TS Trần Du Lịch: Kinh tế của TPHCM đã chạm đáy và đang đi lên

Q.Huy| 29/06/2023 18:00

TS Trần Du Lịch đánh giá, việc TPHCM đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5-8% trong năm nay là rất khó. Dù đạt nhiều khởi sắc, tuy nhiên, nền kinh tế TPHCM còn gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.

Chiều 29/6, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.

Buổi làm việc nhằm nhận diện những khó khăn, thách thức của TPHCM quãng thời gian qua và tìm hướng tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới.

Trong quý II, TPHCM đã có nhiều nét khởi sắc về các chỉ số kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến kết quả 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% trong năm 2023 là nhiệm vụ rất khó khăn đối với địa phương này.

TS Trần Du Lịch: Kinh tế của TPHCM đã chạm đáy và đang đi lên - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp về kinh tế - xã hội (Ảnh: H.Q.).

Các vấn đề của TPHCM

Góp ý tại buổi làm việc, TS Trần Du Lịch cho rằng, kinh tế của TPHCM còn nhiều khó khăn nhưng đã có nét khởi sắc hơn so với 3 tháng trước. Ngoài việc một số lĩnh vực đã phục hồi, địa phương còn có thêm niềm vui là Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Quốc hội ban hành.

"Qua tất cả diễn biến, tôi có thể khẳng định kinh tế của TPHCM đã chạm đáy tăng trưởng và đang từ đáy đi lên. Việc đi lên nhanh hay chậm còn phụ thuộc nhiều yếu tố", vị chuyên gia nhìn nhận.

TS Trần Du Lịch: Kinh tế của TPHCM đã chạm đáy và đang đi lên - 2

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM, trình bày báo cáo về tình hình kinh tế xã hội (Ảnh: H.Q.).

Phân tích về các chỉ số tăng trưởng của quý II, TS Trần Du Lịch điểm lại về việc ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ đã có sự tiến triển lớn so với quý liền kề. Tuy nhiên, ngành xây dựng và ngành bất động sản tiếp tục tăng trưởng âm.

Nói về những khó khăn TPHCM phải đối diện, ông Trần Du Lịch cho biết, ngoài tác động của thế giới, các doanh nghiệp tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn về vốn, nguồn lực của các doanh nghiệp bị bào mòn. Điểm đáng lo nhất là tăng trưởng tín dụng thấp chưa từng thấy.

"Thậm chí tín dụng tăng thì các doanh nghiệp cũng khó hấp thụ nổi. Giống như việc một cơ thể đã yếu thì không thể ăn được nữa, đó chính là vấn đề", TS Trần Du Lịch ví dụ.

Chuyên gia cũng chỉ rõ, tâm lý sợ sai phạm, e dè đối từ một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM vẫn tồn tại và chưa được cải thiện đáng kể. Bộ máy của TPHCM đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề vừa tồn đọng từ nhiều năm, vừa phát sinh trong hiện tại.

TS Trần Du Lịch khẳng định, các giải pháp của chính quyền luôn có độ trễ nhất định đối với nền kinh tế, không có giải pháp nào có thể lập tức mang lại hiệu quả. Sự phục hồi của quý II xuất phát từ sự vươn lên của các doanh nghiệp, từ tiềm lực kinh tế của thành phố. Ngay cả công tác tháo gỡ điểm nghẽn đối với các dự án bất động sản của TPHCM thời gian qua cũng chưa thể mang lại tác dụng ngay.

Mục tiêu tăng trưởng năm có khả thi?

TS Trần Du Lịch đánh giá, việc TPHCM đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5-8% trong năm nay là rất khó. Tất cả giải pháp của địa phương hiện tại chưa thể có tác động tích cực ngay tới nền kinh tế, mà sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của năm sau.

"Chúng ta đặt mục tiêu năm 2022 của TPHCM là phục hồi, năm 2023 là tăng tốc. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ lỡ hẹn một năm, mục tiêu hiện tại là tăng tốc trong năm 2024. Chúng ta chỉ lỡ hẹn một năm chứ đừng lỡ hẹn nhiều năm nữa", TS Trần Du Lịch nêu quan điểm.

TS Trần Du Lịch: Kinh tế của TPHCM đã chạm đáy và đang đi lên - 3

TS Trần Du Lịch góp ý cho phát triển kinh tế TPHCM thời gian tới (Ảnh: H.Q.).

Trong 6 tháng cuối năm, vị chuyên gia cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm của địa phương là triển khai Nghị quyết 98. Trong đó, điểm khó nhất là nâng cao năng lực bộ máy ngang tầm nhiệm vụ.

"TPHCM cần tập trung tháo gỡ các dự án, công trình ngưng trệ nhiều năm, đặc biệt các dự án liên quan đất đai. Thành phố cần tạo sức bật cho thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm", chuyên gia góp ý.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, thành phố nên tập trung hỗ trợ tín dụng thông qua các định chế tài chính sẵn có. Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính, thuế, hải quan, phòng cháy chữa cháy cần đặc biệt chú trọng.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thành phố cần tăng cường mở rộng thị trường nội địa thông qua kích cầu tiêu dùng, giảm thuế.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, TPHCM có tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp, xây dựng chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ; khu vực dịch vụ đóng góp lớn nhất vào mức tăng GRDP khi tăng 4,96% so với cùng kỳ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
TS Trần Du Lịch: Kinh tế của TPHCM đã chạm đáy và đang đi lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO