Mặc nhiên chấp nhận bạo lực “online”
Salvador Ramos, mới chỉ 18 tuổi khi gây ra vụ xả súng đẫm máu tại trường tiểu học Robb, bang Texas, khiến 19 trẻ nhỏ và 2 giáo viên thiệt mạng. Hắn thường xuyên gửi tin nhắn đe doạ tấn công và quấy rối tình dục các trẻ em nữ vị thành niên trên mạng, cũng như đăng bài đếm ngược thời gian đến ngày thực hiện tội ác.
Thế nhưng những cô bé và phụ nữ trẻ bị Ramos doạ dẫm trên mạng hiếm khi báo cáo sự việc. Một số họ cho biết, những lời đe doạ của hắn quá mơ hồ, thậm chí còn cho rằng, đó là cách mà các “thanh niên” thường cư xử trên Internet ngày nay. Một cô bé khi nhắc lại những lúc Ramos trở nên đáng sợ và đe doạ, nói rằng “mạng xã hội là như vậy”.
Trên mạng xã hội, sự cực đoan và đen tối của Ramos được thể hiện rõ rệt. Hắn đăng ảnh những con mèo chết, nhắn tin cho người lạ và “đùa” về tấn công tình dục, rằng “tất cả mọi người trên thế giới đều đáng bị hãm hiếp”.
Amy Williams, người phát ngôn Yubo, ứng dụng kết hợp giữa livestream và mạng xã hội nói rằng, “do sự việc đang trong quá trình điều tra nên công ty không có quyền chia sẻ công khai chi tiết các thông tin liên quan trực tiếp đến đối tượng”.
Trước thời điểm xả súng, Ramos cũng đã viết trên Facebook, “Tôi sẽ bắn bà của mình” và “Tôi sẽ xả súng vào một trường tiểu học”. Theo cơ quan an ninh cộng đồng Texas, hung thủ đã vài lần đề cập tới việc mua súng trong các đoạn chat riêng tư trên Instagram.
Các cô gái trẻ nói rằng, nhiều lời đe doạ hành hung của Ramos cũng giống như tình trạng phân biệt giới tính đang tràn lan trên Internet – điều mà một số họ đã chống lại, nhưng cũng phải chấp nhận khi tham gia trực tuyến.
Whitney Phillips, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oregon, nói rằng các mạng xã hội có thể làm nhiều hơn để đẩy lùi tình trạng quấy rối bạo lực với phụ nữ, nhưng các lời đe doạ trên nền tảng của họ là sự phản ánh của thái độ “bình thường hoá” những hành vi xấu cả online lẫn thực tế.
Thiếu vắng sự hỗ trợ cần thiết
Theo nghiên cứu của Trung tâm Pew năm 2021, khoảng 2/3 người trưởng thành dưới 30 tuổi cho biết, họ bị quấy rối trực tuyến. 33% phụ nữ dưới 35 nói rằng họ là nạn nhân của quấy rối tình dục online.
Danielle K. Citron, giáo sư luật tại Đại học Virginia, cho hay phụ nữ và trẻ em gái thường không báo cáo các đe doạ cưỡng bức cho cơ quan chức năng hoặc những người tin cậy, vì họ có cảm giác rằng họ không đáng được bảo vệ an toàn và riêng tư trực tuyến. Đôi khi, họ nghĩ rằng sẽ không ai giúp cả.
Austin, cậu bé 16 tuổi nói rằng, đã thấy Ramos hay xuất hiện trên khung chat Yubo và thường xuyên bình luận mang tính kích động và tình dục nhằm vào các phụ nữ trên ứng dụng.
“Tôi thấy anh ta quấy rối các bạn nữ và đe doạ tấn công tình dục họ, như cưỡng bức và bắt cóc. Không phải một lần mà là thường xuyên xảy ra”.
Austin và bạn bè cậu bé đã báo cáo tài khoản của Ramos lên Yubo hàng chục lần. Nhưng tài khoản này vẫn “active” và Austin thì bị Ramos doạ “sẽ lấy mạng”.
Theo các nhà nghiên cứu truyền thông xã hội, khi người lạ nghi ngờ về điều gì đó trên Internet, họ không có nhiều lựa chọn để phản hồi ngoài việc gửi báo cáo tài khoản đó lên các nhà cung cấp nền tảng, điều không có mấy tác dụng khi các công ty hiếm khi xem xét các báo cáo này một cách nghiêm túc.
Trong khi đó, Instagram cho biết, việc ngăn chặn những tin nhắn quấy rối khó hơn so với các trang công khai và công ty này không sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để chủ động phát hiện các nội dung như thù địch hay bắt nạt trong cùng một cách.
Tháng trước, trung tâm ngăn chặn thù địch trực tuyến thông tin, có hơn 8.000 tin nhắn trực tiếp gửi tới tài khoản của những phụ nữ nổi tiếng cho thấy Instagram không thể ngăn chặn 90% số tin nhắn quấy rối, bất chấp việc những tin nhắn này đã được báo cáo.
Vinh Ngô(Theo Washington Post)