BFMTV hôm 6/12 đã đăng tải một tài liệu với một bộ quy tắc cho tự chặt cây trong bối cảnh giá củi tăng đáng kể. Theo các phương tiện truyền thông, giá 1 m3 củi đã tăng từ 65 lên 90 euro và nhiều hộ gia đình không còn khả năng chi trả.
“Giống như tất cả các loại nhiên liệu khác, giá củi ngày nay đang tăng lên. Chúng đang trở nên quá đắt đối với nhiều người và giải pháp rõ ràng là tự đi vào rừng và tự chặt củi để sưởi ấm - giống như thời Trung cổ”, kênh truyền hình đưa tin.
Tuy nhiên, truyền thông lưu ý rằng là chỉ được chặt hạ những cây có đường kính trên 35 cm và chỉ được chặt ở rừng theo hạn mức được giao. Đối với việc chặt cây non, có thể bị phạt 1.500 euro.
“Cấm hoàn toàn việc nhặt cây đổ vì chúng phục vụ cho việc tái tạo đất và cũng cấm bán cây đã chặt”, kênh truyền hình giải thích.
BFMTV khuyến cáo, chặt cây là một nghề nguy hiểm và cần phải sử dụng thiết bị bảo hộ.
Bên cạnh đó, kênh truyền hình TF1 báo cáo rằng để có nguồn cung cấp củi, bạn cần phải trả khoản thuế 52 euro. Theo các phương tiện truyền thông, cứ 4 người Pháp thì có 1 người dùng củi để sưởi ấm vào mùa đông, và năm nay số lượng cá nhân vào rừng kiếm củi đã tăng gấp đôi. Các phương tiện truyền thông nhắc nhở chỉ những cây được Cục Quản lý rừng Quốc gia Pháp đánh dấu mới được chặt hạ.
Trước đó, báo chí đưa tin nhu cầu củi đốt ở Pháp tăng 50%, thời gian giao hàng mất từ 3 đến 6 tháng. Các nhà sản xuất cho biết, họ có thể hạn chế giao 1 m3 củi cho mỗi hộ gia đình nếu không thể đáp ứng nhu cầu.
Tuần trước, nhà điều hành lưới điện quốc gia Pháp RTE cho biết có khả năng mất điện ngắn hạn ở một số khu vực nhất định ở Pháp trong giờ tiêu thụ cao điểm từ 8 giờ đến 13 giờ và từ 18 giờ đến 20 giờ.
Được biết, hôm 9/12, cơ quan chức năng Pháp sẽ tiến hành cắt điện thử nghiệm tại một số vùng trên cả nước.
Hungary gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu nghiêm trọng
Reuters dẫn thông tin từ công ty dầu khí lớn nhất Hungary MOL cho hay, Hungary đang phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu nghiêm trọng.
“Tình hình cung cấp nhiên liệu ở Hungary rất quan trọng, khi nhu cầu tăng lên, việc mua bán hoảng loạn bắt đầu dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Giải pháp duy nhất là tạo điều kiện để tăng nhập khẩu”, Giám đốc điều hành MOL, ông Gyorgy Bacsa nói.
Ông Bacsa lưu ý rằng, MOL vẫn đang hoàn thành nhiệm vụ đảm bảo cung cấp an toàn các sản phẩm, nhưng không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường nếu không tăng nhập khẩu.
Theo ông Bacsa, công ty đã cố gắng nhập khẩu nhiều sản phẩm hơn từ nhà máy lọc dầu ở Slovakia, nhưng đã cạn kiệt các lựa chọn hậu cần.
Trước đó, MOL báo cáo rằng họ đang thấy tình trạng thiếu nhiên liệu ở hầu hết các trạm xăng trong hệ thống. Do thiếu hụt, người dân bắt đầu tích cực tích trữ xăng và dầu diesel.
Giám đốc điều hành MOL cho biết hiện 25% trạm xăng của MOL đã hoàn toàn hết xăng, và tình hình cung cấp nhiên liệu của Hungary đang trong giai đoạn “nguy cấp”.
Trước tình trạng gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu nghiêm trọng, Chính phủ Hungary bỏ trần giá xăng, được ban hành một năm trước, sau khi tình trạng thiếu nhiên liệu khiến người dân xếp hàng dài ở các trạm xăng.
"Chính phủ sẽ bãi bỏ trần giá xăng theo đề xuất của MOL, có hiệu lực ngay lập tức", Chánh văn phòng của Thủ tướng Viktor Orban, Gergely Gulyas, hôm 6/12 cho hay, đề cập công ty năng lượng khổng lồ MOL của Hungary.
“Điều chúng tôi lo sợ đã thành sự thật, lệnh trừng phạt dầu mỏ có hiệu lực hôm 5/12 đã gây ra những xáo trộn rõ rệt trong nguồn cung nhiên liệu của Hungary. MOL không thể làm gì nếu không có xăng nhập khẩu", ông Gulyas nói thêm.
Bình Minh (lược dịch)