TS. Hoàng Trung Học: Cần cân nhắc việc đưa thông tin bạo lực học đường lên không gian mạng

Nguyệt Anh| 03/06/2022 16:15

TS. Hoàng Trung Học, chuyên gia Tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, cần cẩn trọng, cân nhắc khi đưa bất cứ thông tin liên quan đến các tình huống bạo lực học đường lên mạng xã hội.

Vụ bạo lực tại trường quốc tế:
Theo TS. Hoàng Trung Học, bạo lực học đường có thể là hệ quả trực tiếp trong cách quản lý, giáo dục học sinh của nhà trường và gia đình.

Trên các diễn đàn, vấn đề bạo lực học đường trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Theo ông, trách nhiệm của các bên đến đâu trong việc giải quyết các tình huống bạo lực học đường?

Đây là câu chuyện phải bàn đến khi giải quyết các tình huống bạo lực học đường. Trước hết phải khẳng định, bạo lực học đường là hiện tượng xã hội thời nào cũng có. Việc của chúng ta là phải quản lý bạo lực học đường và có ứng xử phù hợp để giảm thiểu thiệt hại khi tình huống bạo lực xảy ra.

Khi bạo lực đã xảy, cha mẹ, thầy cô cần nghĩ đến học sinh và lợi ích của học sinh mình trước tiên. Vì vậy, việc tiếp cận, giải quyết tình huống xung đột phải đạt được những yêu cầu: không làm gia tăng tính tiêu cực của tình huống bạo lực; hạn chế tối đa hậu quả có thể để lại của tình huống; phải biến tình huống bạo lực học đường trở thành một tình huống có thể mang thông điệp giáo dục đối với cả nạn nhân và với các em học sinh khác.

Để đảm bảo ba yếu tố đó thì những người trong cuộc phải bình tĩnh, phối hợp với nhau một cách thiện chí, vì quyền lợi của học sinh.

Theo ông, phụ huynh livestream phát tán sự việc này lên không gian mạng khi chưa rõ đúng sai có giúp ích cho việc giải quyết vấn đề hay không?

Về việc phát tán tình huống bạo lực lên trên mạng xã hội khi chưa rõ ngọn ngành là hành động đáng tiếc, nhưng có thể hiểu được, phản ánh sự bức xúc, lo lắng và tâm lý muốn làm mọi cách để bảo vệ con mình của một bộ phận cha mẹ.

Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh khác thì hành động này rất có thể để lại hệ lụy lớn hơn. Đó là làm trầm trọng thêm tổn thương tâm lý đối với những nạn nhân và kể cả đối tượng gây ra của hành vi bạo lực. Hành vi này cũng có thể làm phức tạp thêm tình hình, tạo thêm sức ép cho những người trong cuộc và nhà trường. Cuối cùng, đây có thể là một mẫu ứng xử thiếu tích cực cho cộng đồng, đặc biệt là những học sinh khi chứng kiến vụ việc và tình huống bạo lực.

Vì vậy, theo tôi, việc đưa bất cứ thông tin liên quan đến các tình huống bạo lực học đường lên mạng xã hội cần phải hết sức cân nhắc, cẩn trọng.

Đâu là nguyên nhân khiến bạo lực học đường ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn, theo ông?

Khi phân tích nguyên nhân bạo lực học đường, cần phải có cái nhìn tổng thể. Ở phạm vi rộng, nguyên nhân của thực trạng này có thể đến từ cấp độ vĩ mô, từ những điều kiện về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội và hệ giá trị xã hội.

Hẹp hơn, bạo lực có thể là hệ quả trực tiếp trong cách quản lý, giáo dục học sinh của nhà trường và cách chăm sóc, nuôi dạy trẻ tại gia đình.

Bên cạnh đó, quá trình phát triển tâm sinh lý và đặc điểm tâm thần kinh của mỗi học sinh ở những giai đoạn khác nhau có thể trở thành tác nhân trực tiếp gây ra bạo lực học đường.

Trong giai đoạn hiện nay, khi học sinh vừa trải qua giai đoạn dài học tập trực tuyến trong điều kiện giãn cách xã hội, nguy cơ bạo lực học đường càng gia tăng. Phần lớn học sinh có những biểu hiện của hội chứng tâm lý do Covid-19, thể hiện bằng một loạt các triệu chứng đáng lo ngại như: mức độ stress, rối loạn lo âu, trầm cảm gia tăng; tính dễ bị kích động cảm xúc trở nên phổ biến; tình trạng lệ thuộc vào Internet, máy tính và thu mình vào thế giới ảo đáng báo động. Đây là những vấn đề tâm lý có thể thúc đẩy tình trạng bạo lực ở học sinh.

Hiện nay, trẻ rất dễ tìm kiếm những hình ảnh, video bạo lực ngay trên mạng xã hội. Có phải đây là "chất xúc tác" cho bạo lực sinh sôi nếu như không có sự kiểm soát chặt chẽ từ phía gia đình?

Đây là một trong những nguyên nhân gây ra bạo lực ở học sinh. Văn hóa, thông tin độc hại trên mạng xã hội ảnh hưởng lớn đến hành vi của trẻ. Như chúng ta biết, trẻ càng nhỏ thì càng có xu hướng thích bắt chước, thường bắt chước theo những cái “độc, lạ” được nhiều người chú ý.

Khi trưởng thành hơn, với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông thì nhu cầu khẳng định cái tôi của các em rất lớn. Các em muốn khẳng định cái tôi của mình, muốn tạo ra sự khác biệt. Khi chưa hiểu được những giá trị thực sự, học sinh sẽ có xu hướng khẳng định mình bằng vẻ bề ngoài và sức mạnh cơ bắp, có thể dẫn đến hành vi bạo lực.

Những thông tin mang tính chất bạo lực trên mạng có hai nguy hiểm. Trước hết, đó là hành vi xấu, các em có thể bắt chước. Tiếp theo, hành vi bạo lực trên mạng có tính lan truyền và phổ biến rất cao, tạo cho học sinh có cảm giác đó là hành động bình thường, phổ biến, các em có thể áp dụng nó trong các mối quan hệ xã hội.

Cần phải làm gì để giảm bớt bạo lực học đường, đồng thời xử lý các trường hợp bạo lực học đường thế nào? Có phải chúng ta đang xem nhẹ “phòng” bạo lực học đường mà chỉ tập trung “chống” theo phong trào?

Đúng vậy, cái mà chúng ta đang tập trung làm chủ yếu là chống chứ chưa phải phòng. Cần phải đề cao tiếp cận phòng ngừa để quản lý bạo lực học đường. Nếu bạo lực đã xảy ra, chúng ta không thể tránh những hậu quả tiêu cực và hiệu ứng phản giáo dục.

Việc phòng ngừa cần được coi là chiến lược dài hạn, tiến hành thường xuyên, phải có sự vào cuộc của các lực lượng khác nhau.

Trong nhà trường, cần tập trung xây dựng trường học hạnh phúc để tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, từ đó khích lệ những hành vi tốt, kiểm soát hành vi bạo lực. Đó là trách nhiệm của gia đình và nhà trường. Muốn như vậy, nhà trường phải chủ động trong chiến lược xây dựng trường học hạnh phúc. Trong quá trình làm việc và các mối quan hệ, cha/mẹ, thầy/cô phải làm gương và thúc đẩy các hành vi tốt của học sinh.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thường xuyên có những hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường theo tiếp cận tâm lý ở các cấp độ khác nhau trong nhà trường. Cần phát hiện sớm những nguy cơ để ngăn chặn hành vi bạo lực ngay khi nó còn ở cấp độ tiềm tàng.

Trong công tác nghiệp vụ, các thầy/cô giáo phải quản lý tốt các học sinh có vấn đề về mặt tâm lý. Phải đặc biệt chú tâm quan sát, nắm bắt và phòng ngừa những hành vi tiêu cực ở những học sinh này.

Về phía cha mẹ, phải quan tâm đến con, giúp con có khả năng tự vệ, phát hiện bạo lực và ứng phó hiệu quả với tình huống bạo lực.

Vậy ý thức và sự quan tâm của xã hội đóng vai trò ra sao trong chính sách phòng chống bạo lực hiệu quả, thưa ông?

Sự quan tâm của xã hội rất quan trọng. Cần phải có dư luận đủ mạnh để đẩy lùi bạo lực, không khuyến khích bạo lực.

Thứ nhất, dư luận xã hội phải cố gắng thúc đẩy nhận thức đúng để điều chỉnh hành vi của không chỉ học sinh mà cả cha/mẹ các em.

Thứ hai, dư luận xã hội cần kiểm soát và nâng cao trách nhiệm của nhà trường trong việc quản lý hành vi bạo lực.

Thứ ba, dư luận xã hội cần tác động đến chính sách xã hội trong việc xây dựng các hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ em. Xây dựng các hành lang pháp lý để quản lý thông tin độc hại và các hành vi bạo lực trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
TS. Hoàng Trung Học: Cần cân nhắc việc đưa thông tin bạo lực học đường lên không gian mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO