Bác sĩ nghỉ việc - vấn đề nan giải!
* Thưa ông, tại Đồng Nai, tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc "rộ" lên trong đợt dịch COVID-19 vừa qua và cả những tháng đầu năm 2022. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
- BS CKII Lê Quang Trung: Tại Đồng Nai, tình trạng bác sĩ và nhân viên y tế nghỉ việc không chỉ xảy ra vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 vừa qua mà trước đó cũng đã xảy ra tình trạng này.
Có thời điểm khoảng 3-4 năm trước đây, các bác sĩ nghỉ rất nhiều, đặc biệt là các bác sĩ giỏi. Thời điểm đó, các bệnh viện tư nhân mở ra nhiều đã "hút" cả những bác sĩ và điều dưỡng giỏi về với mức lương cao để sử dụng ngay. Thậm chí, để thu hút các bác sĩ ngoại khoa và sản khoa, các bệnh viện tư còn chấp nhận trả tiền đền bù cho họ.
Trong khi đó, các bệnh viện công "bị động" khi các bác sĩ nghỉ việc, đã tuyển dụng rất nhiều bác sĩ mới vào làm việc, nhưng chất lượng ban đầu không bằng các bác sĩ cũ - vốn là những người có chuyên môn “xịn”, chất lượng cao. Đó là tình trạng một nguồn nhân lực chất lượng cao đã bị chảy máu chất xám.
* Vậy thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng bác sĩ nghỉ bệnh viện công để chuyển qua bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân?
- BS CKII Lê Quang Trung: Đối với bất kỳ một nhân viên y tế, bác sĩ, hay điều dưỡng nào khi làm việc đều cần hai yêu cầu song hành: Thứ nhất là “môi trường làm việc” tạo thuận lợi cho các bác sĩ, nhân viên y tế được làm việc, cống hiến, học tập nâng cao trình độ chuyên môn và thứ hai song hành theo là thu nhập. Thiếu một trong hai yêu cầu này thì đều khiến các bác sĩ, nhân viên y tế dao động trong tư tưởng, khiến họ tìm kiếm một môi trường làm việc mới.
Cụ thể như điều dưỡng là những người rất quan trọng khi họ thực hiện phần lớn các y lệnh của bác sĩ, phần việc chăm sóc bệnh nhân, nhưng hiện nay các bệnh viện không có hồ sơ ứng tuyển của điều dưỡng, mặc dù đào tạo nhiều. Nguyên do là lương thấp, bệnh viện không có nguồn thu tăng thêm nên rất khó tuyển điều dưỡng.
Tôi có hỏi các bác sĩ đã chuyển công tác thì họ trình bày rằng: “Em là bác sĩ thường, các trưởng phó khoa, các đàn anh lớn tuổi đứng ra mổ hết, em lâu lâu mới được mổ một ca, còn khi chuyển sang bệnh viện khác thì được phân công phẫu thuật nhiều hơn, mổ trực tiếp nhiều hơn, đồng nghĩa thu nhập đi kèm theo nâng cao hơn".
Ở các trung tâm y tế tuyến huyện cũng rất thiếu bác sĩ và nhân viên y tế. Điều này thể hiện ngày càng rõ khi các trung tâm này hiện nay hoạt động cầm chừng, bác sĩ thì "lèo tèo" và gần như không có cơ hội để phát triển. Còn các bệnh viện khác thiếu nhân lực, bác sĩ bỏ đi, chậm phát triển chuyên môn quả là vấn đề nan giải!
Có cơ chế thu hút nhưng chưa có cơ chế giữ chân bác sĩ
* Có thể thấy tình trạng bác sĩ bệnh viện công nghỉ việc đang là vấn đề rất nan giải. Vậy, dưới góc độ quản lý, ngành Y tế tỉnh Đồng Nai đã có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?
- BS CKII Lê Quang Trung: Hiện nay, tại Đồng Nai chúng tôi mới chỉ thực hiện được các chính sách để thu hút bác sĩ. Đồng Nai đã có nhiều chính sách khuyến khích, như: Chính sách thu hút bác sĩ trả tiền một lần tuỳ theo trình độ bác sĩ với số tiền khoảng 100 triệu đồng - 150 triệu đồng; Chính sách đào tạo theo địa chỉ - những con em muốn đi học y thì tạo điều kiện cho các em đi học sau đó tình nguyện về cống hiến cho tỉnh nhà từ 5-10 năm.
Tuy nhiên, khi thu hút xong rồi thì vấn đề giữ chân bác sĩ vẫn nan giải, vì không có chế độ trả lương đặc biệt là các đối tượng thu hút, dẫn tới việc khó giữ chân bác sĩ nhân viên y tế có trình độ cao.
Đồng Nai hiện nay đã tạo điều kiện cho một số bệnh viện có đủ tiềm lực được tự chủ một phần để thu hút bệnh nhân, phát triển kỹ thuật cao, đồng thời tạo thêm nguồn thu để giữ chân bác sĩ. Tuy nhiên, việc giữ chân bác sĩ cũng không đồng đều, nơi làm tốt, nơi làm đủ "sống", nơi thì mãi trong vòng luẩn quẩn thiếu nhân lực phát triển kỹ thuật cao...
* Ngoài việc tạo điều kiện để các bệnh viện tự chủ tiền lương, vậy có khó khăn gì khiến các bệnh viện không "bật" lên được để phát triển, giữ chân bác sĩ?
- BS CKII Lê Quang Trung: Như tôi đã phân tích, đối với bất kỳ một nhân viên y tế, bác sĩ, hay điều dưỡng nào khi làm việc đều cần hai yêu cầu song hành là môi trường làm việc và thu nhập. Do đó, việc bác sĩ có nghỉ việc hay bám trụ cũng là do việc lãnh đạo bệnh viện có phân công nhiệm vụ, tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt cho bác sĩ nhân viên y tế hay không?
Còn về vấn đề thu nhập, chúng tôi đã hỗ trợ nhiều cách nhưng cần nhất là phải có cơ chế thoáng hơn, giao quyền tự chủ lớn hơn, rõ ràng hơn cho các bệnh viện, như: Tự chủ giá viện phí, tự chủ nhân sự, từ đó các bệnh viện tư phát triển xây dựng giá viện phí phù hợp, xây dựng giá trị thương hiệu thu hút bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao thu nhập mới giữ chân bác sĩ được.
Trong khi đó hiện nay, các bệnh viện dù đã mở các khoa dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập, giữ chân các y bác sĩ nhưng lại đang thiếu hẳn cơ chế pháp lý làm dịch vụ ở bệnh viện công lập. Hiện Bộ Y tế cũng chưa có thông tư để quy định giá viện phí dịch vụ, chỉ có thông tư giá dịch vụ theo bảo hiểm y tế và giá dịch vụ thông thường, nên đang có rất nhiều rào cản pháp lý.