Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội) về những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, nói đến chủ quyền của một quốc gia thì tư liệu quan trọng nhất, có tính chất quyết định là tư liệu của nhà nước, lập nên ở thời điểm nhà nước được khẳng định, xác lập và thực thi chủ quyền. GS.TS Nguyễn Quang Ngọc khẳng định, những tư liệu mang tính độc đắc, độc nhất vô nhị khẳng định chủ quyền trên Biển Đông đó có ở nước ta mà không một nước nào có được.
Châu bản triều Nguyễn: Minh chứng đắt giá
Tấu của Bộ Công về việc đoàn khảo sát Hoàng Sa do Đỗ Mậu Thưởng, Lê Trọng Bá trở về báo cáo đã đến được 25 đảo (trong 3 sở), còn 1 sở hơi xa lại gặp gió lớn nên chưa tới được. Đoàn mang về 4 bức hoạ và 1 quyển nhật ký ghi chép. Bản tấu gồm 2 trang, ở quyển Minh Mệnh 68, trang 215-216.
Đây là tư liệu minh chứng đắt giá nhất, chứng cứ quan trọng, có giá trị lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Nhà nước ta. Đây là di sản quốc gia của Việt Nam, là nguồn tư liệu có giá trị cao nhất để khẳng định một cách trực tiếp và mạnh mẽ chủ quyền của vương triều Nguyễn Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa, mà không có một nước thứ hai nào tham gia tranh chấp hiện nay có được nguồn tư liệu như thế này.
Châu bản triều Nguyễn là các bản tấu, sớ của triều đình nhà Nguyễn (tính từ năm 1802 cho đến năm 1945) đã được nhà vua “ngự phê”, “ngự lãm”. Dấu tích ngự phê trên văn bản là dấu mực son bao gồm 4 loại là châu phê (vua cho ý kiến vào văn bản); châu điểm (vua chỉ điểm một chấm son xác nhận đã ngự lãm hay đồng ý với nội dung văn bản); châu khuyên (là những dấu khuyên đỏ thể hiện sự bằng lòng y cho) và châu mạt hay châu cải (là các dấu son của vua quẹt vào những chỗ vua muốn xóa bỏ hay không đồng ý với văn bản).
Tấu của Bộ Công về việc thường năm có lệ đưa binh thuyền vãng thám xứ Hoàng Sa thuộc hải cương nước ta để cho thuần thục đường đi. Nay đã khai xuân phải bắt đầu chuẩn bị cho kỳ tới. Nhưng công việc hiện rất nhiều, xin cho đình đến sang năm. Châu phê “đình”. Bản tấu gồm 2 trang, ở quyển Thiệu Trị 51, trang 235-236.
Đây là nguồn tư liệu nguyên gốc và cao nhất của nhà Nguyễn, được sản sinh ra trong quá trình hoạt động của Nhà nước, phản ánh một cách khách quan, trung thực tư tưởng chính trị, chủ trương, chính sách của vương triều trong các hoạt động đối nội và đối ngoại.
Châu bản triều Nguyễn là nguồn tài liệu đặc biệt, độc bản, duy nhất và vô cùng quý hiếm còn giữ lại đến ngày nay, nó không chỉ là tài sản vô giá của Việt Nam mà còn có giá trị nổi bật toàn cầu.
Đặc biệt, ngày 14/5/2014, tại Quảng Châu (Trung Quốc), UNESCO đã chính thức công nhận Châu bản triều Nguyễn là “Di sản tư liệu, ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Điều này càng làm tăng thêm tính quốc tế, tính pháp lý khi được thừa nhận là giá trị di sản nhân loại.
Mộc bản triều Nguyễn
Bản dập Mộc bản nói về vua Gia Long sai Cai cơ Võ Văn Phú cho mộ dân bổ sung vào đội Hoàng Sa.
Mộc bản triều Nguyễn là bản khắc gỗ chính sử của nhà Nguyễn, vua trực tiếp giao cho Quốc Sử quán soạn chính sử. Bản khắc gỗ bộ Quốc sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục Tiền biên và Chính biên, được biên soạn từ những năm đầu đời vua Gia Long, hoàn thành năm Đồng Khánh thứ 3 (1888). Soạn xong, vua cho phép khắc gỗ để in, thể hiện chính thức hoá của Nhà nước ở trình độ cao thời đó. Đây là bản gốc lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Đà Lạt.
Tư liệu đắt giá ở chỗ, nó là bộ Sử chính thức của Nhà nước do vua trực tiếp chỉ đạo Quốc Sử quán biên soạn trên cơ sở các tài liệu gốc khác; thứ 2 đây là bộ sử ghi lại trung thực các hoạt động của chúng ta tại Hoàng Sa, Trường Sa; thứ 3 nó đã được nhà nước chính thức cho khắc ván gỗ, tồn tại cho đến ngày nay trở thành di sản vô giá của dân tộc Việt Nam và năm 2007, Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là “Di sản Tư liệu thế giới”, từ đó có thể đánh giá được giá trị lịch sử và pháp lý của tư liệu này.
Tư liệu chứng minh lịch sử
Partie de la Cochinchine là bản đồ tốt nhất tính cho đến đầu thế kỷ XIX đã vẽ chính xác vị trí, đặc điểm địa lý, tên gọi các đảo, bãi ngầm Paracels (Hoàng Sa, Trường Sa) nằm trong khu vực thuộc lãnh thổ An Nam.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết, một trong những tư liệu chứng minh chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam ta là các tấm Atlas (bản đồ). Bản đồ muốn trở thành bản đồ có giá trị pháp lý về chủ quyền thì phải có 2 yếu tố: Khoa học, chính xác và khách quan. Hiện chúng ta đã tập hợp được các bản đồ vẽ khu vực Việt Nam trong lịch sử, đầy đủ khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Tư liệu bản đồ khẳng định Trung Quốc không hề có chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa cũng rất rõ ràng, khẳng định lãnh thổ truyền thống của Trung Quốc không vượt quá đảo Hải Nam, hoàn toàn phù hợp với các nguồn tư liệu của Việt Nam cũng như phương Tây.
Trong đó, nhiều chuyên gia đánh giá Bộ Atlas thế giới của Vandermaelen là cuốn sách có giá trị lớn, tính quốc tế cao, ghi nhận của thế giới về chủ quyền của nước ta. Cuốn sách hội được những thành tựu mới nhất với những phương pháp vẽ và in bản đồ tiên tiến nhất của thế giới cho đến đầu thế kỷ XIX, đã phản ánh tương đối khách quan, đầy đủ và trung thực hầu hết các vùng đất và các quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Cuốn sách có 388 tấm, liên quan đến Việt Nam có 4 tấm bản đồ. Cuốn sách hiện còn nhiều bản được lưu giữ tại nhiều thư viện quốc gia của các nước trên thế giới.
Trong cuốn sách, tấm “Partie de la Cochinchine” là bản đồ tốt nhất tính cho đến đầu thế kỷ XIX đã vẽ chính xác vị trí, đặc điểm địa lý, tên gọi các đảo, bãi ngầm Paracels nằm trong khu vực. Cochinchine, thuộc phạm vi lãnh thổ An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Paracels (Hoàng Sa, Trường Sa) đã được quốc tế ghi nhận.
Bên cạnh đó, chúng ta còn có các thư tịch cổ (bằng sắc, đơn từ, hương ước, văn bản Hội khao lề thế lính Trường Sa, văn cúng, văn khế bán ruộng, gia phả và ghi chép của các gia đình, dòng họ…); các di tích, di vật (đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, bến cảng, thuyền bè, di tích khảo cổ học, mồ mả, mộ gió…)… minh chứng một cách rõ ràng chủ trương khai chiếm Biển Đông của các nhà nước phong kiến Việt Nam đã được thực thi một cách đầy đủ và trọn vẹn bởi những người dân thường.
Các nguồn tư liệu của Việt Nam, Trung Quốc, phương Tây và các nước liên quan bao gồm tư liệu chính thức của nhà nước và tư liệu trong dân gian; thư tịch cổ, bản đồ cổ; các di tích, di vật, các tư liệu địa danh, văn hóa, văn học dân gian… đều phản ánh một cách khách quan, trung thực lịch sử chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Theo GS. TS Nguyễn Quang Ngọc, đây là những tư liệu rất có sức thuyết phục trong việc khẳng định chủ quyền của chúng ta. Những tư liệu này phải nhìn một cách tổng thể, phân tích, đánh giá để thấy được giá trị to lớn về việc khẳng định chủ quyền của nhà nước Việt Nam trên Biển Đông. Đây là những tư liệu lịch sử rất cụ thể và sinh động về trang sử chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.