“Từ khi có nước sạch, con không còn bị ốm nữa.”

23/05/2023 18:53

Không được tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường, những đứa trẻ nơi vùng sâu, vùng xa như Nisa và Luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. UNICEF đã và đang hỗ trợ Việt Nam để đem nguồn nước sạch đến trường học của các em.

un0765069.jpg

Sau khi đổ đầy nước vào xô, Luôn, cô bé người Mông năm nay vừa tròn 10 tuổi, tự mình xách xô nước đầy về nhà. Em bước thật cẩn thận trên con đường đất, vai lệch sang một bên vì xô nước nặng.

un0765136.jpg
Ly Thị Luôn 11 tuổi, giúp gia đình mang nước từ nhà hàng xóm về nhà, tại tỉnh Điện Biên, Việt Nam. Mỗi ngày, em giúp mẹ xách sáu đến bảy thùng nước về nhà để dùng hàng ngày.

"Mỗi ngày, con và mẹ phải sang nhà hàng xóm lấy sáu đến bảy xô nước về sinh hoạt." Luôn chia sẻ.

Luôn là con cả trong số bốn người con nhà chị Sến. Trong số các thành viên trong gia đình, em thân với mẹ nhất. Luôn thủ thỉ, ước mơ của em là trở thành thợ may, và bộ quần áo đầu tiên mà em may sẽ là dành tặng mẹ.

Chị Sến kể, “Có hôm em vội đi vệ sinh mà quên xách nước về nhà để dùng. Mà em cũng không biết liệu nước nhà hàng xóm có đủ sạch không. Mình cứ phải dùng thôi.”

dsc06647.jpg
Ly Thị Luôn (giữa), 11 tuổi, chăm em trai và đang theo dõi mẹ (trái), bà Sùng Thị Sen, sử dụng máy khâu. Ước mơ của Luôn là trở thành thợ may.

Tỉnh Điện Biên, nơi gia đình Luôn đang sinh sống nằm ở khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam. Đây là khu vực có tỷ lệ người dân được tiếp cận nước sạch và vệ sinh còn rất thấp, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Khi nhà không có nước, gánh nặng lấy nước mỗi ngày đè lên đôi vai những người phụ nữ và trẻ em gái như mẹ con chị Sến và Luôn.

Có một thực trạng đáng báo động là 7,7 triệu trẻ em ở Việt Nam đến trường mà không có nước sinh hoạt và nhà vệ sinh hợp vệ sinh.1 Trong bối cảnh đó, UNICEF đã và đang làm việc cùng Chính phủ Việt Nam và các tỉnh ưu tiên, nhằm đảm bảo rằng những đứa trẻ như Luôn và gia đình các em đều có thể tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường.

Ô nhiễm nguồn nước và khủng hoảng khí hậu  

Trường Tiểu học Tà Té, nơi Luôn đang theo học, cách nhà em chỉ mười phút đi bộ. Xung quanh ngôi trường là những ngọn núi xanh tươi và những con đường bùn đất dễ dàng sụt lún. Khi ánh ban mai trải xuống những bông hoa đang nở rộ, âm thanh của các em học sinh từ lớp học đã tràn ngập sân trường.

Tại ngôi trường với hơn 200 học sinh và giáo viên này, nhờ có nước sạch, các em có thể vô tư chơi đùa, chạy nhảy, cười nói mỗi giờ ra chơi.

Tuy nhiên, nằm ở khu vực xa xôi hẻo lánh với nguồn tài nguyên hạn chế, điểm trường bản Noong U khiến nơi đây thường xuyên phải đối diện với tình trạng hạn hán và ô nhiễm nguồn nước. Giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 4, trường Tà Té thiếu nước trầm trọng. Và khi mùa mưa đến, do không có cơ sở hạ tầng phù hợp để lọc nước, nước từ các con lạch trên núi chảy xuống bị trộn lẫn với xác và chất thải động vật.

dsc05459.jpg
Ly Thị Luôn (bên phải, hàng thứ hai), 11 tuổi, học tại trường Tiểu học Tà Té, tỉnh Điện Biên, Việt Nam.

Theo một giáo viên tại trường, “Trời mưa thì nước gần như nước cà phê hoà tan, nước chè, vừa đục, vừa bẩn.”

Với phần lớn các nhà vệ sinh xây dựng cách đây hơn 18 năm, trường Tà Té không có đủ cơ sở vật chất để đảm bảo vệ sinh cho học sinh. Khi thiếu nước, học sinh phải đi vệ sinh ngoài trời.

Luôn tâm sự, “Con không cảm thấy thoải mái khi sử dụng nhà vệ sinh tại trường, vì nó thường có mùi có chịu.”

un0765125.jpg
Ly Thị Luôn lấy nước trong giờ ra chơi ở trường Tiểu học Tà Té, bản Noong U, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Nguyễn Hồng Hạnh, Cán bộ Chương trình Nước sạch và Vệ sinh của UNICEF Việt Nam cho biết: “Nếu không được sử dụng nước sạch và nhà vệ sinh, sức khỏe của các gia đình, cộng đồng và trường học sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Họ sẽ dễ mắc những bệnh về da, bệnh về đường ruột, suy dinh dưỡng, chậm phát triển, cùng nhiều loại bệnh khác.”

Thực trạng này đang trở nên ngày càng phức tạp. Những ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu khiến tình trạng hạn hán ngày một trầm trọng, làm cạn kiệt nguồn cung cấp nước ngọt, đồng thời gây ra mưa lớn gây ô nhiễm các nguồn nước và thiệt hại về cơ sở vật chất. Các  thầy cô trường Tiểu học Tà Té thường xuyên phải tự sửa chữa những đường dẫn nước từ trên núi xuống.

Là người đã sinh sống tại tỉnh Điện Biên nhiều năm, ông Lê Văn Ngoan, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tà Té cho biết thời tiết ngày càng trở nên khó dự đoán hơn so với trước kia.

Khi Việt Nam xếp hạng thứ mười ba trong số các quốc gia trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu (giai đoạn 2000-2019),3 những trẻ em ở ngôi trường nhỏ này đều có thể cảm nhận được những tác động nặng nề ấy qua nguồn nước.

un0765067.jpg
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, Cán bộ Chương trình Nước sạch và Vệ sinh của UNICEF Việt Nam.

Được dùng nước sạch là một quyền chính đáng 

Với mái tóc nâu hạt dẻ và nụ cười tươi tắn, Nisa toát lên thần thái tự tin khi chia sẻ về ước mơ trở thành họa sĩ. Nisa kém Luôn một tuổi và hiện đang sinh sống tại bản Pu Nhi, tỉnh Điện Biên.

Nisa nói, “Từ lúc có nước sạch về thì con không còn bị ốm hay bị đau họng gì nữa. Lúc trường chưa có nước sạch về, con chỉ đi vệ sinh và rửa tay ở nhà thôi, không đi được ở trường.”

un0765069-1-.jpg
Hạng Nisa đến thăm lại giếng nước từng được dùng để cung cấp nước cho trường Tiểu học Pu Nhi, bản Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Mặc dù nguồn lực tài chính còn hạn chế, trường của Nisa được xây bằng tình yêu thương và sự tận tâm chăm lo cho gần 400 học sinh. Nhiều em phải vượt qua những con đường gian nan để đến trường. Tại trường Tiểu học Pu Nhi, học sinh được học tập, vui chơi, chăm sóc cho vườn cây và chơi bóng đá dù chỉ với đôi chân trần.

Cũng như các em ở trường Tà Té, nước sạch mang lại niềm vui cho học sinh nơi đây.

Cô Phạm Thị Vân, giáo viên của trường, kể về những kỷ niệm ngày xưa, từ việc phải dậy sớm để lấy nước từ 6 giờ sáng, đến khi cùng dân bản tham gia lắp dây dẫn nước vào khoảng năm 2015. Cô chia sẻ: “Giây phút có nước về trường thì mọi người vui lắm, vui hơn cả có điện bởi vì thực ra, điện cũng rất quan trọng, nhưng nước còn quan trọng hơn.”

Tuy nhiên, ngay cả khi đó, trường vẫn gặp phải những khó khăn tương tự như những gì mà trường Tiểu học Tà Té hiện đang đối mặt: nguồn nước về trường vẫn chưa được sạch và thường xuyên.

Tình hình thay đổi vào năm 2019, khi UNICEF Việt Nam cùng các đối tác hỗ trợ trường nguồn kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo nguồn nước sạch và cải thiện vệ sinh. Trường được trang bị cơ sở hạ tầng phục vụ việc lọc nước, trạm rửa tay, nhà vệ sinh mới và bình lọc nước bằng gốm.

un0765059.jpg
Công trình nước sạch và vệ sinh do UNICEF và các đối tác hỗ trợ tài trường Tiểu học Pu Nhi, bản Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
for-website-2.jpg
Các lớp học được UNICEF Việt Nam hỗ trợ trang bị một bộ lọc nước bằng gốm.

Ông Đoàn Minh Cường, Phó Hiệu trưởng trường, chia sẻ: “Đây là khao khát từ rất lâu của nhà trường. Nước sạch giúp giảm gánh nặng cho thầy cô giáo và các em học sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống và môi trường học tập.”

Mỗi lớp học nay được trang bị một bình lọc nước bằng gốm - một sản phẩm sáng tạo, có chi phí thấp. Cùng lúc đó, nhờ có các thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời - một giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giáo viên và học sinh giờ có thể tắm bất cứ lúc nào, thay vì phải chờ đến những ngày trời ấm hơn như trước kia.

Đồng thời, hiểu rằng việc đảm bảo vệ sinh an toàn bắt nguồn từ thói quen hành vi, UNICEF Việt Nam và các đối tác hỗ trợ giáo viên và học sinh trường Pu Nhi thường xuyên tham gia các chương trình đào tạo về thực hành vệ sinh an toàn.

un0765058.jpg
Hạng Nisa 10 tuổi và các bạn rửa tay trong giờ ra chơi tại khu vực rửa tay do UNICEF tài trợ tạiTrường Tiểu học Pù Nhi, tỉnh Điện Biên, Việt Nam.

“Con thích có thật nhiều nước sạch và bồn rửa tay, phòng tắm, và nhà vệ sinh nữa. Con rất vui vì giờ có thể rửa tay và đi vệ sinh tại trường vào giờ ra chơi,” vừa nói với chúng tôi, Nisa vừa mở vòi nước để rửa trôi xà phòng trên tay mình.

Dòng nước chảy đều, từ từ qua những ngón tay em.

Một cốc nước sạch cho mỗi trẻ em 

un0765066-1-.jpg
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, Cán bộ Chương trình Nước sạch và Vệ sinh của UNICEF Việt Nam, cùng thầy giáo Đoàn Minh Cường, Phó HIệu Trưởng trường Tiểu học Pu Nhi.

Tại trường Tiểu học Tà Té, UNICEF Việt Nam đang hỗ trợ các sự kiện tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường, cũng như xây dựng hệ thống cấp nước sạch và vệ sinh thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, tại trường Tiểu học Pu Nhi, UNICEF tiếp tục giúp đảm bảo việc cấp nước sạch, cơ sở vật chất, cũng như các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh.

Ngoài tỉnh Điện Biên, UNICEF Việt Nam đang làm việc với các đối tác nhằm phổ biến các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh được ưu tiên như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau thuộc Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng khan hiếm nước do hạn hán kéo dài và xâm nhập mặn. UNICEF Việt Nam sẽ tiếp tục vận động việc tăng cường đầu tư để đảm bảo tiếp cận vệ sinh và nước sạch, đặc biệt là tại các vùng sâu vùng xa, khu vực khó khăn trên cả nước.

Chị Hạnh, Cán bộ Chương trình Nước sạch và Vệ sinh của UNICEF Việt Nam, chia sẻ: “Tôi có thể cảm nhận được niềm vui của các em học sinh tại những ngôi trường mình đã đến thăm. Tôi hy vọng những biện pháp can thiệp của UNICEF sẽ được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ và được chính phủ nhân rộng. Cuối cùng, tôi mong mọi trẻ em đều được tiếp cận với nước sạch và nhà vệ sinh để có thể có được một cuộc sống khỏe mạnh và thành công.”

Theo www.unicef.org
https://www.unicef.org/vietnam/vi/nh%E1%BB%AFng-c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n/t%E1%BB%AB-khi-c%C3%B3-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-s%E1%BA%A1ch-con-kh%C3%B4ng-c%C3%B2n-b%E1%BB%8B-%E1%BB%91m-n%E1%BB%AFa?mibextid=Zxz2cZ
Copy Link
https://www.unicef.org/vietnam/vi/nh%E1%BB%AFng-c%C3%A2u-chuy%E1%BB%87n/t%E1%BB%AB-khi-c%C3%B3-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-s%E1%BA%A1ch-con-kh%C3%B4ng-c%C3%B2n-b%E1%BB%8B-%E1%BB%91m-n%E1%BB%AFa?mibextid=Zxz2cZ
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
“Từ khi có nước sạch, con không còn bị ốm nữa.”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO