Bài viết cho rằng trình duyệt này đang tiến hành thu thập quá nhiều dữ liệu của người dùng, nhiều hơn mức cần thiết để nghiên cứu nâng cao trải nghiệm của người dùng hay vì bất cứ lí do nào khác vì người dùng.
Chúng ta đã từng từ bỏ Internet Explorer
Trước "lời kêu gọi" từ bỏ Chrome, tôi lại có phút nhớ về trình duyệt "tiền bối" một thời Internet Explorer (IE) của Microsoft.
IE ra đời từ rất sớm, năm 1995, và từng là trình duyệt thống trị thế giới gần như tuyệt đối, với việc đạt thị phần đến 95% vào năm 2002-2003 trước khi dần sa sút về sau đó.
Và những đối thủ góp phần "dìm chết" IE không ai khác là những Safari (bản beta phát hành ngày 7/1/2003), Firefox (phiên bản 1.0 phát hành vào ngày 9/11/2004), và đáng gờm nhất chính là Google Chrome (Phiên bản beta chạy trên Microsoft Windows được phát hành ngày 2/9/2008 với 43 ngôn ngữ).
Tuy nhiên, cái chết chính thức của IE lại xuất phát trực tiếp từ cuộc chiến chống độc quyền của Netscape – một trình duyệt Internet cùng thời, cho rằng Microsoft đã lợi dụng vị thế độc quyền của bộ phần mềm hệ điều hành Windows để khuếch trương IE, ép các nhà sản xuất máy tính cũng như người dùng không còn lựa chọn trình duyệt của các hãng khác.
Vụ kiện chống độc quyền này sau đó được Bộ Tư pháp cùng với hơn 9 bang của nước Mỹ thúc đẩy, khiến cho Microsoft thời Bill Gates đã phải ngồi vào bàn đàm phán và đi đến thỏa thuận. Cuối cùng, năm 2002, cuộc dàn xếp hoàn tất, Microsoft buộc phải tách IE – vốn là một công cụ miễn phí – khỏi hệ điều hành Windows chứ không được kèm theo bộ phần mềm hệ điều hành Windows được bán ra như trước đó.
Cho thấy, ngay trong lòng nước Mỹ, để chống lại sự độc quyền của một "ông lớn" công nghệ cũng đã khó khăn đến mức nào. Và phải từ thắng lợi của cuộc chiến chống độc quyền đó, các trình duyệt như Firefox, Chrome sau này mới có cơ hội chen chân vào thị trường và dần thu hút người dùng.
Tất nhiên, "cái chết" của những "gã khổng lồ" cũng luôn chứa đựng yếu tố nội tại, đó là do chính họ. "Cái chết" của IE từng diễn ra đúng như thế, càng về sau IE càng hay xảy ra lỗi, đang sử dụng thì bị đứng, hoặc bị "văng" ra ngoài buộc phải vào lại trình duyệt, các tính năng thì già cỗi, thiếu tiện ích và sáng tạo.
Và điểm yếu của IE già cỗi một thời dựa hơi Windows để mở rộng thị phần lên đến 95% lại chính là thế mạnh của Firefox và đặc biệt là Chrome đầy tươi mới và tiện ích. Các tiện ích được người dùng thuở ban đầu yêu thích đó, cũng chính là những công cụ có thể giúp thu thập dữ liệu hơn bất cứ trình duyệt nào khác về sau, từ vị trí người dùng, các hành vi lướt web, sở thích mua sắm, vé hàng không và các điểm đến, chỗ ở.v.v…, miễn là chúng ta sử dụng trình duyệt để đặt, mua các sản phẩm và dịch vụ trên kênh online.
Và bây giờ chúng ta nên tiếp tục từ bỏ Chrome?
Thế nhưng, những tiện tích hiện đại, giúp ích người dùng một thời trên Chrome và được ưa thích đã ngày càng được cập nhật các tính năng mới hơn hướng đến việc thu thập dữ liệu của người dùng nhiều hơn.
Một dạo, Google từng bị phanh phui việc bí mật thu thập dữ liệu vị trí của người dùng Chrome. Cụ thể, người dùng cho dù đã tắt tính năng vị trí trên thiết bị, nhưng trên thực chất vị trí của họ vẫn bị Google ghi nhận và thu thập được.
Cách thu thập dữ liệu người dùng của Facebook, nhưng đặc biệt là Google với hệ sinh thái đa dạng và rộng mở của mình, theo đúng nghĩa là "không cho chúng nó thoát". Người dùng, một ngày còn sử dụng các dịch vụ của Google thì chạy trời không khỏi nắng khỏi tầm theo dõi, quan sát, thu thập dữ liệu của "ông lớn" Internet này.
Tất nhiên chuyện đã quá rõ, là càng thu thập được nhiều dữ liệu về người dùng thì Google càng biến chúng thành lợi ích kinh doanh một cách tối ưu hơn, mang đến doanh thu và lợi nhuận ngày càng nhiều hơn.
Song câu hỏi đặt ra là, từ bỏ Chrome chuyển sang Firefox hay Microsoft Edge thì liệu có thoát được bị theo dõi và thu thập dữ liệu?
Tôi nghĩ là không ai dám chắc được cả ngay cả tác giả Zak Doffman là người đang phê phán Chrome của Google và kêu gọi người dùng từ bỏ nó. Bởi nên nhớ rằng khoảng 10 năm về trước, khi người ta dần chuyển sang dùng Chrome vì cho rằng IE chất lượng, tiện ích ngày càng kém và không đáp ứng nhu cầu, có ai nói rằng Chrome thu thập dữ liệu khủng khiếp đâu.
Và có lẽ thái độ của người dùng đối với Chrome khi ấy cũng phản ánh đúng thực tế, là Chrome thuở ban đầu chưa thu thập dữ liệu người dùng tới mức không thể chấp nhận được như hiện nay theo cách từ công khai đến bí mật. Nhưng như tôi đã đề cập ở trên, cứ sau mỗi phiên bản cập nhật, Google lại đưa thêm vào Chrome những tính năng, tiện ích mới và đồng thời cũng nâng cấp khả năng thu thập dữ liệu của người dùng cao hơn trước nhằm phục vụ cho mục đích gia tăng lợi ích kinh doanh.
Từ đó, chúng ta lại thấy cần đặt ra câu hỏi: các trình duyệt khác một khi cũng dần đi đến vị thế thống lĩnh thị trường như Chrome hiện nay (khoảng 60%), liệu có ngừng được ham muốn, lòng tham không gia tăng các tính năng, công cụ thu thập dữ liệu người dùng để phục vụ cho việc kiếm tiền, làm giàu của mình không?
Mà nên nhớ rằng, số tiền kiếm được từ việc gia tăng thu thập dữ liệu là hàng tỉ USD, hàng chục tỉ USD, và thậm chí là hàng trăm tỉ USD.
Người dùng đã từ bỏ IE là đã "tránh vỏ dưa", nhưng trong trường hợp với Chrome hiện nay chính là lại "gặp vỏ dừa".
Thấy món lợi nhãn tiền có thể lên đến hàng tỉ, hàng chục tỉ USD, có lẽ chả "ông lớn" trình duyệt nào kìm được lòng tham mà không tiến hành khai thác nguồn lợi đó.
Đó là chưa kể, ngay từ nhận thức của hàng tỉ người dùng Chrome hiện nay không phải ai cũng thấy vấn đề trình duyệt này thu thập dữ liệu của mình là nghiêm trọng cần từ bỏ ngay việc dùng nó. Hoặc giả, vì Chrome đang cung cấp nhiều tiện ích, cần thiết cho người dùng so với các đối thủ của nó, nhiều người dùng nghĩ rằng có thể vẫn nên sử dụng nhưng cần điều chỉnh để giới hạn việc thu thập dữ liệu của Chrome là được.
Và như đã nói, nếu xem như việc từ bỏ Chrome là một lần nữa chúng ta "tránh vỏ dưa", thì biết đâu sau đó lại gặp một "vỏ dừa" khác.