Từ công sang tư

Anh Tú | 15/07/2022 12:02

Khi 'chất xám' chuyển mạnh từ công sang tư, liệu người yếu thế, thiệt thòi trong xã hội sẽ hưởng chất lượng y tế, giáo dục, hành chính công… như thế nào trong hiện tại lẫn tương lai?

Thông tin hàng ngàn bác sĩ, điều dưỡng viên tại tỉnh Đồng Nai chuyển từ hệ thống bệnh viện công sang tư đã làm “nóng” các bản tin thời sự gần đây.

293288260_1099204477350915_1083291890602962142_n.jpg
Trong đại dịch Covid-19, lực lượng y bác sỹ phải chịu sức ép lớn trong khám chữa bệnh cho người dân. Ảnh:  BVCC

Đại dịch Covid-19 đã khiến cho hệ thống y tế của nước ta bộc lộ nhiều điểm yếu, và rất nhiều người ở tuyến đầu, tức các y bác sĩ, đã phải chịu những sức ép lớn trong suốt thời gian dài. Trong quản trị có một nguyên tắc rõ ràng: con người sẽ được giảm áp lực nếu hệ thống hoạt động hiệu quả. Vậy điều gì giúp cho hệ thống hiệu quả? Không có gì lạ, ngoài các yếu tố: nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ, môi trường văn hoá doanh nghiệp và quy trình hiện đại.

Do đó, mỗi khi một ngành, một lĩnh vực nào đang “có vấn đề”, tức xuất hiện hiện tượng chảy máu nhân lực từ nơi này sang nơi khác, điều cần thiết nhất là phải rà soát lại bốn yếu tố trên, xem vấn đề nằm ở đâu, lỗi có thể khắc phục nhanh hay chậm, hay… hoàn toàn không có giải pháp.

289581096_803364711043536_545713240558137824_n.jpg
'Con người sẽ giảm được áp lực nếu hệ thống hoạt động hiệu quả'. Ảnh: BVCC.

Trong câu chuyện “nhiều bác sĩ, nhân viên y tế chưa nhận được tiền thưởng khi chống Covid-19” tại TP. HCM, Bí thư thành uỷ Nguyễn Văn Nên đã xin lỗi 40.000 nhân viên y tế vì chậm khen thưởng. Đây là một hành động kịp thời, nhằm hỗ trợ, động viên tinh thần của tuyến đầu. Nhưng ở các tỉnh, thành khác, liệu công tác hỗ trợ đã và đang hiệu quả?

Báo Quân Đội Nhân dân số ra ngày 12/07/2022 có bài “Hàng nghìn nhân viên y tế nghỉ việc-hệ lụy từ việc rời bỏ bệnh viện công”, có đoạn:

“…Tại Hà Nội, chỉ trong hơn một năm, Thủ đô đã có 857 người làm trong lĩnh vực y tế nghỉ việc, xin chuyển công tác. Nguyên nhân được cho là các nhân viên y tế phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày, đêm, tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập cho nhân viên y tế còn hạn chế so với các doanh nghiệp, các đơn vị y tế ngoài công lập hoặc cơ sở y tế thuộc các bộ, ngành. Vì thế, nhiều nhân viên y tế đã xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác về những đơn vị có mức thu nhập cao hơn.”

292042643_1100183154215087_1965277323119064367_n.jpg
Nhân viên y tế tại nhiều bệnh viện công đã chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân vì thu nhập cao hơn. Ảnh: BVCC

Có thể thấy, không chỉ riêng đô thị đông dân nhất cả nước, mà ở Thủ đô cũng đang có những vấn đề tương tự. Nhìn rộng ra, câu chuyện chuyển từ công sang tư không chỉ diễn ra ở mảng y tế. Báo Thanh Niên ngày 14/07/2022 có bài “Đà Nẵng: Công chức nghỉ việc vì lương chỉ 4 - 5 triệu đồng, nhiều người phải làm thêm”. Bài viết nêu thực trạng: tính từ tháng 01/2021 đến nay, hơn 1.200 công chức, viên chức trên địa bàn TP Đà Nẵng đã nghỉ việc vì áp lực cao, trong khi đồng lương quá thấp.

Bên cạnh Y tế, ngành Giáo dục cũng đang phải chịu nhiều sức ép từ xã hội, khi Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, số lượng trẻ đến trường tăng cao, trong khi cơ sở vật chất, hạ tầng, số lượng giáo viên - giảng viên/ học sinh - sinh viên gặp nhiều thách thức. Nếu như Chính phủ và các bộ, ban ngành không có những điều chỉnh kịp thời và đầu tư phù hợp, e rằng khuynh hướng rời bỏ khối công lập, nhà nước để chuyển sang tư nhân sẽ còn diễn ra ngày càng nhanh và mạnh trong thời gian tới.

290628838_366551432233354_7088770027833940813_n.jpg

Khi đó, sự thiệt thòi không chỉ là ở hệ thống công lập bị mất đi chất xám hay “nhân tài”. Điều đáng quan ngại hơn, đó là liệu người yếu thế, thiệt thòi trong xã hội sẽ hưởng chất lượng y tế, giáo dục, hành chính công… như thế nào trong hiện tại lẫn tương lai?

Bài liên quan
  • Bác sĩ nghỉ việc, bệnh viện công đánh mất nguồn nhân lực "vàng"
    Đồng Nai - Bác sĩ, nhân viên y tế sau khi ra trường đầu quân cho các bệnh viện công, nhưng sau khi có kinh nghiệm, chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên khoa... thì rất nhiều trong số họ chuyển sang bệnh viện tư với mức lương hấp dẫn. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc người dân thu nhập thấp khi khám chữa bệnh tại các bệnh viện công và cả hệ thống y tế nhà nước chịu thiệt thòi.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Từ công sang tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO