Trong 2 ngày 20 và 21/4, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai thành lập đoàn công tác do ông Nguyễn Đức Quang - Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn đã đến vùng tâm chấn kiểm tra thực tế tại vùng tâm chấn huyện Kon Plông (Kon Tum).
Trước việc động đất liên tiếp xảy ra, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đến tìm hiểu thực tế tại nhà máy và khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum ở địa bàn 2 xã Ngọc Tem và Đăk Tăng của huyện Kon Plông.
Theo đó, đoàn công tác đã kiểm tra hoạt động của khu nhà điều hành thủy điện, đập dâng và các khu vực xung quanh. Thời điểm kiểm tra, thủy điện tích nước với 106 triệu m3. Dung tích toàn bộ hồ là 145 triệu m3 nước.
Hồ chứa thủy điện chịu được động đất với cường độ cấp VII, khoảng 6 độ richter trong vùng tâm chấn. Dự báo khả năng động đất với cường độ lớn hơn có thể xảy ra và nguy cơ đe dọa an toàn hồ đập.
Theo ghi nhận của nhà máy thủy điện, sau trận động đất 4,5 độ richter vào ngày 18/4, khu vực nhà điều hành, xung quanh thân đập vẫn bình thường, chưa có vấn đề, sự cố gì xảy ra.
Đại diện Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum, thuộc Chi nhánh Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cho biết ngày 26/2/2020, thủy điện bắt đầu tích nước. Đến ngày 20/11/2020 đã tích đầy hồ chứa. Sau gần 1 năm, đến ngày 8/2/2021, nhà máy bắt đầu ghi nhận có rung chấn. Trong khoảng thời gian từ tháng 2/2021 đến tháng 5/2021, khá nhiều lần xuất hiện rung chấn…
Cùng đoàn công tác khảo sát hiện trường, ông Nguyễn Đức Quang - Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai kiêm Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các máy đo địa chấn để giám sát, cảnh báo sớm động đất.
Việc động đất ở đây có liên quan đến thủy điện hay hồ thủy lợi cần phải làm rõ. Tuy nhiên, việc gia tăng về mật độ và độ lớn của động đất gần đây có sự trùng hợp với thời gian tích nước của hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Vấn đề này cần xem xét và nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài.
Qua quá trình kiểm tra với đánh giá thực tế cho thấy các đợt rung chấn này không phụ thuộc vào mực nước hồ. Công ty có phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp đặt 3 trạm đo bao quanh công trình thủy điện Thượng Kon Tum để đo đạc quan trắc. Sau mỗi lần có rung chấn, Công ty đều tổ chức đi kiểm tra công trình đều bình thường.
Chị Y Diệu - người dân thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng - cho hay hơn một năm qua, động đất nhiều như… cơm bữa. Động đất khiến nhà cửa rung chuyển, nứt toác vách tường, người dân ai cũng hoang mang, lo sợ không biết điều gì xảy tới.
Hiện nay, có gần 170 hộ dân tái định cư Thủy điện Thượng Kon Tum trên triền núi cao, thuộc thôn Đắk Tăng, xã Đắk Tăng, huyện Kon Plông. Đây là khu vực gần lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum. Khu vực này thường xảy ra tâm chấn động đất.
Thấp thỏm sống ở vùng động đất
Chuyên gia nói gì về động đất liên tiếp chưa từng có trong lịch sử Kon Tum?
"Nhà mình có con nhỏ mới 5 tháng tuổi. Mỗi lúc động đất thì đồ đạc trong nhà rơi loảng xoảng xuống nền. Có khi nửa đêm, để tránh bị nguy hiểm, hai vợ chồng mình bế con ra đứng ở giữa sân vì lo động đất làm sập nhà. Trong nhà dân ở khu tái định cư thủy điện, xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài 2-3 m. Người dân mong cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân động đất liên tục để yên tâm", chị Y Diệu nói.