Trường học loay hoay chờ khi 'môn Lịch sử có cả lựa chọn và bắt buộc'

29/06/2022 11:47

Nhiều trường THPT nói sốt ruột chưa rõ chương trình môn Lịch sử ở bậc THPT mới liệu có được thiết kế gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn hay không khi mà năm học mới cận kề.

Một trong những nội dung của Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa được ban hành là yêu cầu nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Thông tin này khiến hiệu trưởng nhiều trường THPT lo lắng kế hoạch được xây dựng sẽ bị xáo trộn khi năm học mới cận kề.

Trước đó, theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, học sinh sẽ chỉ còn học 5 môn bắt buộc. Các môn còn lại sẽ được đưa vào danh sách môn lựa chọn theo nhóm. Môn Lịch sử trở thành một trong những môn lựa chọn ở cấp THPT với cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật).

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng.

Một số hiệu trưởng cho hay, nếu chỉ điều chỉnh ở một môn học vẫn có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn, kế hoạch giáo dục nhà trường, công tác tuyển sinh lớp 10 và cả kế hoạch biên chế năm học như tính toán số tiết/giáo viên, phân công giáo viên.

Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội) nói đang chờ phương án cuối cùng được Bộ GD-ĐT đưa ra.

Theo ông Tùng, hiện, dù chưa có thông báo chính thức về việc học sinh khối 10 năm học 2022-2023 - khối đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, sẽ học môn Lịch sử bắt buộc và lựa chọn như thế nào, song nhà trường đã phải lên các phương án thay đổi lại so với dự kiến.

Nếu môn Lịch sử bậc THPT được xác định gồm cả phần kiến thức bắt buộc, thì với 11 lớp 10, số tiết môn Lịch sử sẽ tăng ít nhất 11 hoặc 22 tiết/1 tuần (tùy vào phân phối chương trình là 1 hay 2 tiết/tuần).

“Trong trường hợp đó chúng tôi sẽ phải tính đến cả việc tuyển thêm 1 giáo viên môn Lịch sử. Thế nhưng, nếu tuyển vội vàng cũng lo sẽ không có được giáo viên chất lượng khi các trường tư thục sẽ bắt đầu năm học từ khoảng 1/8/2022.

Ngoài ra, nếu tăng số tiết môn Lịch sử thì phải giảm số tiết tăng cường một số môn khác trong các tiết học buổi chiều (Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp học 2 buổi/ngày -PV). Như vậy, các bộ môn đó phải điều chỉnh lại kế hoạch đã chuẩn bị trong hè”.

Ông Tùng cũng băn khoăn liệu có sử dụng được sách giáo khoa đã viết theo chương trình ban đầu hay không.

“Hiện nay, công tác tập huấn chuyên môn của bộ môn Lịch sử vẫn bám theo các bộ sách đã có. Không biết chương trình học bắt buộc có thực sự hấp dẫn giáo viên hay không khi thời gian biên soạn rất ngắn bởi năm học đã rất cận kề”.

Cô T., hiệu trưởng một trường THPT ở Hải Phòng cho biết cũng đang chờ đợi hướng dẫn.

“Nhà trường cũng đành chờ đợi có kết luận cuối cùng để tính phương án chuẩn bị triển khai một thể. Với lớp 10 tuyển sinh năm nay, chúng tôi sẽ làm một cuộc tư vấn định hướng đầu cấp, nhưng dự kiến sẽ rất khó khăn”.

Cô giáo này cho rằng nếu theo lẽ thường, việc điều chỉnh môn Lịch sử từ lựa chọn sang có cả phần bắt buộc và phần tự chọn thì thiết kế Chương trình phổ thông mới cũng phải thay đổi.

“Có thể sẽ phải sửa số tiết, không chỉ môn học này mà mà còn kéo theo sửa số tiết các môn học khác. Bởi theo thiết kế ban đầu, môn học bắt buộc là 12 tiết/tuần, môn học lựa chọn 10 tiết/tuần, cộng với các chuyên đề học tập, các hoạt động giáo dục địa phương, tổng cộng là 29 tiết/tuần.

Nếu Lịch sử vừa gồm bắt buộc vừa gồm phần tự chọn thì liệu có phải tăng số tiết? Như vậy liệu có phải giảm số tiết của môn học nào trước đây?” - vị hiệu trưởng băn khoăn.

Dù vậy, nữ giáo viên cho biết, điều quan trọng nhất vẫn là cần làm sao để môn Lịch sử được khẳng định bằng cách dạy học, phương pháp giảng dạy, sức hấp dẫn của sách giáo khoa qua việc học sinh hứng thú.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) nói việc chọn tổ hợp để dạy học, để học không khó nhưng câu hỏi đặt ra là sau 3 năm học theo tổ hợp thì việc chọn này sẽ đi đâu.

“Chúng tôi, giáo viên và phụ huynh rất cần Bộ có câu trả lời để định hướng cho học sinh, bởi giáo dục phải có tầm nhìn dù chỉ là 1 niên khoá, chứ không thể cứ để học rồi đến ngày thi rồi mới chọn lựa", ông Phú nói và trăn trở cũng rất cần câu trả lời cho câu hỏi năm 2025 thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học theo kiểu gì để tư vấn phụ huynh lựa chọn.

Còn thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) thì chờ đợi nội dung thiết kế môn Lịch sử cô đọng, hợp lý, vừa sức để học sinh cảm thấy học Sử không nặng nề.

Theo thầy Du, trong trường hợp nếu là môn học lựa chọn có phần bắt buộc, Bộ GD-ĐT có thể lựa chọn các nội dung cần thiết từ chương trình cũ đề thiết kế ra phần bắt buộc cho học sinh.

Cá nhân thầy Du cho rằng mọi sự thay đổi đều chấp nhận được khi vị trí môn Lịch sử được coi trọng thật sự trong chương trình phổ thông.

Thanh Hùng - Lê Huyền

    Bài liên quan
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Trường học loay hoay chờ khi 'môn Lịch sử có cả lựa chọn và bắt buộc'
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO