dục, mang thai tại Hà Nội vừa được phát hiện khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và xót xa
Gác lại câu chuyện này sang một bên, một điều chúng ta cần khẳng định, cha mẹ chính là những người đầu tiên và quan trọng nhất bảo vệ con khỏi những nguy cơ bị xâm hại. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay, việc giáo dục trẻ em về kỹ năng phòng chống xâm hại và xâm hại tình dục càng quan trọng hơn cả. Các thống kê đáng báo động về các vụ xâm hại trẻ em tại Việt Nam là một lời cảnh tỉnh đối với mỗi gia đình về việc chủ động trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho con trẻ.
Các kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cha mẹ cần dạy cho con
Trước tiên, để có thể dạy con một cách hiệu quả, cha mẹ cần đấu tranh với những niềm tin sai lầm rằng con còn nhỏ nên không cần phải dạy về các kiến thức về tình dục. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần học cách bao dung những vấn đề giới tính bình thường của con.
Có hai khái niệm cơ bản nhưng vô cùng quan trọng mà cha mẹ cần dạy con đó chính là: Khoảng cách an toàn và tôn trọng ranh giới cá nhân.
Ảnh minh họa
Trẻ em thường thích nghe những câu chuyện đời thường và tiếp thu những bài học cuộc sống thông qua các ví dụ cụ thể. Hãy tận dụng điều này để kể cho con nghe những câu chuyện với thông điệp về việc tôn trọng không gian cá nhân và cách để duy trì khoảng cách an toàn. Các câu chuyện này nên phản ánh các tình huống thực tế mà trẻ có thể gặp phải, giúp trẻ hiểu rõ hơn về cách ứng xử phù hợp.
Việc cởi mở nói chuyện với trẻ về các chủ đề nhạy cảm có thể khiến cha mẹ cảm thấy không thoải mái. Tuy nhiên, việc tạo ra một môi trường giao tiếp cởi mở sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của mình. Hãy khuyến khích trẻ hỏi câu hỏi và thể hiện quan điểm của chúng.
Ngoài ra, cha mẹ cần thể hiện sự tôn trọng con thông qua hành vi của chính mình. Khi cha mẹ tôn trọng không gian cá nhân của trẻ và người khác, trẻ sẽ học được mô hình ứng xử hợp lý này và áp dụng vào cuộc sống của chúng.
Một phần quan trọng trong việc giáo dục trẻ về khoảng cách an toàn và tôn trọng ranh giới là dạy trẻ biết cách từ chối một cách lịch sự nhưng kiên quyết. Hãy cho trẻ biết rằng mỗi người chúng ta đều có các vùng kín và vùng riêng tư trên cơ thể mà không ai được phép chạm hoặc bị bắt chạm vào. Bốn khu vực đó chính là: miệng, ngực, phần giữa hai đùi và mông. Vùng nhạy cảm là của riêng bé, cho dù có là bố mẹ thì cũng không được chạm vào nếu không có sự đồng ý của trẻ.
Nếu có bất cứ ai đụng chạm vào những vùng riêng tư trên thì hãy cho bé biết rằng việc đó là hoàn toàn sai trái. Hơn nữa, cha mẹ hãy hướng dẫn con bạn biết hét lên “Không! Không được!” nếu có ai đó đụng chạm đến vùng riêng tư của mình, và chạy đến bên ai đó đáng tin để kể toàn bộ sự việc.
Ảnh minh họa
Cha mẹ cần được trang bị kiến thức để nhận biết các dấu hiệu của xâm hại và cách phản ứng phù hợp. Phòng tránh không chỉ qua giáo dục trẻ em mà còn qua việc cha mẹ có nhận thức sâu sắc và phản ứng nhanh chóng khi phát hiện bất cứ điều gì bất thường ở con.
Trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ cần nhớ rằng mục tiêu của việc này không chỉ là để trẻ hiểu biết về những khái niệm này mà còn để trẻ có thể tin tưởng và tìm đến người lớn khi chúng cảm thấy không an toàn. Qua sự hợp tác giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng, chúng ta có thể xây dựng một môi trường an toàn hơn cho trẻ em, nơi chúng có thể phát triển một cách toàn vẹn và khỏe mạnh.
Mỗi đứa trẻ đều có quyền được sống trong môi trường an toàn và được bảo vệ khỏi những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận trên, cha mẹ không chỉ giáo dục trẻ về cách bảo vệ bản thân mà còn góp phần tạo dựng một xã hội an toàn cho con trẻ.
Theo Phụ nữ mới