Từ ngày Doanh nhân Việt Nam, nhìn về khởi nghiệp

Lê Anh Tú- Giảng viên khoa QHCC - TT - ĐH Văn Lang | 13/10/2023 11:59

Những dấu hiệu “xập xình” của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu trong năm 2023 khiến giới doanh nhân và nhiều nhà đầu tư lo ngại về viễn cảnh kinh tế vĩ mô.

Ngày Doanh nhân Việt Nam, do vậy cũng kém đi màu sắc “hội hè” như mọi năm. Song, đây cũng có thể là lúc chúng ta thúc đẩy những động lực mới của nền kinh tế.

c.jpg
Những dấu hiệu “xập xình” của nền kinh tế Việt Nam và toàn cầu trong năm 2023 cũng là lúc để thúc đẩy động lực mới của nền kinh tế.

Một khoảng lặng của nền kinh tế

Sau vài thập niên tăng trưởng GPD liên tiếp ở mức trung bình 6-7%/ năm, năm 2023, cả đầu tàu kinh tế là TP. HCM lẫn nhiều chỉ báo vĩ mô cho thấy đây là một năm nhiều khó khăn. Cùng với đà phục hồi chậm của kinh tế thế giới và ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh Nga – Ukraine, rồi mới đây là Israel – Palestine, mảng xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều bài báo đã cho thấy thực trạng doanh nghiệp sản xuất trong nước phải sản xuất cầm chừng. Số công nhân và lao động tay nghề thấp thất nghiệp cao, cùng với đó là sự giải thể của hàng chục ngàn doanh nghiệp trên cả nước.

avt-doanh-nghiep-1665567666416356997995-0-0-480-768-crop-16655676704581448489133.jpg
Doanh nhân, doanh nghiệp thời nào cũng luôn là 'đòn bẩy' tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Một anh bạn tôi ngao ngán bình luận rằng kinh tế vĩ mô đã căng thẳng, trong khi đó nhiều doanh nhân dày dạn thương trường, lãnh đạo những doanh nghiệp lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh hay AIC, có vốn hàng chục ngàn tỷ đồng, lại sa vòng lao lý vì tội “lừa đảo, chiếm dụng tài sản”.

Điều này có tác động khá xấu đến tâm lý nhà đầu tư, vì thời buổi khó khăn, đâu ai muốn mất tiền vào trái phiếu hay những chiêu trò của kẻ lừa đảo để rồi tiền mất, tật mang! Giới doanh nhân lại thêm một lần mang lấy… niềm đau chôn dấu.

Những hi vọng mới từ khởi nghiệp?

Việt Nam là một nước ảnh hưởng Nho giáo lâu đời. Lịch sử cho thấy trong trật tự cũ, giới thương nhân thường đứng cuối trong thứ bậc “sĩ – nông – công – thương”.

Qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thời cuộc, từ sau Đổi Mới đến nay, tầng lớp thương gia mới được dịp bứt phá, phát huy hết những tiềm năng của những cá nhân năng động, sáng tạo, luôn tìm tòi ra cái mới để phát triển, kết nối giao thương. Và có lẽ trong bối cảnh kinh tế hiện nay chính là lúc để những thương nhân trẻ, sinh ra trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0 cần nắm bắt lấy vận hội Chuyển đổi số để làm giàu trên chính quê hương.

132465354641317880.jpg
Khuyến khích người trẻ khởi nghiệp sáng tạo sẽ dần thay đổi quan niệm về thứ bậc  'sĩ-nông-công-thương'?

Nhìn lại một chút về “khởi nghiệp tại Việt Nam”. Có thể dễ thấy rằng từ khi còn là một trào lưu non trẻ, thâm nhập vào nước ta cách đây tầm một thập niên, đến nay, cụm từ “start-up” hay “khởi nghiệp” đã không còn xa lạ với nhiều người. Nhiều trường đại học đã mang giáo trình Khởi nghiệp ở nước ngoài về giảng dạy cho các khoa về Quản trị kinh doanh, Thương mại, hay cả ở khoa Quan hệ công chúng - Truyền thông, các sinh viên năm cuối của trường ĐH Văn Lang cũng được học về Khởi nghiệp. Có không ít ý tưởng mới đã ra đời từ các nôi là các trường đại học hay các vườn ươm liên kết giữa đại học và các khu công nghệ cao.

Tuy còn non trẻ và cần thêm nhiều sự rèn giũa từ thực tế khắc nghiệt, các bạn trẻ đang cho thấy một ý chí, quyết tâm khởi nghiệp, làm giàu chân chính từ sản phẩm/ dịch vụ là chất xám của người Việt. Từ các hệ sinh thái mới như Seedcom đã ra đời các start-up đã dần định hình bức tranh tiêu dùng của người Việt trẻ, như Haravan, The Coffee House,… Hay mới đây, một hãng thời trang dành cho giới trẻ là Coolmate cũng đã gọi vốn thành công, từ đó phát triển thời trang kết hợp với nhiều ứng dụng công nghệ mới trên diện rộng.

Còn nhiều những ví dụ điển hình cho câu chuyện chất xám Việt đang dần ra thế giới. Một người bạn của tôi là doanh nhân cho biết, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhiều start-up của người Việt đang thuê các nhân sự nước ngoài làm việc theo dự án, hoặc hợp đồng dài hạn. Sản phẩm của các công ty này là phần mềm được chào bán cho các hãng công nghệ lớn ở thị trường Bắc Mỹ và châu Âu.

Điều này cho thấy có một sự thay đổi khá cơ bản về phương thức và mô hình kinh doanh tại Việt Nam, khi các mô hình truyền thống, thâm dụng lao động và thâm dụng vốn, cần quỹ đất lớn đang dần nhường chỗ cho nền kinh tế tri thức.

img-9923-2326_11zon.jpg

Từ góc độ cá nhân, tôi mong rằng sẽ có ngày càng nhiều những câu chuyện đẹp cho thấy doanh nghiệp đi theo mô hình “cũ” sẽ tái cơ cấu, mở rộng quy mô theo hướng “digital hoá”, từ đó tối ưu hoá năng suất và nắm bắt những cơ hội mới, toàn cầu. Qua đó, không những các bài toán của doanh nghiệp được giải quyết một cách bền vững, hợp với các quy chuẩn quốc tế, mà kinh nghiệm, trí tuệ tích luỹ từ thế hệ doanh nhân Việt đi trước sẽ được truyền lại cho thế hệ sau.

Lúc đó, có lẽ tinh thần của ngày Doanh nhân Việt Nam sẽ luôn được toả sáng, dẫu trong những lúc còn nhiều khó khăn trắc trở. Hãy cứ hi vọng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Từ ngày Doanh nhân Việt Nam, nhìn về khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO