Vụ việc cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị bắn khiến dư luận Nhật Bản không khỏi sốc, bởi Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ phạm tội liên quan tới súng đạn ở mức thấp nhất trên thế giới nhờ những bộ luật kiểm soát súng đạn cực kỳ khắt khe.
Vào lúc 11h30 sáng nay (8/7) trước Nhà ga Yamatosaidaiji, cựu Thủ tướng Abe đã bị đối tượng Yamagami Tetsuya, một người dân ở thành phố Nara ngoài 40 tuổi, bắn khiến ông ngã gục xuống đất. Ông Abe đã được chuyển vào viện cấp cứu, nhưng vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Bạo lực súng đạn là chuyện hiếm khi xảy ra ở Nhật Bản. (Ảnh: AP) |
Trước khi ông Abe bị bắn, bạo lực súng đạn là chuyện hiếm khi xảy ra ở Nhật Bản. Như vào năm 2018, Nhật Bản báo cáo chỉ có 9 nạn nhân chết vì súng đạn so với con số 39.740 chết vì bạo lực súng đạn tại Mỹ trong cùng năm.
Theo quy định của luật sở hữu súng đạn ở Nhật Bản, loại súng duy nhất được phép bán là súng hoa cải và súng hơi, còn súng ngắn bị cấm. Quy định cấp phép sở hữu súng ở Nhật Bản cũng rất phức tạp và mất thời gian đòi hỏi sự kiên trì lớn.
Để mua được súng ở Nhật Bản, người mua cần tham gia lớp học toàn thời gian, đỗ bài kiểm tra viết và bài kiểm tra tầm bắn với độ chính xác ít nhất là 95%.
Những người này còn phải tham gia các bài kiểm tra đánh giá tâm thần và sử dụng ma túy, cũng như kiểm tra lai lịch nghiêm ngặt như có tiền án hay không, nợ cá nhân, có tham gia các tổ chức phạm tội cùng mối quan hệ với các thành viên trong gia đình và bạn bè.
Ngoài ra, cứ 3 năm những người sở hữu súng lại phải tham gia kỳ thi đánh giá lại từ đầu.
Hồi năm 2019, ước tính người dân Nhật bản sở hữu 310.400 khẩu súng trong khi tổng số dân là 125 triệu người.
Vụ bạo lực súng đạn gần nhất xảy ra ở Nhật Bản là vào năm 2007. Theo đó, Thị trưởng Nagasaki ở miền nam Nhật Bản là ông Iccho Ito đã qua đời sau khi trúng ít nhất 2 phát đạn ở lưng. Thủ phạm được cho làm một băng đảng tội phạm.
Kể từ đó, Nhật Bản càng siết chặt hơn nữa luật sở hữu súng, cũng như tăng nặng hình phạt đối với tội phạm là thành viên các băng đảng phạm tội sử dụng súng để gây án.
Trong khi đó, bạo lực súng đạn mà nguy hiểm nhất là những vụ xả súng hàng loạt lại xảy ra liên tiếp trong những năm gần đây tại Mỹ khiến làn sóng tranh cãi về luật kiểm soát súng đạn trong dư luận nước này càng trở nên gay gắt.
Như vào năm 2019, cứ 100.000 người dân Mỹ thì có hơn 4 người chết vì súng. Trong khi, con số này ở Nhật Bản lại gần như bằng 0.
Ngay cả cảnh sát Nhật Bản, những người được phép mang theo súng ngắn, nhưng cũng rất hiếm khi sử dụng.
Theo Insider, dù dân số là 127 triệu người, nhưng tổng số người chết hàng năm vì súng ở Nhật Bản hiếm khi là hơn 10 nạn nhân.
Chia sẻ với BBC, ông Iain Overton, Giám đốc điều hành của Tổ chức Hành động về Bạo lực Vũ trang, nhận định "Kể từ khi súng xuất hiện tại Nhật Bản, quốc gia này luôn có quy định chặt chẽ về quyền kiểm soát súng.
Nhật Bản là nước đầu tiên áp dụng luật về súng trên toàn thế giới. Tôi nghĩ luật pháp đã đặt ra nền tảng suy nghĩ súng thực sự không đóng một vai trò trong xã hội dân sự ở Nhật Bản".
Trên thực tế, sau Thế chiến Thứ Hai, Nhật Bản theo đuổi chủ nghĩa hòa bình. Tới năm 1946, cảnh sát Nhật Bản mới bắt đầu được trang bị súng và mục đích là đảm bảo an ninh.
Kể từ năm 1958, luật pháp Nhật Bản còn quy định rằng "không ai được sở hữu súng hay gươm".
Dù tới nay, chính phủ Nhật Bản đã nới lỏng luật sở hữu súng, nhưng các quy định vẫn dường như liên quan tới cấm sở hữu loại vũ khí có tính sát thương cao này.
Tại mỗi tỉnh của Nhật Bản, nơi dân số từ nửa triệu tới 12 triêu người như ở thành phố Tokyo, chỉ có tối đa 3 cửa hàng bán súng được mở. Những cửa hàng này chỉ có thể mua các băng đạn mới sau khi đã tiêu thụ hết số băng đạn cũ.
Nếu người chủ sở hữu súng qua đời, người thân phải giao nộp súng cho chính phủ.
Sau khi ca làm việc, cảnh sát Nhật Bản cũng không được mang theo súng. Phần lớn các vụ giết người ở Nhật Bản liên quan tới đâm chém bằng dao.
Như vào tháng 7/2016, một người đàn ông đã đâm chết 19 người tại trung tâm chăm sóc người khuyết tật thành phố Sagamihara của tỉnh Kanagawa.
Luật kiểm soát súng ở Nhật Bản cũng đã giúp mối quan hệ giữa cảnh sát và người dân nước này trở nên thân thiệt hơn so với ở Mỹ.
Minh Thu (lược dịch)