Tự ngược đãi bản thân, triệu chứng nguy hiểm

ANH ĐÀO| 15/03/2023 17:10

Nhiều bệnh nhân có xu hướng mắc phải triệu chứng tự làm hại bản thân dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe.

1403vetthuong.jpeg
Vết thương bệnh nhân tự cào đang lành - Ảnh: BVCC

Tự rạch tay, cào cấu chảy đến chảy máu

Mới đây, chị P.T.M. (37 tuổi, TP.HCM) đã đến một bệnh viện tại TP.HCM trong tình trạng tổn thương da nhiều vùng ở hai cánh tay, vết thương sâu tới lớp mỡ, có hình dáng giống và tương tự nhau.

Vết thương của chị M. bị sưng đỏ, rỉ dịch do nhiễm trùng, nếu không điều trị kịp thời sẽ áp xe gây tổn thương sâu hơn.

Bên cạnh đó, nhiều vùng da của chị M. đã lành và hình thành sẹo ở bắp tay và khuỷu tay. Có nhiều sẹo cũ và vết thương mới bị tổn thương lặp đi lặp lại trong thời gian dài.

Chị M. được kê thuốc bôi giúp lành vết thương, chống nhiễm trùng, thuốc uống kháng sinh và kháng viêm.

Theo chia sẻ của chị M, suốt một năm nay chị cảm thấy buồn bực, cáu gắt, có lúc tuyệt vọng vì không có người đồng cảm và lắng nghe. Mỗi lần khó chịu trong người, chị sẽ dùng tay véo da, có khi véo đến chảy máu.

Chị M. cảm thấy tinh thần thoải mái hơn khi làm mình đau.

Trước đó, các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết, bệnh viện cũng đã tiếp nhận một trường hợp bé gái 9 tuổi (Hà Nội) do nghiện chơi game và bị bố mẹ tịch thu Ipad nên đã tự nhổ trụi tóc, lộ ra cả mảng da đầu, cào xước da.

Hay điển hình là một trường hợp nữ sinh 21 tuổi (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) nhập viện với 16 vết cắt trên cổ tay sau khi không thực hiện được ước mơ đi du học...

7145767679_62a3e33865_o-780x386.jpeg
Các bác sĩ cảnh báo với triệu chứng tự hủy hoại bản thân - Ảnh: Internet

Đa phần muốn gây sự chú ý

TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Sức khỏe Tâm thần - cho hay bệnh nhân mắc triệu chứng tự làm hại bản thân thường dùng bất kể vật gì để tự hủy hoại bản thân như mảnh sành, dao lam, sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu hoặc giật tóc, tát vào má mình để được thỏa mãn.

Tuy nhiên, dụng cụ phổ biến nhất mà các bệnh nhân hay sử dụng là dao lam với những vết cắt nông, rỉ máu để thỏa mãn bản thân mà không gây nguy hại cho tính mạng.

Với các bệnh nhân này, sau mỗi lần làm tổn hại bản thân, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế.

Có những bệnh nhân nhập viện với vài chục vết cứa trên tay và chân, chủ yếu bằng dao lam.

Ngoài hành vi tự hủy hoại, bệnh nhân còn có trạng thái cảm xúc ức chế như buồn, chán nản, mệt mỏi, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ, cảm xúc ức chế, lo âu… Những triệu chứng này tưởng chừng như rất giống trầm cảm.

Với những bệnh nhân này, khi được thỏa mãn (tự làm hại bản thân) và đáp ứng thì triệu chứng giảm đi rất nhanh trong khi trạng thái cảm xúc của trầm cảm kéo dài nhiều giờ, nhiều tháng.

Trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp những triệu chứng này nhất vì nhà trường chủ yếu là giáo dục về tri thức và vẫn nặng về kỷ luật.

Gia đình cũng tạo áp lực để uốn nắn con cái làm ảnh hưởng tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc.

Bác sĩ Phương khuyến cáo thêm, để điều trị và phòng ngừa hội chứng tự ngược đãi bản thân, mỗi người cần xây dựng, bồi dưỡng và có một lối sống tích cực.

Khi có những buồn phiền, khúc mắc có thể chia sẻ với người thân, bạn bè và gia đình.

Người thân và bạn bè là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc chữa trị cho bệnh nhân khỏi hội chứng tự ngược đãi bản thân

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) - cho biết, từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến xóa sẹo sau nhiều lần tự làm tổn thương da bằng dao lam, vật sắc nhọn, châm thuốc lá hay tự dùng móng tay cào…

Phần lớn, người bệnh cảm thấy hối hận sau những hành động của mình. Một số bệnh nhân chia sẻ, vì muốn gây sự chú ý với người thân nên họ phải tự làm tổn thương mình.

Bác sĩ Bích khuyến cáo, việc sử dụng dao lam, vật sắc nhọn để làm tổn thương da có thể mắc các bệnh lây nhiễm nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu mất máu nhiều.

Những vết thương trên da nếu không được xử trí đúng cách có thể nhiễm trùng, viêm loét, mưng mủ, tổn thương sâu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Nếu nhận thấy bản thân, bạn bè, người thân có dấu hiệu tự làm tổn thương cơ thể nên đến chuyên khoa tâm lý để được tư vấn và điều trị.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tự ngược đãi bản thân, triệu chứng nguy hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO