Sáng ngày 16/10, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học Chương trình phục hồi và phát triển Kinh tế - Xã hội TP giai đoạn 2022-2025.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cho rằng, để khắc phục những hệ quả rất nặng nề do các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt kéo dài trong nhiều tháng đối với đời sống kinh tế - xã hội, trước mắt TP cần phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường và thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn với chương trình “số hóa” và tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo ông Lịch, về nguyên tắc của kinh tế thị trường, các hoạt động kinh tế sẽ tự phục hồi sau khi nhà nước cho phép các ngành kinh tế được hoạt động trở lại, thu hẹp “vùng cấm”, những ức chế do sự cấm đoán được gỡ bỏ và mạng lưới logistics quốc gia và quốc tế được khai thông.
"Tuy nhiên, với sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, nếu chỉ trông chờ vào sự hồi phục tự nhiên của thị trường, thì rất khó khăn và có nguy cơ suy sụp, không “đứng dậy” được, do đó Nhà nước phải đóng vai trò “bà đỡ” thông qua chức năng của Nhà nước", ông Lịch nói.
Theo chuyên gia kinh tế, TP cũng nên có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo 3 tiêu chí: đóng góp nhiều vào cơ cấu GRDP của TP, có tác động lan tỏa cao và ít có khả năng tự hồi phục.
Dựa trên các tiêu chí này, ông Lịch đề nghị lựa chọn ngành du lịch (Bao gồm lưu trú, lữ hành, vận tải và các dịch vụ gắn với du lịch); Ngành xây dựng; Kinh doanh bất động sản; Các doanh nghiệp hoạt động trong 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và các doanh nghiêp thương mại (nội địa và xuất - nhập khẩu) để hỗ trợ.
Về chủ thể cần hỗ trợ gồm: Các doanh nghiệp khó khăn về vốn ở mọi quy mô và thành phần kinh tế; các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các Hợp tác xã; Các hộ kinh doanh dịch vụ phục vụ dân sinh.
Theo TS Trần Du Lịch, biện pháp trước mắt TP cần triển khai linh hoạt và hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 12/10 của Chính phủ trên địa bàn TP về mở rộng các hoạt động kinh tế để doanh nghiệp và người dân tự tổ chức lại sản xuất kinh doanh an toàn, với động lực tự nhiên của “lò xo bị nén”. Đây là sự phục hồi tự nhiên theo quan hệ thị trường.
Chính quyền TP chủ động quan hệ với các địa phương, để khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ đưa lao động ở các địa phương trở về làm việc theo nhu cầu mờ rộng hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời giao Sở LĐ-TB&XH TP nắm bắt nhu cầu lao động của doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP để có kế hoạch phối hợp với các địa hỗ trợ lao động quay lại làm việc.
Về những biện pháp căn cơ, TS Trần Du Lịch đề xuất, TP cần nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công, theo nguyên tắc: cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước.
"Với tinh thần “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, đòi hỏi bộ máy hành chính của TP thực sự xem việc cung cấp dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp và người dân là trách nhiệm, chứ không phải xin-cho", ông Lịch nhấn mạnh.
TP cũng cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về quy trình thủ tục cấp phép đầu tư do tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định đối với các dự án đầu tư đang tồn đọng, nhất là trong lĩnh vực BĐS để nhanh chóng thu hút vốn đầu tư tư nhân.
"Do TP là nơi chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch và nơi có thời gian chịu biện pháp giản cách xã hội nghiêm ngặt lâu nhất nên chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp phải cao hơn mức chung của cả nước. Đặc biệt về thời gian và đối tượng được giảm, miễn thuế; việc khoanh nợ, giãn nợ tín dụng; giảm lãi xuất vay và các gói tín dụng ưu đãi… Đây là nội dung TP cần nghiên cứu để xin Chính phủ", ông Lịch đề xuất.
Thế Quang