Từ thực trạng trẻ trầm cảm dẫn đến những hành động bột phát, Chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc nêu quan điểm, cha mẹ phải nhận diện những thay đổi của con để ứng xử phù hợp. |
Sau loạt bài liên quan đến vấn đề trẻ trầm cảm: "TS. Nguyễn Thị Ngọc Minh: Tôi cũng từng rơi vào trầm cảm"; "Nhà báo Ngô Bá Lục: Đừng để chuyện học hành trở thành gánh nặng đối với trẻ"; TS. Vũ Thu Hương: "Trẻ trầm cảm, phụ huynh cũng cần được giải cứu", báo Thế giới & Việt Nam tiếp tục đăng tải bài phỏng vấn chuyên gia giáo dục Vũ Khắc Ngọc về vấn đề này.
Theo ông, áp lực học tập của trẻ những năm gần đây có phải là vấn đề dẫn đến những rối loạn cảm xúc, khiến trẻ bị trầm cảm?
Trong ba năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ phải trải học bằng hình thức online kéo dài. Theo quan sát của tôi thì trong thời gian học online, áp lực về kết quả, thành tích đối với trẻ hầu như không đáng kể.
Nhìn chung, các thầy cô và nhà trường đều có những điều chỉnh để yêu cầu cần đạt dành cho học trò trở nên đơn giản hơn, các bài thi và kiểm tra đều nhẹ nhàng hơn.
Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra các hướng dẫn về giảm tải chương trình và điều chỉnh hoạt động giảng dạy ngay từ đầu năm học để thích ứng với điều kiện học tập trực tuyến.
Áp lực học tập là một vấn đề phổ biến nhưng có phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới trầm cảm hay không thì phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể, không nên quy chụp cho tất cả.
Việc trẻ phải học online trong thời gian dài cũng khiến cho các em đánh mất sự kết nối với thế giới thực, phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các em?
Việc ngừng đến trường và phải học online kéo dài quá lâu rõ ràng đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về tâm lý ở trẻ, đặc biệt là đối với các bạn tuổi teen. Ở độ tuổi này, các em đang trong giai đoạn dễ bị rối loạn cảm xúc, chưa thực sự định hình được giá trị của bản thân và ý nghĩa cuộc sống.
Chính vì vậy, trẻ rất dễ có những thay đổi bất thường về cảm xúc, có thể bột phát thành hành động. Trong khi đó, trẻ cũng rất khó khăn trong giao tiếp, khó mở lòng với bố mẹ vì có khoảng cách về thế hệ, các quan điểm và suy nghĩ của trẻ và bố mẹ bị "vênh" nhau.
Trong điều kiện bình thường, khi gặp hạn chế trong giao tiếp với bố mẹ, trẻ thường sẽ tìm tới những “điểm tựa về tinh thần khác” mà trẻ cảm thấy tin tưởng như thầy cô, bạn bè để chia sẻ, tâm sự về những vướng mắc gặp phải trong cuộc sống.
Tuy nhiên, việc đóng cửa trường học kéo dài khiến cho mối kết nối này bị gián đoạn. Trẻ trở nên cô đơn, cảm thấy không còn chỗ dựa nào nếu có mâu thuẫn phát sinh. Trẻ dễ bị tổn thương tâm lý hơn, những sự bức bối, bất lực tích tụ trong thời gian dài rất dễ dẫn tới nguy cơ trầm cảm và bột phát thành hành động cực đoan như chúng ta đã thấy.
Từ kinh nghiệm dạy học và tư vấn cho trẻ trong nhiều năm qua, ông nhận thấy những lý do nào dẫn đến việc trẻ bị khủng hoảng tâm lý, thậm chí trầm cảm?
Cuộc sống vốn luôn sẵn có những mâu thuẫn tiềm tàng. Ở bất cứ thời điểm nào, trẻ cũng đều có thể đối mặt với các mâu thuẫn trong quan hệ với bố mẹ, với bạn bè, với thầy cô… Mâu thuẫn giữa bố mẹ trong gia đình cũng có tác động lớn đến tâm lý của trẻ.
Đối với trẻ mới lớn, còn có thể phát sinh thêm mâu thuẫn với bạn khác giới trong mối quan hệ yêu đương tuổi "ô mai". Ở lứa tuổi đặc biệt nhạy cảm này, bất cứ mâu thuẫn nào trong số đó mà nghiêm trọng, kéo dài và bế tắc trong giải quyết đều có thể là nguyên nhân dẫn tới trầm cảm ở trẻ.
Đó là trong điều kiện bình thường đã vậy. Covid-19 xảy ra, những bức bối về tâm lý càng trở nên trầm trọng hơn. Đại dịch khiến cho công việc, thu nhập và sự nghiệp kinh doanh của nhiều bố mẹ, thầy cô bị ảnh hưởng nặng nề, cộng thêm mối lo lắng về sức khỏe, chi phí tài chính cho việc thuốc thang, khám chữa bệnh tăng lên...
Thực trạng đó khiến mọi người trở nên dễ nóng giận, cáu gắt với nhau hơn và đôi khi còn có thể vô tình trút giận lên trẻ mà không hay. Sự ức chế lại thêm việc không thể chia sẻ, giải tỏa với bạn bè, thầy cô khi trường học đóng cửa, dễ khiến trẻ nảy sinh những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực và bị tích tụ, dồn nén lâu ngày.
Sự cần thiết của các chương trình tập huấn để giáo viên và học sinh nhận biết các dấu hiệu trầm cảm và khủng hoảng tâm lý để chăm sóc và can thiệp sớm?
Trước hết, phải thấy rằng ở Việt Nam hiện nay, vấn đề sức khỏe tâm lý dù là trẻ con hay người lớn đều chưa được coi trọng đúng mức, chưa được giải quyết một cách chuyên nghiệp.
Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã có các chương trình tập huấn giáo viên, có các hướng dẫn về phát hiện các dấu hiệu trầm cảm ở trẻ và cách giải quyết. Nhưng thời lượng của các hoạt động đào tạo này còn nhỏ, hầu như các trường đều chưa có bộ phận hỗ trợ tâm lý học đường chuyên trách.
Trong điều kiện dạy học online, tương tác giữa thầy cô với học sinh bị hạn chế đi nhiều nên các thầy cô khó nhận biết các bất ổn tâm lý ở trẻ hơn so với học trực tiếp.
Cha mẹ phải hiểu những 'giới hạn chịu đựng' của con. (Nguồn: Internet) |
Theo ông, nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ việc đau lòng có phải vì áp lực học tập, vì các em thiếu kỹ năng giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hay còn lý do nào khác nữa?
Như tôi đã nói ở trên, áp lực học tập là vấn đề phổ biến nhưng không phải nguyên nhân duy nhất khiến trẻ bị khủng hoạt tâm lý. Bất cứ mâu thuẫn nghiêm trọng kéo dài nào trong mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh, dù vì lý do gì, cũng đều có thể dẫn tới trầm cảm.
Ngoài ra, cũng phải thấy rằng trầm cảm là một trạng thái bệnh lý dễ xảy ra trên nền cơ địa tâm lý của một số trẻ nhất định. Có những bạn chỉ cần thầy cô hoặc bố mẹ mắng vài câu thôi đã bật khóc, bị tổn thương, bị suy sụp. Nhưng cũng có những trẻ - sức chống chịu của các bạn với những ức chế tâm lý này tốt hơn nhiều.
Do đó, đây là câu chuyện mang tính cá biệt, cá nhân. Mỗi phụ huynh cần phải là người sâu sát nhất với con, hiểu con để nhận biết được những trục trặc tâm lý của con, hiểu được “giới hạn chịu đựng” của con để có cách thức ứng xử với trẻ cho tương xứng, phù hợp.
Là người ngoài cuộc, chúng ta không nên bình phẩm, phán xét nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tự tử của một trường hợp cụ thể. Những kết luận mang tính quy chụp như áp lực học tập, bố mẹ ép con học, chương trình giáo dục lạc hậu... là phiến diện và làm cho những người ở lại thêm tổn thương.
Rộng hơn, có cần thiết có một cuộc cải cách và chấn hưng giáo dục toàn diện mang tính khai phóng hay không, thưa ông?
Tôi không nghĩ việc đó là phù hợp trong thời điểm này. Chúng ta đang tìm cách áp đặt, quy chụp câu chuyện tự tử của một đứa trẻ với các vấn đề về giáo dục trong khi chưa có mối quan hệ nhân - quả rõ ràng nào.
Cá nhân tôi cho rằng, sự gia tăng các vụ tự tử ở trẻ trong thời gian gần đây là hệ quả của việc đóng cửa trường học kéo dài quá lâu. Đây là vấn đề đã được nhiều nước trên thế giới, các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF, UNESCO nghiên cứu và kết luận.
Ông là người có đề xuất mở cửa trường học từ lâu, ngày 6/4 Hà Nội đã cho học sinh lớp 1-6 đến trường. Ông nghĩ gì về quyết định này?
Từ thời điểm tháng 9, tháng 10 năm ngoái, rất nhiều chuyên gia y tế đã khẳng định Hà Nội đủ an toàn để cho trẻ đi học lại. Khi đó, số ca mắc mới của thành phố chỉ vài tới vài chục ca mỗi ngày. Tính đến nay, chúng ta đã bỏ lỡ tới nửa năm.
Trong suốt thời gian đó, rất nhiều ẩn ức tâm lý ở trẻ đã xuất hiện và tích tụ. Việc liên tiếp xảy ra các vụ tự tử ở trẻ chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua rõ ràng là một hồi chuông báo động, có tính chất cảnh tỉnh, để người lớn choàng tỉnh và nhận ra, rõ ràng hơn hậu quả khủng khiếp của việc đóng cửa trường học kéo dài.
Hà Nội đã bắt đầu cho học sinh đi học lại từ ngày 6/4 nhưng những tổn thương tâm lý mà trẻ phải chịu đựng và tích tụ cả năm qua chắc chắn chưa thể tan biến ngay lập tức.
Các thầy cô và nhà trường cần phải nhận thức rõ vấn đề này. Trong những ngày đầu các con đi học trở lại, xin đừng vội đặt nặng vấn đề giảng dạy kiến thức, kiểm tra, đánh giá, thi cử. Chúng ta cần phải dành thời gian để tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể, tìm cách kết nối trẻ trở lại với các mối quan hệ lành mạnh trong trường học.
Khi trẻ tìm lại được niềm vui khi tới trường, niềm vui trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô, trường lớp thì những ức chế tâm lý đã tích tụ trước đây mới dần tan biến được.
Xin cảm ơn ông!