Trương Mỹ Lan bật khóc tại toà, nói chỉ nắm khoảng 5% cổ phần SCB

11/03/2024 14:01

Trương Mỹ Lan khai chỉ nắm giữ khoảng 5% cổ phần Ngân hàng SCB, còn lại đứng ra bảo lãnh và vận động bạn bè ở nước ngoài khoảng 30%, không nắm 91% như cáo trạng nêu.

Sáng 11/3, TAND TP.HCM xét hỏi các bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) và Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella).

"Chỉ nắm giữ 5% cổ phần SCB"

Tại phiên toà, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng cáo trạng không đúng hành vi của bà và phủ nhận nội dung "nắm 91% cổ phần Ngân hàng SCB".

"Bản thân tôi chỉ nắm giữ khoảng 5%, nếu tính tổng cổ phần mà gia đình bị cáo nắm giữ chỉ khoảng 15%. Còn lại, bị cáo đứng ra bảo lãnh và vận động bạn bè ở nước ngoài khoảng 30%, các bạn bè ở Việt Nam nắm hơn 30%", bị cáo Lan nói.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa. (Ảnh: Hoàng Hùng)
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa. (Ảnh: Hoàng Hùng)

Tất cả mọi người mua cổ phần của SCB đều nói đứng tên mua cổ phần giúp Trương Mỹ Lan, bị cáo giải thích sao về vấn đề này?", Chủ toạ hỏi.

Bà Lan cho rằng, những người đang quản lý cổ phần không biết mặt bà, những người này được Tạ Chiêu Trung (Phó Chủ tịch HĐQT SCB) nhờ đứng tên vì người nước ngoài không thể đứng tên góp vốn được.

"Bạn bè tôi là Việt kiều Canada, Việt kiều Úc, Việt kiều Mỹ. Bạn bè thấy tôi nên tin tưởng. Cổ đông nước ngoài thì tôi bảo lãnh chứ không phải của tôi", bà Lan nói thêm.

Về nhóm cổ đông ở nước ngoài chiếm 30% cổ phần SCB, Trương Mỹ Lan cho hay, sau khi hợp nhất 3 ngân hàng vào ngày 1/1/2012, tình hình ngân hàng SCB rất khó khăn nên bị cáo phải đứng ra vận động bạn bè ở nước ngoài, đứng ra bảo lãnh cho họ để họ đầu tư vào SCB, để vực dậy SCB.

"Tôi được động viên từ một số lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước kêu gọi cổ đông 3 ngân hàng đừng quậy phá, vì 3 ngân hàng khác nhau, lãnh đạo khác nhau, các nhóm cổ đông của cả ba ngân hàng đều hỗn loạn, tranh giành cổ phần với nhau. Do đó, bị cáo đứng ra kêu gọi bạn bè, người thân cùng chung tay mua đủ trên 65% cổ phần để từ đó có thẩm quyền ra nghị quyết hợp nhất ba ngân hàng, chứ không phải thâu tóm như cáo trạng nêu", Trương Mỹ Lan trình bày.

Rất buồn, bị cáo không muốn nhìn thấy cảnh ngày hôm nay", Trương Mỹ Lan khóc song chủ tọa ngắt lời, yêu cầu "bình tĩnh".

"Xin HĐXX đừng dùng từ "thâu tóm" đối với tôi được không?", bà Lan nói và tiếp tục khóc. Chủ toạ nói HĐXX chưa đánh giá việc thâu tóm hay không, đang nêu lại nội dung cáo trạng.

Phủ nhận lời khai của thuộc cấp

Trình bày tiếp, Trương Mỹ Lan nói mong có cơ hội được giải trình vì những cáo buộc về các hành vi sai phạm liên quan đến bị cáo là không đúng.

"Bị cáo có mặt và ngồi nghe các bị cáo khác trả lời tại phiên tòa, tất cả bị cáo, nhân viên ngân hàng SCB đều khai và xác định tất cả mọi việc đều làm theo Trương Mỹ Lan, do Trương Mỹ Lan chỉ đạo, khả năng quản trị yếu, nên làm mọi việc theo Trương Mỹ Lan... bị cáo thấy sao?", Chủ tọa hỏi.

Bà Lan cho rằng các bị cáo khác khai không đúng. Theo bà Lan, ông Nguyễn Văn Thùy, Phó trưởng ban kiểm tra, giám sát nội bộ Agribank (nguyên phó trưởng ban giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia) nói đến lúc đọc cáo trạng mới biết.

"Ông ấy có biết mặt tôi đâu mà nói chỉ đạo. Nếu đã là thân tín của tôi thì không thể làm vài tháng, một năm rồi nghỉ", bị cáo Lan nói.

Theo bà Trương Mỹ Lan, hội đồng quản trị khi hợp nhất 3 ngân hàng, nền bà chỉ kêu gọi cổ đông vào, kêu gọi họ đừng gây lộn và hãy tin vào ban điều hành của SCB. Vị trí của bị cáo Lan lúc này chỉ là giúp giải quyết tài sản chứ không điều hành.

"Nếu sai phạm của bị cáo như cáo trạng cáo buộc thì không thể ngày hôm nay tất cả tài sản của tôi đều nằm ở SCB", Trương Mỹ Lan trình bày.

Chủ toạ đặt câu hỏi: "Tất cả các bị cáo khác có chức vụ tại Ngân hàng SCB khai đều xác định làm theo chỉ đạo của bị cáo, bị cáo giải thích sao về chuyện này?".

Trương Mỹ Lan cho rằng việc phải tham gia tái cơ cấu SCB do một số người có trách nhiệm của Nhà nước động viên tham gia để cứu SCB, cứu thị trường Ngân hàng Nhà nước. Nhưng khi không hiểu gì về ngân hàng cũng phải tham gia tái cơ cấu SCB, rồi hôm nay bị cáo phải rơi vào cảnh phải đứng trước tòa.

"Lê Khánh Hiền là người đầu tiên làm Tổng giám đốc, các bị cáo Thu Sương, Võ Tấn Hoàng Văn… đều không phải là người thân tín của bị cáo, những người này chỉ làm khoảng 1 năm là nghỉ, nếu là thân tín thì đã làm và gắn bó với bị cáo trong thời gian dài", Trương Mỹ Lan trình bày và nói thêm bản thân bà là người có ảnh hưởng, có uy tín nên phải có trách nhiệm khi nhiều người đề nghị tham gia tái cơ cấu SCB.

Chủ toạ yêu cầu: "Bị cáo chưa trả lời đúng câu hỏi. HĐXX muốn bị cáo trả lời tất cả người khác khai rõ quyền điều hành thực tế đều theo chỉ đạo của bị cáo. Bị cáo trả lời, đừng giải thích lý do họ làm".

Bị cáo Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Trương Mỹ Lan.

Ngoài ra, theo bị cáo Lan, chi tiết bà chi phối SCB theo cáo trạng cũng không đúng.

"Tôi không làm việc một ngày nào tại SCB, nên nói tôi chi phối SCB là không đúng", Lan trình bày.

Trong vụ án, Trương Mỹ Lan bị cáo buộc ở 3 tội danh: Đưa hối lộ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; và tham ô tài sản.

Theo cáo trạng, tổng cộng trong 10 năm (từ 2012 - 2022), bị cáo gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 498.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dù không giữ chức vụ nào trong SCB, nhưng do nắm giữ từ 85 - 91,5% cổ phần, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm "quyền lực", thao túng toàn bộ hoạt động của SCB. Bị cáo này là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và phần lớn các công ty trong hệ sinh thái.

Bị cáo cùng các đồng phạm đã tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập các đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bị cáo; thành lập hàng ngàn công ty "ma".

Trương Mỹ Lan cũng thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; tạo lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB. Bị cáo mua chuộc người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước để làm trái công vụ.

Từ năm 2012 - 2017, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB, còn dư nợ hơn 132.000 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho SCB 64.600 tỷ đồng.

Từ năm 2018 - 2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn, chiếm đoạt của SCB hơn 304.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 129.300 tỷ đồng.

Hoàng Thọ
Theo vtc.vn
https://vtc.vn/truong-my-lan-bat-khoc-tai-toa-noi-chi-nam-khoang-5-co-phan-scb-ar858016.html
Copy Link
https://vtc.vn/truong-my-lan-bat-khoc-tai-toa-noi-chi-nam-khoang-5-co-phan-scb-ar858016.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trương Mỹ Lan bật khóc tại toà, nói chỉ nắm khoảng 5% cổ phần SCB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO