Luật sư: 'Những người từng tiếp xúc gần với cô gái nhiễm COVID-19 nên trình báo'

07/03/2020 09:32

Luật sư Đặng Văn Cường nêu rõ, có thể nói rằng thông tin về một cô gái 26 tuổi trú tại thành phố Hà Nội là bệnh nhân thứ 17 nhiễm COVID-19 đã kết thúc 22 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới là một thông tin rất đáng buồn vì gây lo lắng cho nhiều người.

Tối 6/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã xác nhận 1 trường hợp dương tính với COVID-19 tại Trúc Bạch, Ba Đình. Bệnh nhân là Nguyễn Hồng N. (26 tuổi, làm quản lý khách sạn tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình).

Phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Hà Nội vào tối 6/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho hay, hôm nay, việc thành phố lo ngại đã xảy ra khi bắt đầu xuất hiện trường hợp mắc COVID-19.


“21h30, sau khi xét nghiệm của Bệnh nhân Bệnh nhiệt đới và Viện vệ sinh dịch tễ xác định ca dương tính. Chúng ta tuyệt đối không được lơ là chủ quan, nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh không quá hoang mang, lo lắng”, ông Huệ nói.

Hàng rào chắn cách ly được thiết lập tại phố Trúc Bạch.

Ông nêu rõ, ngay khi biết tin Ban chỉ đạo của thành phố phối hợp với Ban chỉ đạo của quốc gia đã hành động thái độ rất quyết liệt theo đúng kịch bản đã thực hiện. Ông yêu cầu, Ban chỉ đạo của TP phải cập nhật chính xác tình hình dịch tễ của bệnh nhân, hành trình chính xác đối với bệnh nhân này cũng như những người trực tiếp lái xe, những người trong gia đình.

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu rõ, có thể nói thông tin về một cô gái 26 tuổi trú tại thành phố Hà Nội là bệnh nhân thứ 17 nhiễm COVID-19 đã kết thúc 22 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm mới là một thông tin rất đáng buồn, vì gây lo lắng cho nhiều người.

Luật sư Cường cho rằng, trước sự việc mới xảy ra thì ban chỉ đạo phòng chống bệnh truyền nhiễm sẽ tiến hành tích cực hơn các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông và tiến hành các hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật. Hoạt động giám sát bệnh truyền nhiễm.

Ngoài việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền về trách nhiệm trong vệ sinh phòng và chống dịch thì cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phát hiện các hành vi vi phạm quy định về phòng chống bệnh truyền nhiễm để có những hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư nhấn mạnh, những người đã từng tiếp xúc gần với cô gái nhiễm COVID-19 ở Trúc Bạch nên trình báo với cơ quan chức năng.

Khu vực xung quanh nơi ở của Nguyễn Hồng N. đang được cách ly chặt chẽ.

Luật sư nêu rõ, Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như sau: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm;  Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Ngoài ra, người mắc bệnh cố tình che giấu tình trạng bệnh là hành vi vi phạm các quy định về giám sát bệnh truyền nhiễm. Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không khai báo khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Che giấu hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Không thực hiện việc xét nghiệm phát hiện bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền….

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế; Không thông báo Ủy ban nhân dân và cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về các trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch; Không thực hiện hoặc từ chối thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch; Thực hiện việc thu phí khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản 5 Điều này.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A; Đưa ra khỏi vùng có dịch thuộc nhóm A những vật phẩm, động vật, thực vật, thực phẩm và hàng hóa khác có khả năng lây truyền bệnh dịch; Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác là trung gian truyền bệnh thuộc nhóm A.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch rong tình trạng khẩn cấp về dịch; Không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; Đưa người, phương tiện không có nhiệm vụ vào ổ dịch tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; Không thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực phẩm, thực vật và các vật khác có nguy cơ làm lây lan bệnh dịch sang người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Luật sư: 'Những người từng tiếp xúc gần với cô gái nhiễm COVID-19 nên trình báo'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO