Ban ngày trẻ thường đến trường hoặc ở nhà được ông bà hay người giúp việc chăm sóc, buổi tối chúng mới được ở bên cha mẹ. Nếu cha mẹ không sắp xếp tốt quỹ thời gian có hạn thì sẽ rất dễ dẫn đến thiếu sự đồng hành giáo dục trong quá trình trưởng thành của trẻ. Làm thế nào để giáo giục trẻ thật tốt trong thời gian ngắn là một vấn đề mà nhiều phụ huynh suy nghĩ.
4 điều cha mẹ cần làm trước khi trẻ đi ngủ
1. Hiểu trạng thái trong ngày của con
Đối với trẻ đang trong giai đoạn phát triển thì giấc ngủ rất quan trọng và không thể tách rời với sự phát triển về thể chất và tinh thần. Các hoạt động trong ngày của trẻ nằm ngoài tầm quan sát của cha mẹ nên cha mẹ không nắm bắt được niềm vui, nỗi buồn của trẻ. Vì vậy, trước khi đi ngủ, chúng ta phải tìm hiểu trạng thái ban ngày của trẻ và cho trẻ nhớ lại những điều hạnh phúc hay khó chịu đã xảy ra để có hướng giải tỏa kịp thời giúp chìm vào giấc ngủ mà không gặp bất kỳ áp lực nào.
Quá trình này cũng giúp cải thiện khả năng diễn đạt, ngôn ngữ và logic của trẻ. Trong khi lắng nghe, cha mẹ cũng nên tương tác, động viên, khen ngợi kịp thời, đồng thời cần lưu ý dù trẻ mắc lỗi trong ngày thì cha mẹ cũng phải kiên nhẫn không quát mắng tránh các cảm xúc không tốt và ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ.
2. Đọc sách cùng con
Đọc sách cũng là một cách đồng hành tốt giữa cha mẹ và con cái. Dù chỉ đọc vài trang sách mỗi ngày nhưng tích lũy dần theo thời gian không chỉ giúp trau dồi thói quen đọc sách mà còn có thêm kiến thức và tăng vốn từ vựng. Một cuốn sách phù hợp với lứa tuổi cho phép trẻ học được các kiến thức sâu sắc hơn về các vấn đề trong cuộc sống, cách bảo vệ bản thân, cách hòa đồng với người khác,....
Những câu chuyện ý nghĩa và những suy nghĩ tích cực trong sách sẽ hướng con trẻ phát triển tích cực, có lợi cho việc trau dồi những giá trị và cách nhìn nhận đúng đắn về cuộc sống. Cùng nhau đọc sách cũng tăng cường sự thân mật giữa cha mẹ và con cái.
3. Kể chuyện trước khi đi ngủ
Những câu chuyện sinh động do cha mẹ kể cho trẻ nghe sẽ rèn luyện khả năng tư duy và hình thành khả năng tập trung của trẻ. Những câu chuyện sinh động làm phong phú thêm trí tưởng tượng, giúp trẻ hòa mình vào tình huống, hình thành ý thức thần tượng và tạo động lực để trẻ trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn. Chúng ta nên lựa chọn các câu chuyện phù hợp với lứa tuổi của trẻ, ví dụ trẻ không thích tắm rửa có thể kể chuyện vệ sinh, nếu trẻ rụt rè có thể kể câu chuyện anh hùng dũng cảm,...
4. Để trẻ lên kế hoạch cho ngày hôm sau
Trẻ em chưa có đủ khả năng tự chủ và cần có sự giám sát giúp đỡ của cha mẹ. Trước khi đi ngủ, hãy để trẻ sắp xếp cho ngày hôm sau như thức dậy lúc mấy giờ, mục tiêu học ở trường, v.v. Có mục tiêu thì trẻ sẽ có động lực phấn đấu hơn, quá trình này nuôi dưỡng ý thức về mục đích và dần hình thành tính tự chủ, lâu dần trẻ sẽ trở nên tự tin và ngăn nắp hơn.
3 điều không nên làm trước khi đi ngủ
Đừng bắt con bạn hoạt động quá mức
Vì không có thời gian đồng hành cùng con vào ban ngày, nhiều bậc cha mẹ chơi game cùng con, vui chơi quá đà hoặc xem phim hoạt hình vào ban đêm, não bộ của trẻ rơi vào trạng thái hưng phấn. Do hệ thần kinh của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, phải mất thời gian để đi từ trạng thái hưng phấn sang trạng thái bình tĩnh, khó đi vào giấc ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém dẫn đến trạng thái tinh thần không tốt vào ngày hôm sau. Chất lượng giấc ngủ cũng liên quan đến việc tiết ra hormone tăng trưởng, qua đó có tác động đến sự phát triển thể chất.
Tránh uống sữa hoặc ăn trước khi ngủ
Từ khi mới sinh, khẩu phần ăn chính của trẻ là sữa mẹ hoặc sữa ngoài, trước 1 tuổi trẻ bú đêm, sau 1 tuổi cần bỏ sữa đêm để đảm bảo thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ. Tốt nhất trẻ nhỏ không nên uống sữa hay ăn bất cứ thứ gì trước khi đi ngủ khoảng 1 tiếng vì dù là sữa hay thức ăn khác thì cũng cần nhu động của dạ dày để tiêu hóa và ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Đừng đánh mắng con bạn trước khi đi ngủ
Bị cha mẹ đánh mắng trước khi đi ngủ, trẻ sẽ trằn trọc không yên, ngủ với tâm trạng chán nản, bất an, thiếu tự tin sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, dẫn đến hình thành tính cách rụt rè và nhút nhát dễ tổn thương ở trẻ.
Theo V.K - Vietnamnet