Thực tế cuộc sống đã ghi nhận câu chuyện của một người cha ở nước ngoài, để chăm sóc con chưa tròn tháng tuổi tốt hơn đã để bé ngủ trên ngực mình, lúc sau cả anh ta và đứa trẻ đều ngủ say nhưng bé mãi mãi không tỉnh lại. Người cha không bao giờ nghĩ rằng đứa bé sẽ đột ngột qua đời theo cách như thế nhưng bác sĩ đã chẩn đoán đứa trẻ chết vì hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Nằm sấp khi ngủ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh
Một số cha mẹ cho rằng nằm sấp vừa an toàn vừa rất có ích cho sự phát triển của hình dạng đầu, đầu của bé ít nguy cơ bị méo, bẹt như khi ngủ ngửa, nhưng thực chất tư thế này vẫn tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho trẻ.
Cụ thể, nằm sấp dễ dẫn đến tình trạng trẻ thở kém, tăng khả năng xảy ra hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, đồng thời có thể khiến trẻ hít lại khí thải đã thở ra, dẫn đến tăng axit máu và thiếu oxy, cũng có thể khiến trẻ bị hóc dị vật, bị ngừng tim dẫn đến thiếu máu não, nhất là lúc bé được 2-3 tháng. Hơn nữa, nằm sấp khi ngủ còn ảnh hưởng đến quá trình tản nhiệt của bé, làm tăng nguy cơ quá nhiệt.
Chính vì vậy, cha mẹ được khuyến cáo rằng trước khi trẻ được 1 tuổi, tốt nhất nên giữ tư thế nằm ngửa khi ngủ. Tuy nhiên, khi bé thức ban ngày, bé có thể nằm sấp một lúc với sự giám sát của bố mẹ sẽ rất tốt cho sự phát triển thể chất của bé. Khi bé tập lật, bé có thể nằm sấp khi thức vào ban ngày nhưng vẫn nên nằm ngửa khi ngủ.
Nằm nghiêng dễ ảnh hưởng đến hình dáng đầu, vẹo cổ
Nằm nghiêng cũng là tư thế ngủ quen thuộc của nhiều trẻ sơ sinh nhưng nếu bố mẹ lơ là không giúp bé chuyển tư thế thường xuyên, để bé nằm nghiêng một bên lâu sẽ ảnh hưởng đến hình dáng đầu, cụ thể đầu trẻ dễ bị dẹt ở vùng thái dương và vòng tai của trẻ chịu chèn ép nhiều có thể làm thay đổi hình dạng tai, thậm chí nếu không chú ý vành tai của trẻ có thể biến dạng.
Ngoài ra, nhiều bố mẹ còn cố tình chọn cách đặt trẻ nằm nghiêng sau khi bú vì trẻ thường xuyên ọc sữa. Thực tế, tư thế nằm nghiêng sau khi trẻ bú là hoàn toàn khả thi, hạn chế trẻ bị nôn trớ nhưng phải có sự giám sát của cha mẹ, nếu trẻ có biểu hiện khó chịu cần điều chỉnh tư thế kịp thời. Chưa kể, trẻ nằng nghiêng cũng có nguy cơ cao bị SIDS (Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh) không kém gì nằm sấp khi ngủ, đặc biệt là khi trẻ nằm nghiêng và bụng bị đè nén. Hơn nữa, bé nằm nghiêng rất không vững, dẫn đến bị lăn lộn và rất dễ bị trẹo hoặc vẹo cổ.
Nằm ngửa là tư thế ngủ an toàn nhất
Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ khuyến cáo rằng trẻ sơ sinh khỏe mạnh nên nằm ngửa khi ngủ càng nhiều càng tốt, đây là tư thế ngủ an toàn nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài ra, nằm ngửa cũng không làm tăng nguy cơ bé bị sặc hoặc ngậm thức ăn vào đường thở nên bố mẹ hoàn toàn có thể yên tâm.
Tuy nhiên, cũng có những bé không thích hợp nằm ngửa do các vấn đề sức khỏe như phẫu thuật vùng lưng…, cha mẹ nên chọn tư thế ngủ an toàn nhất cho bé dưới sự tư vấn của bác sĩ.
Tóm lại, cha mẹ nên quan tâm hơn đến tư thế ngủ của trẻ để đảm bảo an toàn cho con, đừng vì lý do phiến diện nào đó hoặc cảm tính đáng yêu ban đầu mà để trẻ ngủ sai tư thế, dẫn những “tai nạn” đáng tiếc có thể xảy ra. Chỉ khi được cha mẹ chăm sóc tốt, trẻ sơ sinh mới có thể lớn lên khỏe mạnh và hạnh phúc.
Theo V.K - Vietnamnet