Ngày 4/7, Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) cho biết họ đã yêu cầu cho các kho ứng dụng cho điện thoại thông minh gỡ bỏ ứng dụng đặt xe của Didi Global Inc sau khi phát hiện ứng dụng này thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng một cách bất hợp pháp.
CAC thông báo đã yêu cầu Didi tiến hành các thay đổi nhằm tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu của Trung Quốc.
Về phần mình, Didi cam kiết sẽ thay đổi để tuân thủ các quy định của luật pháp và bảo về quyền lợi của người sử dụng.
Ứng dụng của Didi vẫn hoạt động tại Trung Quốc cho những người đã tải về trước đó. Trung bình mỗi ngày có 20 triệu lượt đặt xe qua ứng dung của Didi tại Trung Quốc.
Hôm 2/7, CAC thông báo họ đã mở cuộc điều tra về Didi để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích công cộng, chỉ 2 ngày sau công ty này bắt đầu giao dịch trên Sàn giao dịch Chứng khoán New York.
Didi Global đã huy động được 4 tỷ USD trong vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vào ngày 29/6.
Đây là vụ chào bán cổ phiếu lớn nhất của một công ty Trung Quốc kể từ vụ phát hành 25 tỷ USD của “đế chế” thương mại điện tử Alibaba vào năm 2017.
Didi được Will Wei Cheng, một cựu nhân viên của Alibaba, và Jean Qing Liu, một cựu nhân viên ngân hàng Goldman Sachs, thành lập vào năm 2012.
Ông Cheng hiện giữ vai trò Tổng giám đốc (CEO) của Didi, trong khi ông Liu giữ cương vị Chủ tịch.
Trong số các nhà đầu tư chính của Didi trước khi công ty lên sàn có SoftBank, Uber và Tencent.
Didi được biết đến với việc “hất cẳng” Uber khỏi thị trường Trung Quốc, sau khi công ty ứng dụng gọi xe Mỹ thua cuộc trong một cuộc chiến giá cước. Sau đó, Uber phải bán lại hoạt động ở Trung Quốc cho Didi để đổi lấy cổ phần trong Didi./.