Những câu chuyện về trẻ trầm cảm khiến không ít người giật mình tự vấn bản thân đã đúng chưa trong giáo dục con em mình. (Nguồn: Internet) |
“Ba mong con hạnh phúc”! Kể từ khi có con, tôi đã tâm niệm điều đó trong mỗi suy nghĩ, lời nói, việc làm dành cho con mình. Nhưng làm sao để con hạnh phúc? Câu trả lời là hãy làm những điều phù hợp với con, tùy từng lứa tuổi và tính cách, sở trường của con mà uyển chuyển.
Tôi biết, có những phụ huynh khác đã không thể làm bạn với con vì ngay từ nhỏ đã đặt lên vai con quá nhiều gánh nặng. Nào là, sau này con phải giống anh A, anh B nào đó với những thành công như thế này thế nọ. Có người sinh con ra để… sau này nhờ, nên mong con học giỏi để làm mát mặt cha mẹ, có công ăn việc làm với thu nhập cao...
Tất nhiên, ai cũng mong con mình ngoan, hiền, học giỏi, thành đạt ở tương lai. Nhưng đừng biến điều đó thành áp lực cho con và cũng chính là áp lực cho mình. Tại sao không phải là con cứ thoải mái làm những điều con thích, miễn không trái đạo đức và pháp luật. Tại sao lại phải đặt ra cho con quá nhiều “luật” mà đôi khi ngày xưa, nếu bằng tuổi con, mình cũng không thể làm nổi những yêu cầu kiểu như vậy.
Quyền làm bố làm mẹ được ta tự cho mình quá nhiều, đến mức muốn đánh mắng con kiểu gì cũng được vì… “đó là con tôi nên tôi có quyền”. Đã có những phụ huynh nghĩ vậy nên đã bạo hành con cả thể xác lẫn tinh thần khiến con lớn lên trong ngột ngạt, tổn thương sâu sắc.
Và theo phản ứng tâm lý bình thường, khi được “đào luyện” trong bạo lực, các bạn trẻ cũng sẽ có tính cách, hành xử bạo lực như thế. Vô tình, con cái trở thành nạn nhân của bố mẹ thông qua cách giáo dục thiếu nhân văn, vắng sự quan tâm, nhạt nhòa tình thương.
Có phải trẻ nào cũng cần ta ra rả la rầy thì mới nên người như ta vẫn nghĩ về sự uốn nắn, dạy dỗ con? Không, bởi vì có rất nhiều trẻ cần ta hướng dẫn ân cần hơn, để từ đó con nhận ra đúng sai và lựa chọn con đường đi, ứng xử với mọi người cũng như với những tình huống khó khăn mình gặp trên đường đời.
Đương nhiên, quá bảo bọc con, nuôi con trong "lồng kính" đến mức để trẻ ỷ lại vào bố mẹ cũng là không đúng, bởi từ đây, các con không còn thói quen đứng trên đôi chân mình, không tự xử lý những vấn đề mình gặp phải để trưởng thành hơn.
Làm bạn vì thế không phải lúc nào cũng “lên mặt” mình lớn hơn và biết tất để rồi phán xét, ra lệnh, bắt buộc con phải làm, nếu không sẽ trừng phạt. Làm bạn cũng không có nghĩa sẽ làm thay con tất cả mà là hướng dẫn rồi dõi theo con, nếu con làm tốt hãy khích lệ, chưa tốt thì động viên để con tiếp tục hoàn thiện mình.
Thực tế, có rất nhiều phụ huynh đã… theo dõi con, thậm chí đọc trộm nhật ký của con, phát hiện lỗi lầm của trẻ thì la mắng, quát nạt khiến con xấu hổ. Thậm chí có những phụ huynh đập điện thoại của con, cấm con không được vào mạng xã hội, theo đúng kiểu "không quản được thì cấm".
Quan tâm tới con lẽ ra chỉ là dõi theo để nếu có lúc nào đó con vấp ngã thì nói với con “không sao đâu, ai cũng có lúc không đúng, điều quan trọng là nhận ra và sửa lỗi”. Sự bao dung của cha mẹ với con mới chính là cách để dắt dìu con qua những khúc quanh, những vấp ngã, đưa con về với con đường sáng đẹp. Từ đó, khiến con tin tưởng vào người thân cũng như chính bản thân mình, nỗ lực và sống tốt hơn.
Do vậy, đừng vì thương con mà đẩy con xa mình hơn chỉ vì cách ta ứng xử, giáo dục chưa phù hợp, làm con tắt đi sự tin tưởng dành cho cha mẹ, rồi không dám sẻ chia những khó khăn với mình.
Cũng đừng đẩy con đi vào những suy nghĩ tiêu cực, bế tắc bằng cách làm cho con có cảm giác mình vô dụng, mình là người xấu, mình là người bất tài, đến mức không còn thuốc chữa để rồi sa ngã hơn vào con đường lầm lỡ.
Mong con hạnh phúc, bình yên, cha mẹ cũng phải kiến tạo được điều ấy cho chính mình. Làm sao con có thể trở thành bạn của cha mẹ khi… cha mẹ suốt ngày cãi nhau, ngoảnh mặt nhau?
Như vậy, điều cốt yếu là xây dựng gia đình hạnh phúc, đầy yêu thương, hơn hết cha mẹ là tấm gương mới chính là cách ta đang xây dựng thành trì bảo vệ con trước những cám dỗ bên ngoài.
Hay nói cách khác, mong con hạnh phúc không chỉ là dừng lại ở mong ước, nó phải được chính ba mẹ cùng tạo dựng cũng như hiểu và chia sẻ với nhau. Phụ huynh thay vì mải miết chạy theo guồng quay "cơm áo gạo tiền", hãy nhìn lại để thấy ta đã yêu con đủ chưa? Hay chúng ta đang bù những thiếu thốn tình cảm của con bằng vật chất?