Truyền dịch cho khoẻ, coi chừng bị pha corticoid

Xuân Quỳnh| 14/03/2020 07:00

Việt BáoGiữa mùa dịch COVID – 19, quan niệm truyền dịch cho khoẻ trở thành… mốt đối với nhiều người. Truyền dịch vàng, dịch hồng (pha vitamin) là xưa rồi, hiện nay đã có loại dịch truyền khiến người ta cảm giác tràn trề sinh lực và còn có thể gây nghiện.

Bị nghiện truyền dịch

Mới đây, Khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM ghi nhận nhiều trường hợp tới khám các bệnh lý về da nhưng đều có chung thói quen là thường xuyên đi truyền dịch.

Trường hợp ca bệnh điển hình thứ nhất được chính Tiến sĩ – bác sĩ Lê Thái Vân Thanh – Trưởng Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da của bệnh viện tiếp nhận cách đây vài ngày. Bệnh nhân là nam giới, tên L. V. N., ngụ tại p.3, Q.4, TP.HCM.

Truyền dịch cho khoẻ coi chừng bị pha corticoid (Ảnh minh hoạ)

Ông N. Có tiền căn đái tháo đường típ 2 và tăng huyết áp. Sau Tết, ông N. đi va chân vào cạnh cầu thang và bị thủng da. Vết thương ở chân mưng mủ, nhiễm trùng dù chữa trị nhiều cách không lành nổi. Bệnh nhân đến khám da liễu và nghĩ rằng do bị biến chứng từ bệnh đái tháo đường nên vết thương ở chân mình mới khó lành như thế.

Bác sĩ Vân Thanh đã cho bệnh nhân làm xét nghiệm, chỉ số đường huyết cũng đang được kiểm soát ở mức tốt, thế nhưng riêng chỉ số của cortisol lại giảm mạnh. Chỉ những ai đang dùng corticoid thì chỉ số cortisol mới giảm. Khi hỏi ra thì ông N. kể mình không hề dùng thêm thuốc gì ngoài các thứ thuốc điều trị tiểu đường (đang được chính bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược kê toa). Tuy nhiên, bệnh nhân này lại có thói quen đi truyền dịch. Tháng nào ông N. cũng tự tới phòng khám tư để truyền, vì truyền dịch xong thấy rất khỏe khoắn.

Sau trường hợp của ông N., bác sĩ Vân Thanh lại tiếp nhận một nữ bệnh nhân tên P. T. X., 52 tuổi, ngụ tại Bình Dương. Bà X. đến bệnh viện để chăm sóc da, thế nhưng khi khám, bác sĩ Vân Thanh phát hiện da bệnh nhân có các biểu hiện bất thường rất điển hình của người bị nhiễm độc corticoid. Bác sĩ cho thử máu, y như rằng chỉ số cortisol của bà X. cũng giảm mạnh. Bác sĩ hỏi, bệnh nhân này cũng thừa nhận tuần nào cũng đi truyền dịch. Truyền dịch được bà X. quan niệm như một phương pháp chăm sóc sức khỏe định kỳ giống như làm đẹp vậy.

Một trường hợp khác là nạn nhân của truyền dịch pha corticoid là nữ bệnh nhân còn rất trẻ, chỉ 26 tuổi, cũng tìm đến khám do nổi mề đay mẩn ngứa. Bệnh nhân này không hề có bệnh lý nền nên ngay khi có triệu chứng bất thường sau mỗi lần truyền dịch cô gái đã tự cảm nhận được ngay. Bệnh nhân miêu tả với bác sĩ rằng mình như bị nghiện truyền dịch, nếu không đi truyền tự dưng vài bữa người sẽ nổi mề đay mẩn ngứa. Chỉ cần cô đi truyền dịch là tình trạng mẩn ngứa lập tức thuyên giảm và còn thấy rất khỏe.

Hậu quả khôn lường

Theo bác sĩ Vân Thanh, một số phòng khám tư pha corticoid vào dịch truyền với hai mục đích. Thứ nhất, bệnh nhân sẽ thấy sảng khoái, giảm đau, khỏe khoắn sau khi truyền. Thứ hai, corticoid còn có hiệu quả trong việc chống sốc khi truyền dịch, nên họ việc cắm kim truyền mà không lo bệnh nhân bị sốc. Hơn thế nữa bệnh nhân bị hội chứng nghiện corticoid, khi thấy mệt lại quay lại truyền dịch tiếp vì họ nghĩ truyền cho...khỏe nên.

Hậu quả của việc lạm dụng corticoid đã được cảnh báo rất nhiều: gây mục xương, teo da, Suy tuyến thượng thận, tăng huyết áp, tăng đường huyết, có khi gây ra bệnh đái tháo đường...

Những trường hợp chống chỉ định với truyền dịch:

  • Viêm phổi không nên truyền dịch vì sẽ làm tăng gánh nặng cho tim và phổi
  • Sốt xuất huyết không được tự ý truyền dịch vì có nguy cơ gây tràn dịch màng phổi
  • Bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý tim mạch, suy giảm chức năng thận.

Truyền dịch không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây ra các hậu quả như sốc phản vệ (có thể tử vong), rối loạn điện giải, phù toàn thân, tràn dịch màng phổi, teo não, nhiễm trùng máu…

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Truyền dịch cho khoẻ, coi chừng bị pha corticoid
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO