Trưởng Ban Công tác đại biểu: Khắc phục tình trạng tiếp xúc 'đại cử tri'

Xuân Trường| 21/02/2022 13:30

Bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, công tác tiếp xúc cử tri phải theo hướng tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, khắc phục tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”.

Sáng 21/2, trình bày báo cáo tại Hội nghị tổng kết về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bà Nguyễn Thị Thanh - Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, công tác tiếp xúc cử tri phải theo hướng tăng cường hoạt động gắn bó đại biểu với cử tri, khắc phục cho được tình trạng tiếp xúc “đại cử tri”.

Trong định hướng phương hướng, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, bà Thanh cho rằng, phải đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND, nhất là nội dung hoạt động và công tác tổ chức cán bộ, trong đó cần quan tâm nâng cao chất lượng đại biểu HĐND, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức văn phòng giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, giúp hoạt động của HĐND được nâng lên rõ nét.

HĐND tích cực tham gia đề xuất với Quốc hội hoàn thiện thể chế, thông qua giám sát việc thực thi pháp luật ở địa phương, việc ban hành nghị quyết có chứa nội dung quy phạm pháp luật của HĐND cấp tỉnh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu: Khắc phục tình trạng tiếp xúc 'đại cử tri' - 1

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo sáng 21/2.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới về tổ chức bộ máy và cán bộ của HĐND cũng như phương thức hoạt động, trước hết là rà soát và hoàn thiện các quy chế hoạt động của Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND; quy chế phối hợp giữa HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh.

Bà Thanh cũng cho rằng cần chủ động tham gia từ sớm, từ xa của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND trong việc thẩm tra và cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình, cách thức điều hành phiên họp dân chủ, khoa học, trách nhiệm, kỳ họp HĐND đảm bảo đúng quy định và linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch tại địa phương...

Để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ căn cứ các chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách như: hướng dẫn hoạt động của HĐND, Quy chế hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND... để hỗ trợ hoạt động của HĐND các cấp phát huy hiệu quả, nhất là đối với các địa phương đang áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát việc thực hiện hoạt động của HĐND, thông qua hình thức tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động hằng năm của HĐND cấp tỉnh; tham dự các kỳ họp HĐND cấp tỉnh, các Hội nghị Thường trực HĐND cấp tỉnh ở 6 khu vực trong cả nước nhằm chủ động nắm bắt những vấn đề mới, phát sinh để có giải pháp xử lý những kiến nghị, đề xuất của địa phương.

Xuân Trường

Bài liên quan
  • Chủ tịch nước tiếp xúc cử tri TPHCM
    Sáng 2/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề theo hình thức trực tuyến với các cử tri là doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố để lắng nghe, giải đáp ý kiến của DN nhằm phục hồi nhanh nhất sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, lấy lại đà tăng trưởng cho khu vực kinh tế đầu tàu của đất nước.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Trưởng Ban Công tác đại biểu: Khắc phục tình trạng tiếp xúc 'đại cử tri'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO