Tổng giám đốc WHO lên tiếng kêu gọi Trung Quốc từ bỏ Chính sách “Zero Covid”
Trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 11/5 đăng bài viết về tình hình đối phó với COVID-19 của Trung Quốc hiện nay. Bài báo cho rằng, Trung Quốc kiên trì Chính sách “Zero Covid”, nhưng dịch bệnh vẫn đang hoành hành. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom trong một động thái hiếm thấy hôm thứ Ba (10/5) đã tuyên bố rằng chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc là không thể kéo dài và kêu gọi nước này nên thay đổi cách tiếp cận. Tuy nhiên cùng lúc, nghiên cứu chung của các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ chỉ ra rằng việc từ bỏ Chính sách “Zero Covid” mà không có các biện pháp đảm bảo có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của hàng triệu người.
Ông Tedros Adhanom hôm thứ Ba (10/5) đã nói tại một cuộc họp báo: “Qua xem xét khả năng hoạt động của virus và những dự đoán của chúng tôi về tương lai, chúng tôi cho rằng điều này (Chính sách Zero Covid của Trung Quốc) là không thể kéo dài được nữa. Ông nói thêm rằng WHO đã thảo luận về vấn đề này với các chuyên gia Trung Quốc và bày tỏ ý kiến cho rằng “chính sách Zero Covid" không thể tiếp tục nữa.
Ông nói: “Sự thay đổi là rất quan trọng và bây giờ khi đã hiểu rõ hơn về virus và cũng đã có các công cụ tốt hơn để chống lại nó, đã đến lúc phải thay đổi sách lược ứng phó”.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cho biết đã nói với phía Trung Quốc không thể kiên trì Chính sách "Zero Covid" được nữa. |
Chuyên gia dịch tễ học Van Kerckhoff của WHO cũng chỉ ra rằng không thể ngăn chặn sự lây lan của tất cả các loại virus trên phạm vi toàn cầu, do sự lây lan nhanh chóng của biến thể mới, điều cần làm là giảm thiểu tốc độ lây lan.
Ông Mike Ryan, Giám đốc phụ trách các trường hợp khẩn cấp của WHO, cho biết tại cuộc họp báo, kể từ khi dịch COVID-19 do SARS-CoV-2 bùng phát ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, Trung Quốc đã báo cáo 15.000 ca tử vong - một con số rất thấp so với gần 1 triệu người chết ở Mỹ, hơn 660 ngàn người ở Brazil và 520 ngàn ở Ấn Độ. Xem xét đến điều này, "có thể hiểu được rằng đất nước có dân số đông nhất thế giới này muốn thực hiện các biện pháp cứng rắn để hạn chế sự lây nhiễm của SARS-CoV-2, nhưng cũng cần phải xem xét đến ảnh hưởng của nó đối với quyền con người”.
Giới quan sát bên ngoài luôn nghi ngờ về độ tin cậy của các số liệu thống kê chính thức về số người chết vì đại dịch COVID-19 do Chính phủ Trung Quốc đưa ra.
Ông Mike Ryan nói: “Chúng ta cần đạt được sự cân bằng giữa các biện pháp kiểm soát và ảnh hưởng của chúng đối với xã hội. Đây là điều thật không dễ dàng”.
Thành phố 25 triệu dân Thượng Hải đã đóng cửa hơn một tháng rưỡi nay để thực hiện chống dịch theo Chính sách "Zero Covid". |
Trung Quốc tuân thủ chính sách “Zero Covid”, khiến hàng triệu người buộc phải bị phong tỏa lâu dài tại gia. Kể từ cuối tháng 3 đến nay, thành phố Thượng Hải 25 triệu dân đã thực thi “phong thành” hơn một tháng rưỡi khiến sự tức giận của người dân cũng như áp lực kinh tế ngày càng lớn. Tình hình dịch bệnh đang lây lan cũng khiến thủ đô Bắc Kinh chuẩn bị vào cuộc.
Trong hai tháng qua, các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đã gây ra nhiều tranh cãi, bao gồm việc cưỡng chế đưa bệnh nhân vào các bệnh viện “khoang vuông” dã chiến với điều kiện tồi tàn, cưỡng bức khóa cửa bắt buộc ở nhà để “cấm túc”, và sự “thực thi pháp luật” quá khắt khe của các nhân viên phòng chống dịch hay cảnh sát đã bị nhiều người dân Trung Quốc chỉ trích.
Nghiên cứu chung Trung-Mỹ: vội vã từ bỏ "Zero Covid" gây ra nguy cơ cao
Trước biến thể Omicron của SARS-CoV-2, hầu hết các nước phương Tây đã lần lượt áp dụng chiến lược “cùng tồn tại với virus”. Đài Loan, nơi cũng luôn theo đuổi “Zero Covid”, từ cuối tháng 4 khi dịch bùng phát trở lại cũng đang dần chuyển sang “sống chung với virus”. Thế giới bên ngoài quan tâm đến việc liệu Trung Quốc có nới lỏng lập trường đối phó với dịch bệnh của họ trong tương lai hay không.
Sau Thượng Hải, đến lượt thủ đô Bắc Kinh áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt. |
Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học ở Trung Quốc và Mỹ tiến hành đã chỉ ra rằng nếu Trung Quốc không thực hiện bất kỳ biện pháp đảm bảo nào và từ bỏ chính sách “Zero Covid”, nước này có thể đối mặt với nguy cơ hơn 1,5 triệu người bị tử vong.
Theo bản tin của Reuters hôm thứ Ba (10/5), tác giả chính của luận văn nghiên cứu đến từ Đại học Phúc Đán ở Trung Quốc và được tiến hành cùng các nhà nghiên cứu tại National Institutes of Health (Viện Y tế Quốc gia Mỹ), và đã được xuất bản trên tạp chí Khoa học Nature Medicine.
Nghiên cứu xuất phát từ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, tỷ lệ tiêm vaccine, số lượng giường bệnh để suy đoán dùng phương pháp gì để thay đổi Chính sách “Zero Covid” hiện nay, thực hiện “sống chung với virus” với cái giá phải trả thấp nhất.
Mô hình dự báo cho thấy rằng nếu Trung Quốc để mặc biến thể Omicron lây lan, đợt bùng phát sẽ gây ra lây nhiễm rất lớn. Giai đoạn đỉnh điểm sẽ xảy ra từ tháng 5 đến tháng 7, với số người nhập viện cao nhất vào tháng 9. Khi đó, 5,1 triệu người sẽ phải nhập viện và 2,7 triệu người sẽ phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Điều trị chuyên sâu tăng gấp 16 lần công suất hiện tại, và 1,5 triệu người ở Trung Quốc sẽ chết vì COVID-19 trong vòng 6 tháng. Mặc dù gần 90% dân số Trung Quốc đã được tiêm vaccine nhưng do mật độ dân số và môi trường sống, cũng như hiệu quả kém của vaccine nên không thể xây dựng hàng rào miễn dịch chống dịch được. Chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc có thể ngăn chặn sự lây lan của dịch ở một mức độ nhất định.
Chuyên gia Mike Ryan của WHO bày tỏ hoài nghi về cách chống dịch của Trung Quốc. |
Tuy nhiên, chính sách “Zero Covid” này chỉ có thể câu giờ. Các chuyên gia cảnh báo Trung Quốc không thể chờ đợi dịch bệnh “tự nhiên biến mất” – vì khả năng lây nhiễm của biến thể Omicron cực cao, SARS-CoV-2 đã không thể hoàn toàn biến mất. Các chuyên gia kêu gọi chính phủ cần tranh thủ thời gian, nhanh chóng tiêm mũi vaccine tăng cường cho người cao tuổi, nghiên cứu phát triển hoặc nhập khẩu vaccine và thuốc điều trị có hiệu quả hơn, xây dựng hàng rào miễn dịch và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng việc Trung Quốc từ bỏ hoàn toàn Chính sách “Zero Covid” có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe cộng đồng, nhưng tác động có thể được giảm thiểu đáng kể bằng các biện pháp khác. Nếu tập trung vào tiêm chủng – hiện chỉ khoảng 50% người trên 80 tuổi ở Trung Quốc được tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19 - và được cung cấp thuốc kháng virus trong khi vẫn duy trì một số hạn chế phòng dịch, thì số ca tử vong có thể giảm đáng kể.
Tiến sĩ Ben Cowling, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hồng Kông, người quen thuộc với nghiên cứu này, cho biết: "Sự ra đời của vaccine và thuốc kháng virus mang lại cơ hội để thoát khỏi ‘Zero Covid’. Tôi không thể nghĩ ra bất cứ điều gì khác có thể chờ đợi”. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng quá trình thay đổi phải diễn ra từ từ.
Ông Lương Vạn Niên, Tổ trưởng nhóm chuyên gia của Tổ lãnh đạo về Ứng phó và Xử lý dịch bệnh của Ủy ban Sức khỏe & Y tế Quốc gia Trung Quốc chủ trương tiếp tục Chính sách "Zero Covid". |
Trung Quốc vẫn kiên trì “Zero Covid”
Nhóm của ông Trương Văn Hồng (Zhang Wenhong), một chuyên gia phòng chống dịch bệnh Trung Quốc và là giám đốc Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, gần đây đã viết một bài báo trên tạp chí y khoa quốc tế The Lancet về dịch bệnh ở Thượng Hải. Nhóm chuyên gia y tế này cho rằng vai trò quan trọng của Thượng Hải đối với nền kinh tế Trung Quốc khiến việc đóng cửa không thể là tránh khỏi, và "sự lây lan của virus sang những nơi khác ... có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng không thể tưởng tượng được".
Bài báo nói rằng "Thượng Hải và các thành phố khác tuân thủ chính sách ‘Zero Covid’ sẽ giúp vượt qua giai đoạn tạm thời khi mà hàng rào miễn dịch dân số quốc gia vẫn còn yếu" và chỉ ra rằng trong số dân số từ 60 tuổi trở lên của Trung Quốc, có vẫn còn khoảng 49 triệu người hiện vẫn chưa được tiêm vaccine COVID-19.
Hồi cuối tháng 4, ông Lương Vạn Niên (Liang Wannian), Tổ trưởng nhóm chuyên gia của Tổ lãnh đạo về Ứng phó và Xử lý dịch bệnh của Ủy ban Sức khỏe & Y tế Quốc gia, từng nói rằng Trung Quốc là một quốc gia có dân số đông, phát triển giữa các vùng không cân đối, thiếu hụt nguồn lực y tế chung và phân bổ nguồn lực cũng không cân đối; tỷ lệ tiêm chủng nói chung là không đủ cao. Đối mặt với các làn sóng lặp đi lặp lại của dịch bệnh COVID-19, nếu áp dụng cái gọi là chiến lược 'chịu trận' để cùng tồn tại với virus, các nguồn lực y tế sẽ phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nghiêm trọng."
Ông nói rằng Trung Quốc thực hiện Chính sách “Zero Covid” là để có một khoảng thời gian cho việc tăng cường tiêm chủng và đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc và vaccine.