Bản sao kê số tiền ủng hộ bà con vùng bão lụt, sạt lở mà Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa công bố khiến dư luận sôi trào với nhiều ý kiến bất bình, giận dữ vì dấu hiệu gian dối, giả tạo của một số người lộ ra từ đó.
Trong hơn 12.000 trang sao kê, nhiều cá nhân bị "soi" ra là đã "mông má" con số thật lên hàng nghìn lần, thậm chí hàng chục nghìn lần để khoe lên mạng xã hội, hoặc nhiều khoản tiền của cả tập thể đóng góp được một người đại diện gửi bằng tài khoản cá nhân nhưng chỉ có 2.000 đồng.
Xin khẳng định ngay rằng sự bức xúc của dư luận không phải ở con số nhiều hay ít. Một đồng cũng quý. Tinh thần của việc đóng góp từ thiện là lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, thậm chí lá rách tả tơi cũng đùm bọc ôm ấp nhau để thêm hơi ấm.
Đáng trân trọng vô cùng những tờ tiền lẻ được chị lao công vuốt phẳng để góp cho những đồng bào đang cửa nát nhà tan do bão lũ, những em bé đập lợn lấy những đồng tiền mệnh giá thấp nhờ mẹ gửi cho các bạn nhỏ vùng cao, hay cụ già neo đơn góp cân gạo củ khoai... Đó là tấm lòng họ, thật như tiếng bật khóc, tiếng thở dài đau xót khi xem cảnh nước lũ nhấn chìm làng mạc, cuốn trôi tài sản hoa màu, hay cảnh đất đá như từ trời giáng xuống vùi lấp cả xóm thôn...
Những gì họ mang cho xuất phát từ sự cầu mong khẩn thiết đến bỏng rát rằng đồng bào sớm thoát cảnh khổ, đừng đói, đừng lạnh, đừng đau đớn thêm nữa... Đó là cái thật của sự nhường cơm sẻ áo.
Nhưng có một số người lại coi những ngày thiên tai gây nhiều tổn thất, đau buồn này là cơ hội để thể hiện bản thân bằng những trò làm màu lố bịch. Họ coi cứu trợ bão lụt, sạt lở là trend và "đu" theo bằng việc tô vẽ cho bản thân, thổi phồng số tiền đóng góp để được tung hô là "tấm lòng bồ tát" hoặc gây trầm trồ về khả năng tài chính của bản thân.
Sao phải xấu hổ khi mình đóng 50 nghìn đồng thay vì con số cao hơn nhiều lần như bằng chứng chuyển tiền mà họ photoshop đăng lên mạng? Cái đáng xấu hổ là cái tâm giả dối, là động cơ vị kỷ. Thứ họ nghĩ đến khi "từ thiện" theo kiểu đó là cái danh hão của bản thân chứ không phải khổ của người dân vùng bão lũ. Lòng khao khát hư vinh khiến họ lợi dụng cả cơn hoạn nạn của bao con người làm "phông bạt" cho chính mình mà vẫn không xấu hổ gọi đó là làm từ thiện.
Công việc từ thiện mang tính tự nguyện, là tuỳ tâm. Không có tâm thì thôi, chẳng ai trách, nhưng trao cái tâm "hàng fake" cho những người đang cần giúp đỡ thì tội nặng lắm. Nó làm tổn thương tình cảm, niềm tin của cả đồng bào đang gặp khó khăn và cả cộng đồng đang hướng về họ. Tội lỗi không kém là những người lợi dụng việc quyên góp từ thiện để kiếm chác bằng cách ăn chặn của bà con.
Dân mạng có cơ sở để nghi ngờ có sự khuất tất khi chỉ có 2.000 đồng được chuyển cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dưới danh nghĩa tập thể, vì thật khó tin khi mấy chục con người lại gửi cho đồng bào vùng thiên tai số tiền chưa đủ mua nửa ly trà đá. Trục lợi từ việc từ thiện, dù là trục lợi tiền bạc, vật chất hay trục lợi danh tiếng, cũng đều xấu xa và đáng khinh!
Trước nay đã có rất nhiều vụ gian dối liên quan đến tiền từ thiện bị đưa ra ánh sáng, trong đó có phầm đóng góp của những bản sao kê.
Hoan nghênh Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm một việc đơn giản nhưng hiệu quả để minh bạch hoá hoạt động này. Ánh sáng của sự minh bạch sẽ khiến những kẻ từ thiện giả mạo, những kẻ trộm cắp của người nghèo, người cùng quẫn bị lòi "đuôi cáo".
Những kẻ ấy hẳn sẽ nhận được bài học đắt giá và thấm thía rằng mọi sự gian dối đều sẽ bị vạch trần. Những "tấm lòng vàng giả" không sớm thì muộn cũng phơi ra ánh sáng khi lớp mạ bong ra để lộ những loang lổ xấu xí.
Những kẻ "từ thiện phông bạt" thường hoành tráng khoe mẽ mình cho người nghèo thứ nọ thứ kia mà không biết rằng làm từ thiện là trao đi tấm lòng, đến tấm lòng còn giả thì họ làm gì có gì để cho! Họ mới là những người đáng thương nhất.